Tàu vận tải Sima Sapphire của Singapore (trên đường từ TP.HCM đi Malaysia) đã va chạm với tàu cá Tiền Giang TG 92819 TS vào hồi 2h17 ngày 16/9. Khi tai nạn xảy ra, tàu hàng Singapore đã dừng lại và tổ chức cứu nạn tại chỗ đồng thời báo cho cơ quan chức năng Việt Nam. Đến 6h sáng 16/9, tàu hàng Sima Sapphire đã cứu được 8 ngư dân. Đến trưa ngày 17/9, lực lượng tìm kiếm cứu nạn mới vớt được thi thể ngư dân đầu tiên.
Vụ tai nạn đã khiến dư luận quan tâm sâu sắc vì cho đến giờ này vẫn còn 7 nạn nhân của tàu cá Tiền Giang bị mất tích. Việc chậm trễ và thiếu hiệu quả (nếu như không muốn nói là yếu kém) trong công tác cứu hộ cứu nạn của các cơ quan chức năng nước ta trong những giờ qua đã khiến cho công luận, đặc biệt là thân nhân những nạn nhân mất tích, hết sức bức xúc, sốt ruột.
|
Tàu của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu hộ cứu nạn Hàng hải Khu vực 3 (Vungtau MRCC) vẫn đang tìm kiếm các nạn nhân mất tích. |
Vụ việc được phía tàu bạn thông báo ngay cho cơ quan chức năng chúng ta, ấy thế mà mãi đến 8h45 cùng ngày (tức là hơn 6 tiếng đồng hồ), Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn mới điều động máy bay trực thăng 917 thuộc Sư đoàn Không quân 370 ra biển. Trong lúc thời gian là yếu tố tối quan trọng để tìm kiếm các nạn nhân thì không hiểu sao “sự phản ứng nhanh” của một cơ quan chuyên trách cấp quốc gia lại được tiến hành chậm đến như vậy? Kết quả là sau 1h30 đảo xung quanh vị trí tàu gặp nạn với phạm vi bán kính 25 km và mở rộng tìm kiếm theo hướng dòng chảy trong bán kính 30 km, đội bay đã không phát hiện ra nạn nhân nào ngoài việc phát hiện vết dầu loang và mũi tàu cá nhô lên tại hiện trường.
Thông báo từ đội bay gây thất vọng đến mức một người nhà của nạn nhân mất tích đã không khỏi ngao ngán thốt lên: Sóng biển xóa hết rồi, giờ mấy ổng mới bay ra chỉ để làm cảnh thôi chứ giải quyết được gì? Dư luận không khỏi đặt nghi vấn: Dường như Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn không có cơ quan “trực chiến” hay sao mà để phương tiện cứu nạn nhanh nhất, cơ động nhất lại có thể chậm trễ đến thế?
Chuyện máy bay trực thăng thì chậm đã vậy, còn các phương tiện cứu hộ cứu nạn khác thì sao? Tại hiện trường vụ tại nạn có hai tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng SAR 272 và SAR 273 (thuộc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực 3 – Vungtau MRCC) cùng hàng chục phương tiện khác ra hiện trường để tổ chức tìm kiếm người mất tích. Thế nhưng cái làm cho người ta ngạc nhiên là các ca nô và thợ lặn chỉ loanh quanh lòng vòng mà không thể nào tiếp cận con tàu đắm được.
Theo ông Phạm Hiển, Giám đốc Vungtau MRCC, thời tiết xấu, sóng cao, biển động, tầm nhìn hạn chế… khiến cho công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Chiều 16/9, ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu cho biết thêm: do tàu cá bị lật úp nên lưới trên tàu bủa vây khiến thợ lặn và ca nô khó tiếp cận được vì sợ vướng lưới lại gây thêm tai nạn (?).
Việc trả lời báo chí của những người có trách nhiệm trong việc cứu nạn những ngư dân mất tích lại một lần nữa khiến công luận không hài lòng. Là một cơ quan chuyên trách cứu nạn trên biển có nhiều thâm niên và kinh nghiệm, chẳng lẽ chuyện sóng to gió lớn, tầm nhìn hạn chế hay thậm chí lưới bủa vây tàu… lại không nằm trong số những tác nghiệp mà cơ quan này phải xử lý hay sao? Chẳng lẽ việc cứu nạn chỉ có thể tiến hành khi và chỉ khi trời yên biển lặng? Là một quốc gia có hàng ngàn km bờ biển sao việc cứu hộ cứu nạn trên biển của chúng ta lâu nay lại bất cập đến vậy? Rõ ràng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã không hiện thực hóa nhiệm vụ chức năng của mình nhằm đáp ứng kỳ vọng của mọi người, đặc biệt là những người mà nghề nghiệp mưu sinh gắn bó với biển khơi.
Cho đến giờ này, số phận 7 ngư dân mất tích vẫn chưa có tin tức gì. Mọi người đều đang sốt ruột ngóng ra biển khơi mịt mù và hy vọng sẽ nhận được thông tin về họ trong thời gian sớm nhất.
Ngọc Dũng