Em thấy mọi người hay nói rằng “phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng”. Trước đây, em vốn không đồng tình với quan điểm này lắm. Đành rằng, nhờ có tấm chồng mà nhiều người từng là “nàng Lọ Lem” bỗng một bước hóa công chúa với cuộc sống an nhàn, sung sướng. Và cũng vì một tấm chồng mà có người lạc bước sa chân vào địa ngục hôn nhân tăm tối. Mọi người nói lấy chồng như đánh bạc, không thể lường trước vận đen đỏ thế nào nên tất cả đều phụ thuộc vào “số”.
Em thì cho rằng, người nào hay nói đến số phận chẳng qua là những người bất lực trước cuộc sống và không có bản lĩnh để thay đổi nên phải tìm một cái cớ để đổ lỗi, rồi tự an ủi mình. Em không thích những người phụ nữ đem số phận của mình đặt vào tay người khác rồi nhắm mắt chờ đợi vận đen đỏ. Nhưng nay, em lại đang bị dao động các anh chị ạ. Em thật sự hoang mang không biết mình có đang “đánh bạc” không khi có quá nhiều người can ngăn chuyện tình yêu.
Em và Vinh yêu nhau từ khi còn học đại học. Vì ở gần nhà Vinh nên thân thế, hoàn cảnh của anh ra sao bố mẹ em đều nắm rõ như lòng bàn tay. Cũng chính vì thế mới có chuyện mọi người nhất quyết phản đối chuyện tình cảm của chúng em.
Em sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả, gia giáo. Bố mẹ em chỉ có hai người con gái. Vì là con cả nên mọi hi vọng bố mẹ đều dồn hết về phía em. Bố mẹ em còn hướng cho em sau này tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình. Còn về phía gia đình Vinh thì hết sức phức tạp, chưa nói đến điều kiện kinh tế gia đình Vinh có phần thua kém nhà em.
Ngày em đưa Vinh về ra mắt, bố mẹ đã rất bất ngờ và tỏ ra khó chịu. Sau đó, theo phân tích của bố em thì thành phần, cách sống và trật tự gia đình Vinh không thể hứa hẹn cho em một cuộc sống yên bình. Về làm dâu ở đó, em sẽ không những suốt ngày đầu tắt mặt tối mà còn dở sống dở chết với sự quái đản trong tính cách của một số thành viên nhà Vinh. Sự “quái đản” mà bố em nói tới đó chính là “truyền thống” vũ phu của những người đàn ông trong gia đình người yêu em.
Quả thực, làng trên xóm dưới ở quê em từ nhiều năm nay vẫn không khỏi ngán ngẩm mỗi khi nhắc tới nhà Vinh. Từ bố, chú và anh trai Vinh đều “nổi tiếng” là gia trưởng và vũ phu. Mẹ anh thường bị bố đánh đập tàn bạo không vì lý do gì. Cứ hở ra là bị đánh. Em từng được nghe mọi người kể chuyện bố anh cầm đá ném túi bụi, xô ngã, thậm chí đạp lên cả bụng khi bà mới mổ ruột thừa.
Hoặc có hôm, khi mẹ anh đang cố giặt cho xong mấy bộ đồ để sáng mai dậy sớm dọn nhà đón Tết thì bố đùng đùng nổi cơn thịnh nộ, vô cớ cầm dao chặt tan tành mấy bộ quần áo rồi thượng cẳng tay hạ cẳng chân với vợ. Không những đánh vợ, ông còn bạo hành cả hai đứa con trai. Em nhớ hồi học chung trường cấp 3, có lần Vinh phải nghỉ học một tháng vì bị bố đánh đến gãy chân.
Hiện tại, vì tuổi đã cao nên ông mới bỏ được tính vũ phu đó. Vinh từng nghẹn ngào nói với em rằng: “Anh hận bố. Nếu như bố không thay đổi, có lẽ anh đã bỏ đi cùng mẹ rồi”.
|
Ảnh minh họa |
Còn chú ruột anh, chú đánh vợ đến mức đầu óc bị ảnh hưởng. Thím của anh từng có thời gian nằm viện điều trị suốt nhiều tháng liền. Sau đó, người đàn ông này đã bị công an bắt rồi chịu án vì tội cố ý gây thương tích. Về phía thím, vì không chịu được nỗi ám ảnh đó nên đã bỏ vào Nam sinh sống cùng em gái. Chưa hết, vợ chồng anh trai Vinh mới lấy nhau được 3 năm mà đã rục rịch ra tòa ly dị.
Lý do cũng vì tính… vũ phu ấy. Chị dâu Vinh dù đã nhiều lần tha thứ cho chồng nhưng anh chỉ hứa được vài hôm lại đâu vào đó. Dăm ba bữa chị lại bị chồng tát, đấm đá. Vì không cam chịu, chị quyết định ly hôn. Đôi lần sang nhà Vinh chơi, nhìn chị mặt mũi tím bầm mà em không khỏi xót xa.
Có lần, chị ấy còn kéo em vào một góc và thủ thỉ rằng, nếu không muốn khổ một đời thì đừng nên về làm dâu nhà này. Chị bảo, hồi mới yêu, chồng chị cũng hiền lành và yêu chiều chị hết mực. Nhưng không hiểu sao, lấy nhau rồi anh bỗng đổi tính, đổi nết.
Hiện tại, bố mẹ em tuyên bố, hoặc là em chọn Vinh hai là chọn gia đình chứ không đời nào họ gả em về chốn ấy. Em thật sự rất rối bời anh chị ơi. Em nhận thấy ở Vinh sự chín chắn, chỉn chu của một người biết yêu thương và lo toan. Anh hết mực chiều chuộng và nhường nhịn em. Năm năm yêu nhau, chưa một lần Vinh lớn tiếng mắng em hay có bất cứ hành động nào làm tổn hại đến tình yêu của hai đứa.
Nhưng vì tận mắt chứng kiến chuyện gia đình anh, rồi nghe lời khuyên của mọi người, em lại thấy rối bời. Em yêu Vinh nhưng lại sợ những điều mọi người nói thành sự thật. Hay có phải tình yêu của em chưa đủ lớn nên mới dễ bị ảnh hưởng như vậy? Liệu rằng, sau này Vinh có thay tính đổi nết như anh trai mình không? Em lo sợ, nhỡ may vì chứng kiến cảnh bố đánh mẹ nhiều mà sau này anh cũng bị ảnh hưởng…
Những câu hỏi ấy cứ xoay vần trong đầu em suốt cả tháng nay, mà Vinh thì đang rục rịch nhắc tới chuyện cưới xin. Hay em cứ quyết “đánh bạc” một phen, nếu trúng thì em hưởng, còn không thì sẽ làm lại? …
Lê Thanh Tâm (Ba Vì, Hà Nội)
Nhà văn Đỗ Bích Thúy trả lời:
Người yêu bạn nhận thức được sai thì sẽ không lặp lại!
Tôi không ngạc nhiên khi gia đình bạn phản đối câu chuyện tình yêu của hai bạn. Xưa các cụ nhà ta có câu: Lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống. Ý là con người ta khi sinh ra, lớn lên trong hoàn cảnh nào thì sẽ bị hoàn cảnh đó tác động, ảnh hưởng. Điều ấy không phải không có lý. Môi trường sống đương nhiên ảnh hưởng quan trọng tới sự trưởng thành về nhân cách của mỗi con người, tuy nhiên, không phải tất cả mọi trường hợp đều như vậy. Thậm chí, có những trường hợp còn ngược lại.
Tôi kể cho bạn nghe, ở sát nhà tôi, ngõ đối diện trên phố có một cặp vợ chồng bác sĩ. Hai ông bà đều đã già, nghỉ hưu, sống rất mực thước, đức độ. Ông bà chỉ có một cậu con trai duy nhất. Nhưng đã gần 30 tuổi mà anh ta chẳng hề chí thú làm ăn gì cả. Học hành bê trễ, nhảy từ trường nọ sang trường kia, rốt cuộc không có nghề ngỗng gì ra hồn. Anh ta lại bị gay. Đành rằng gay chẳng phải là một cái tội, xã hội giờ cũng cởi mở hơn. Nhưng anh ta lại không chịu sống cho nó ra con người tử tế, đêm đêm anh ta giả gái, ra đứng đường hòng kiếm lấy một người đàn ông nào đấy.
Mấy lần anh ta bị khách làng chơi phát hiện, đánh cho chảy máu mũi. Hai vợ chồng bác sĩ già ấy buồn lắm, khuyên nhủ chẳng ăn thua, đánh mắng thì không đánh mắng được, đành cứ mặc xác cho thằng con sống dở chết dở thế. Nó cứ bị đánh thì về bố mẹ lại chăm cho lành, lành nó lại đi tiếp, lại bị đánh tiếp. Đấy, gia đình nề nếp, bố mẹ đức độ như thế, mà rốt cuộc có mỗi thằng con trai cũng có dạy dỗ được đâu.
Kể thế để thấy rằng gia đình, bố mẹ sống thế nào cũng chỉ tác động một phần đến con cái thôi. Tôi để ý đến một chi tiết bạn kể, đấy là Vinh đã từng nói: “Anh hận bố. Nếu như bố không thay đổi, có lẽ anh đã bỏ đi cùng mẹ rồi”. Vinh nói thế tức là Vinh hoàn toàn nhận thức được việc bố dùng thói vũ phu để hành hạ mẹ là việc làm sai trái, Vinh rất bất bình về việc đó, Vinh càng thương mẹ vì phải chịu thiệt thòi vì bố. Khi Vinh nhận thức được điều ấy tức là Vinh sẽ tránh không để bản thân lặp lại.
Bạn hãy tin vào tình yêu, tin vào sự nhân ái cũng như lối cư xử thông thái của một người phụ nữ có hiểu biết, bạn và Vinh sẽ có tiếng nói chung trong mọi vấn đề
Người ta chỉ làm việc sai trái khi người ta không nhận ra nó sai mà thôi. Cả bố Vinh, anh trai Vinh, chú Vinh đều dùng bạo lực với người phụ nữ của mình, vì họ đều cho rằng họ có quyền như vậy. Họ đều không chịu nhận thức rằng cả về lý về tình họ đều không được làm như thế. Tôi có thể chủ quan, nhưng tôi tin rằng Vinh sẽ không hành xử như bố, như chú.
Đồng thời, phụ nữ chúng ta cũng phải nhận thức một điều này bạn ạ: Đàn ông chỉ có thể dùng chân tay với chúng ta thay cho lời nói khi chúng ta cho phép họ, cho họ cơ hội mà thôi. Chúng ta không còn sống ở thời phong kiến với những quan hệ cổ hủ hẹp hòi nữa. Người phụ nữ cũng không phải chỉ là cái máy đẻ chỉ biết ăn bám vào chồng. Trách nhiệm, nghĩa vụ, tình cảm đối với gia đình giữa chồng và vợ là ngang nhau.
Một số người phụ nữ bị chồng đánh đến bầm dập, thương tích đầy mình mà ra đường vẫn nói dối, không bao giờ dám nói là do chồng đánh. Chỉ vì “xấu chàng hổ ai”. Và vì chúng ta cứ che dấu cho họ nên càng ngày họ càng cuồng điên hơn, càng tàn bạo hơn.
Trở lại câu chuyện của bạn, tôi cho rằng mấu chốt đều nằm ở chỗ tình cảm của hai bạn sâu nặng đến đâu rồi? Nếu bạn và Vinh đã yêu nhau tới mức không thể sống thiếu nhau được thì chẳng ai có thể ngăn cản được các bạn đâu. Nhưng tôi muốn bạn tin vào tình yêu, tin vào sự nhân ái cũng như lối cư xử thông thái của một người phụ nữ có hiểu biết, bạn và Vinh sẽ có tiếng nói chung trong mọi vấn đề.
Và việc Vinh có bạo hành bạn hay không, như tôi nói, phụ thuộc vào cái cách mà các bạn ứng xử với nhau trong cuộc sống. Bạo hành không phải là một dạng bệnh di truyền, tôi tin chắc thế, chỉ là một thói xấu mà người ta có thể học nhau mà thôi. Còn người ta có học theo nhau hay không lại tuỳ thuộc vào nhận thức, vào văn hoá, vào tính cách của mỗi người.
Hãy tin vào tình yêu, bạn nhé!
Theo Người giữ lửa