Vụ vứt bỏ thai nhi cạnh thùng rác: “Hành vi nhẫn tâm, vô đạo đức“

Google News

Theo luật sư Đặng Văn Cường, người vứt bỏ thai nhi cạnh thùng rác là hành vi hết sức nhẫn tâm, thiếu đạo đức của người làm mẹ. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ ai là người vứt thai nhi ra vị trí này để có hình thức xử lý.

Cơ quan công an đang trích xuất camera để truy tìm người vứt trẻ sơ sinh cạnh thùng rác và bị ô tô cán qua (ngày 16/1), tại đường Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Một số người ở khu vực cho hay, sau khi sự việc phát hiện thai nhi cạnh thùng rác, người dân nhớ lại trước đó từng có một người lạ đốt vàng mã, thắp hương tại khu vực gần ngay cạnh thùng rác nơi phát hiện cháu bé rồi nhanh chóng bỏ đi. Tuy nhiên, sau đó ít phút thì có một ô tô cán qua túi nilon màu đen thì mới phát hiện ra cháu bé.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là hành vi hết sức nhẫn tâm, thiếu đạo đức của người làm mẹ. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ ai là người vứt thai nhi ra vị trí này để có hình thức xử lý và thực hiện các giải pháp phòng ngừa theo quy định pháp luật.
Vu vut bo thai nhi canh thung rac: “Hanh vi nhan tam, vo dao duc“
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc. 
Trong quá trình xác minh, cơ quan điều tra sẽ làm rõ khi vứt bỏ thai nhi được bao nhiêu tháng, có còn sống hay không. Hành vi là nạo phá thai hay sinh non tự nhiên? Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người mẹ đã đẻ non, đứa trẻ sinh ra còn sống nhưng đã vứt bỏ khiến đứa trẻ tử vong thì sẽ xử lý hình sự người vứt bỏ con mới đẻ theo quy định tại điều 124 bộ luật hình sự về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ hoặc tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đây là thai nhi, sản phụ chưa sinh và có việc phá thai đối với thai nhi đã trên 22 tuần tuổi thì cần làm rõ cơ sở nào đã thực hiện hành vi nào phá thai trái pháp luật để tiến hành có những biện pháp xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 quy định về quyền của phụ nữ được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa và nạo thai, phá thai như sau:
Điều 44. Quyền của phụ nữ được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa và nạo thai, phá thai.
1. Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, được theo dõi sức khoẻ trong thời kỳ thai nghén, được phục vụ y tế khi sinh con tại các cơ sở y tế.”
Luật sư Cường cho biết thêm, dù được ban hành đã lâu (29 năm), nhiều điều khoản trong đó có thể đã không còn phù hợp với thay đổi của thực tiễn, tuy nhiên, Luật này vẫn đang còn hiệu lực pháp lý. Vì vậy, đây vẫn là cơ sở để thừa nhận quyền nạo, phá thai của phụ nữ.
Vu vut bo thai nhi canh thung rac: “Hanh vi nhan tam, vo dao duc“-Hinh-2
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.  
Như vậy, pháp luật Việt Nam vẫn cho phép người phụ nữ được phép phá thai, tuy nhiên có những trường hợp nhất định mà pháp luật nghiêm cấm không được phép phá thai. Cụ thể, theo khoản 2, Điều 7 Pháp lệnh dân số năm 2003, được hướng dẫn tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 104/2003/NĐ-CP: “Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác” là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Phá thai là tình trạng thai kỳ kết thúc sớm do sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật để loại bỏ phôi thai hay bào thai và nhau thai ra khỏi tử cung. Chỉ những bác sĩ có giấy phép mới thực hiện được các thủ thuật này. Tại phần VII - Phá thai an toàn của Quyết định số 4620/QĐ-BYT đã nêu: “Phá thai là chủ động sử dụng các phương pháp khác nhau để chấm dứt thai trong tử cung cho thai đến hết 22 tuần tuổi”.
Theo các quy định trên, mọi hành vi phá thai trên 22 tuần tuổi, phá thai do lựa chọn giới tính thai nhi đều bị nghiêm cấm. Pháp luật chỉ cho phép phá thai từ 22 tuần tuổi trở xuống và phải đáp ứng những điều kiện sức khỏe, kỹ thuật, trang thiết bị… theo quy định chi tiết tại Quyết định 4620/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Cũng theo luật sư Cường, những hành vi vi phạm quy định về phá thai sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 84 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP. Đối với hành vi phá thai trái phép thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, nếu hậu quả xảy ra chết người hoặc gây thương tích nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 316 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Nếu phá thai trái phép mà gây hậu quả nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì cơ sở phải thai sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự hình phạt cao nhất của tội danh này có thể đến 15 năm tù. Trường hợp cơ sở phá thai trái phép, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ số tuần tuổi của thai nhi. Trường hợp không phải là do sinh non tự nhiên mà là do phá thai thì sẽ làm rõ nguyên nhân phá thai và cơ sở phá thai nếu có để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật. Trong trường hợp khi thai nhi sinh ra còn sống, sau đó tử vong thì được xác định là con người. Nếu người mẹ hoặc cơ sở y tế biết là đứa trẻ tử vong mà không mai táng theo phong tục địa phương, đem vứt ra nơi tập kết rác thì có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm xâm phạm thi thể theo quy định tại Điều 319 Bộ luật hình sự.
Có thể nói rằng sự việc trên cây kinh hãi cho nhiều người và xót xa cho thai nhi. Đã thành hình hài nhưng không được làm người. Bởi vậy người mẹ trong trường hợp này có thể rất đáng trách, thậm chí còn đáng tội. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi này là của ai, việc phá, vứt bỏ thai xảy ra như thế nào, những ai có liên quan để xem xét trách nhiệm theo quy định pháp luật nêu trên.
Hiện vụ vứt bỏ thai nhi cạnh thùng rác đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
>>> Xem thêm video: Trích camera tìm người bỏ thai nhi cạnh thùng rác, ô tô đè trúng ở Hà Nội

Nguồn: Truyền Hình Pháp Luật Việt Nam.

Gia Đạt