Xã Thanh Hóa vay huyện tiền tỷ không trả: Trách nhiệm của ai?

Google News

(Kiến Thức) - Dư luận đang xôn xao trước vụ việc Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) tính kiện UBND xã Thiệu Công ra tòa do không chịu trả số tiền nợ là 3,1 tỷ đồng.

Mới đây, ông Trịnh Văn Súy, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) khẳng định với báo chí sẽ khởi kiện ra tòa nếu UBND xã Thiệu Công không trả số tiền 3,1 tỷ đồng mà xã này vay từ tiền ngân sách dự phòng của huyện, bởi không còn cách nào khác.
Việc UBND xã vay tiền UBND huyện do liên quan đến chuyện đề bù đất đai cho dân. Sự việc xuất phát từ năm 1997 đến 2004, UBND xã Thiệu Công đã tự ý thu tiền hợp thức hóa đất ở trước năm 1980 của hàng chục hộ dân trên địa bàn với số tiền 1,7 triệu đồng/hộ.
Sự việc sau này bị vỡ lở khi nhiều người đóng tiền nhưng không được cấp sổ đỏ đã làm đơn khiếu nại, UBND huyện Thiệu Hóa, Công an huyện Thiệu Hóa cũng đã vào cuộc xử lý nhưng quyền lợi của người dân không được giải quyết thỏa đáng, vì thế trong năm 2018 nhân dân xã Thiệu Công đã nhiều lần kéo xuống trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, khiến ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, phải về địa phương đối thoại với dân.
Xa Thanh Hoa vay huyen tien ty khong tra: Trach nhiem cua ai?
 UBND xã thiệu Công (ảnh VT)
Sau cuộc đối thoại ngày 26/12/2018, ông Xứng đã yêu cầu UBND xã Thiệu Công phải có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền trên cho dân theo lãi suất tiền vay do ngân hàng chậm nhất trước ngày 7/1/2019. Tổng số hộ phải hoàn trả là 79 hộ với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng.
Do không biết lấy nguồn kinh phí ở đâu để hoàn trả lại tiền cho 79 hộ dân, nên ngày 5/1/2019, UBND xã Thiệu Công đã có văn bản (được sự thống nhất giữa Đảng ủy, HĐND, UBND xã) trình Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa xin vay 3,1 tỷ đồng từ ngân sách huyện để trả cho dân. UBND xã Thiệu Công cam kết sẽ hoàn trả lại số tiền trên cho huyện trước ngày 30/6/2019.
Tuy nhiên, tới nay, xã Thiệu Công không có tiền để trả dù UBND huyện Thiệu Hóa đã nhiều lần có văn bản đốc thúc, yêu cầu UBND xã Thiệu Công thực hiện việc trả 3,1 tỷ đồng nhưng đến nay sự việc vẫn rơi vào ngõ cụt.
Ngày 30/3/2020, huyện Thiệu Hóa có công văn đề nghị Kho bạc huyện Thiệu Hóa tiếp tục dừng chi ngân sách cho UBND xã Thiệu Công do không trả tiền tạm ứng năm 2019 cho ngân sách huyện, đồng thời dọa kiện xã này ra tòa.
Công văn của huyện Thiệu Hóa nêu rõ: “Yêu cầu Chủ tịch UBND xã Thiệu Công khẩn trương làm hồ sơ gửi Kho bạc Thiệu Hóa trả ngân sách huyện 3,1 tỷ đồng trước ngày 15/4/2020. Quá thời gian trên UBND huyện sẽ khởi kiện UBND xã Thiệu Công ra tòa để giải quyết”.
Xa Thanh Hoa vay huyen tien ty khong tra: Trach nhiem cua ai?-Hinh-2
Văn bản UBND huyện Thiệu Hóa đốc thúc UBND xã Thiệu Công trả nợ 
Trao đổi với PV Kiến Thức về sự việc trên, luật sư Đỗ Thị Hằng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Việc UBND huyện Thiệu Hóa đòi số tiền mà UBND xã Thiệu Công vay mượn là chính đáng bởi giữa các bên đều đã văn bản vay mượn và thời gian hoàn trả cụ thể. Nhưng do không lường trước được sự việc tiếp theo tại thời điểm vay mượn tiền trả cho dân nên dẫn đến sự việc 2 bên tính đưa nhau ra tòa để giải quyết. 
Việc UBND xã Thiệu Công đã có văn bản (được sự thống nhất giữa ba bên là Đảng ủy, HĐND, UBND xã) trình Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa xin vay 3,1 tỷ đồng từ ngân sách huyện là đúng luật.
Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 58 Luật Ngân sách Nhà nước quy định: Trường hợp quỹ ngân sách cấp tỉnh thiếu hụt tạm thời thì được tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính địa phương, quỹ dự trữ tài chính Trung ương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để xử lý và phải hoàn trả trong năm ngân sách; Trường hợp quỹ ngân sách cấp huyện và cấp xã thiếu hụt tạm thời thì được tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để xử lý và phải hoàn trả trong năm ngân sách.
Theo luật sư Đỗ Thị Hằng, trường hợp này UNBD xã Thiệu Công có thể tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính để xử lý và phải hoàn trả trong năm ngân sách. Tuy nhiên, với tên gọi hình thức là thỏa thuận ba bên không có căn cứ theo luật đồng thời UBND xã Thiệu Công phải giải trình và đưa ra được các căn cứ thỏa mãn trường hợp thiếu hụt tạm thời ngân sách.
Trong trường hợp văn bản thỏa thuận giữa các bên là quyết định hành chính, hành vi hành chính thì Điều 30.1.(C) Luật Tố tụng Hành chính quy định Quyết định hành chính không thể bị khiếu kiện gồm có: “Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức”. Văn bản thông nhất giữa Đảng ủy, HĐND, UBND xã mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.
Cuối cùng, luật sư Hằng nhận định: Với thỏa thuận 3 bên như đã nêu, hiện nay chưa có cơ chế và cơ sở pháp lý rõ ràng để UBND huyện Thiệu Hóa có thể khởi kiện UBND xã Thiệu Công ra tòa án để giải quyết vụ việc.
>>> Xem thêm video: Nhiều người “trắng tay” vì bị lừa mua đất ở thành phố Thanh Hóa
Nguồn TH-TH 

Xuân Diệp