|
Ảnh minh họa. |
Còn trên mỗi chiếc xe máy đang trở về thành phố, ngoài việc chồng chất cả gia đình, vợ chồng, con cái, còn chằng buộc thêm những bao gạo, rau, đậu, đỗ, ngô, lạc, có nhà còn thêm cả bu gà hay cả buồng chuối xanh... ai cũng tranh thủ chở lên những thực phẩm từ quê. Đến mấy cô cậu sinh viên cũng chịu khó mang lên cả muối vừng, cá khô, ruốc... vừa được bố mẹ tiếp tế cho... Chen chúc, vất vả thế, nhưng ai cũng hớn hở.
Nhìn cảnh này mới thấy ai cũng có một quê, một chốn để trở về sum vầy. Và Hà Nội dường như chỉ là một nơi ở tạm, ở trọ mà thôi. Người ta tìm mọi cách để được ở lại, được về Hà Nội, nhưng chỉ vì miếng cơm, manh áo, vì cuộc mưu sinh. Còn tâm trí, hồn vía người ta vẫn để ở nơi khác, nơi với họ là quê hương, là quê cha đất tổ, nơi chôn rau cắt rốn, nơi để nhớ để thương. Thì thôi, tình cảm với quê là cái tình cao đẹp, nó giữ cho con người ta cân bằng.
Nhưng điều đáng nói là cái tâm lý ở trọ kia khiến cho người ta đối xử với cái thành phố này thật vô tình. Đất chật, người đông nên chỉ cần hai, ba chục mét đất người ta cũng xây nhà lên, rồi cơi nới, chắp vá, lấn ra trước, lao ra sau... lộn xộn kinh khủng và không thể quản lý nổi khiến cho bộ mặt thành phố méo mó đến kỳ dị. Cũng vì là ở trọ nên người ta lúc nào cũng chỉ lo thu vén cho ngôi nhà của mình, căn hộ của mình, còn ngoài kia là gì thì mặc kệ. Rác rưởi bẩn thỉu, chỉ cần quét sạch trong nhà rồi hắt ra ngoài kia là xong.
Gần nhà tôi có khu tập thể, mấy nhà trên tầng cứ tiện tay vứt rác ra ngoài cửa khiến cho sân chung lúc nào cũng ngập rác. Các nhà tầng một đã làm mái tôn để tránh rác vậy mà các mái lúc nào cũng chịu rác rưởi. Như thế mà gọi là không gian sống ư?
Chỉ có mỗi đợt lễ tết như thế này, khi người ta hối hả rời bỏ thành phố để về quê, Hà Nội mới như trút bớt được gánh nặng quá tải để trở về với cái yên bình vốn có của nó.
Minh Anh