Công nghệ ADN thời @

Google News

(Kiến Thức) - Hồ sơ ADN là cơ sở khoa học quan trọng giúp cơ quan công an truy tìm, ngăn ngừa tội phạm bảo vệ người dân và tìm kiếm liệt sĩ, người thân...

Cơ sở khoa học truy tìm thủ phạm  

Trung tâm Pháp y TPHCM (TTPY) là nơi người nhà nạn nhân trong các vụ bị xâm hại tình dục có thể đến để yêu cầu được giám định. Dấu vết sinh học thường để lại trên các vật chứng như lông, tóc, nước bọt, máu, móng tay, tinh dịch, mồ hôi trên quần áo...

ThS.BS Phan Văn Hiếu, Giám đốc TTPY cho biết, nạn nhân phải đến giám định càng sớm càng tốt, để càng lâu sẽ càng giảm bớt tính chính xác. Khi bị xâm hại tình dục, nạn nhân nên đến ngay TTPY để các bác sĩ giám định viên thăm khám (trong trường hợp không phải đưa đi cấp cứu. Nếu trường hợp khẩn cấp nguy hiểm đến tính mạng, nhờ công an báo cho trung tâm phối hợp). Nếu nạn nhân là trẻ em, khi cần thiết TTPY sẽ phối hợp với bệnh viện nhi. Tuy nhiên, tất cả các ca này đều phải báo cho công an địa phương biết để đi cùng hoặc có giấy giới thiệu để đảm bảo tính pháp lý.

Trước đây, trong các ca xâm hại tình dục, cảnh sát điều tra bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau để đưa kẻ phạm tội ra ánh sáng nhưng không thể lập được hồ sơ ADN của hung thủ xâm hại. Từ tháng 9/2011, TTPY đã bắt đầu triển khai công nghệ dùng hồ sơ dấu vân tay ADN (công nghệ xác định hồ sơ ADN, giám định gen truy nguyên cá thể con người) để xác định những ca xâm hại tình dục.

ThS Đặng Mai Anh Tuấn, phụ trách Phòng sinh học phân tử, TTPY TPHCM cho biết, nếu như dấu vân tay thường của mỗi một cá nhân có thể thay đổi bằng nhiều cách như phẫu thuật lột da, rạch nát vân tay nhưng dấu vân tay ADN không thể thay đổi. Trong các ca xâm hại tình dục, dấu vết sinh học thường để lại trên các vật chứng như máu, lông, tóc, nước bọt, móng tay, tinh dịch, mồ hôi trên quần áo...

Đó là những chứng cứ quan trọng trong công tác giám định hồ sơ ADN. Nếu một người bị xâm hại có tổn thương trong âm đạo, bộ phận giám định sẽ thu mẫu chuyển qua phòng sinh học phân tử giám định, trong ngày sẽ có kết quả. Để bằng chứng không bị mất đi theo thời gian, nạn nhân phải phối hợp với điều tra viên tới trung tâm giám định trong thời gian sớm nhất (không nên để quá 3 ngày). Không nên thụt rửa âm đạo sau khi bị xâm hại vì sẽ làm mất dấu vết kẻ xâm hại để lại trong âm đạo.

ThS Anh Tuấn còn cho biết, tùy vào thể trạng từng người, do dịch âm đạo hoặc do chất lượng tinh trùng, có người bị xâm hại mới 3 ngày đã có thể không còn giám định được nhưng có người 10 ngày vẫn còn tìm thấy được dấu vết của thủ phạm.

Hồ sơ ADN trên mẫu xương

Bên cạnh công nghệ giám định dấu vân tay ADN, từ đầu năm 2012, TTPY cũng bắt đầu triển khai công nghệ giám định hồ sơ ADN trên mẫu xương (STR). Theo ThS Anh Tuấn, đây là cách xác định hồ sơ ADN trên các nhiễm sắc thể. Trước đây, khi giám định hài cốt liệt sĩ, các chuyên gia pháp y chỉ giám định ADN trên cơ sở xác định huyết thống theo dòng mẹ, kết luận chỉ ra được có quan hệ huyết thống với người thân mà không xác định chính xác người cần tìm được và thường dễ dẫn đến nhầm lẫn danh tính.

Trên những mẫu xương còn cứng chắc, các chuyên gia có thể lập được hồ sơ ADN STR trong vòng 24 tiếng. Đối với những trường hợp xương đã mục thì khó làm hơn, mất nhiều thời gian, khoảng 1 tuần. Do vậy, khi thân nhân muốn tìm người thân, liệt sĩ bằng ADN STR thì nên chọn những mẫu xương còn cứng chắc, sáng màu và nên lấy 2 vùng khác nhau, nên chọn xương đùi, răng hàm. Để kết quả chính xác nên mang mẫu lớn sẽ tốt hơn, không nên lấy mẫu ít. Trong trường hợp xương xốp nhưng còn hình dạng vẫn có thể xác định được.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Bùi Hương