Dùng thịt lợn để chữa... đau đầu

Google News

(Kiến Thức) - Kết hợp thịt lợn với một vài thành phần khác, bạn sẽ vừa có được món ăn hấp dẫn vừa bớt khổ sở vì chứng đau đầu.

 
Theo y học cổ truyền, thịt lợn có vị hơi chua, ngọt, tính bình, có tác dụng bổ dưỡng cao, giúp phục hồi sức khoẻ cho người ốm. 
Thịt lợn có chứa nhiều axit amin cần thiết, các chất béo, chất khoáng, vitamin... Theo y học cổ truyền, thịt lợn có vị hơi chua, ngọt, tính bình, có tác dụng bổ dưỡng cao, giúp phục hồi sức khoẻ cho người ốm. Một số bộ phận của lợn phối hợp với một số vị thuốc tạo thành món ăn có tác dụng chữa trị đau đầu hết sức hiệu quả.
Canh lợn nạc, sắn dây: Thịt lợi nạc 120g, củ sắn dây tươi (cát căn) 120g (nếu khô thì dùng 30g), sài hồ 12g. Sài hồ, cát căn rửa sạch, cắt vụn; thịt lợn rửa sạch, thái miếng. Tất cả cho vào nồi hầm lửa nhỏ trong 2 giờ, chế thêm gia vị dùng làm canh ăn hằng ngày. Công dụng: Sơ phong thanh nhiệt, giải cơ chỉ thống, dùng rất tốt cho người bị đau đầu thể "phong nhiệt thượng phạm" với biểu hiện như đau đầu có cảm giác căng trướng, thậm chí đau kịch liệt, phát sốt, sợ lạnh, mắt đỏ, mặt đỏ, miệng khát thích uống nước mát, đại tiện táo bón thường xuyên hoặc khó đi, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch nhanh.
Thịt rim ướp nước sắc ngũ vị tử: Thịt lợn thăn 200g, ngũ vị tử 20g, trứng gà 2 quả, bột mỳ 25g, mỡ lợn 50g, nước luộc gà 100ml, gia vị vừa đủ. Thịt lợn thái miếng, ướp gia vị, cho vào một chút rượu vang, đập trứng vào bát hòa với bột mỳ. Cho mỡ vào chảo đun nóng già, nhúng thịt heo vào dịch trứng bột rồi cho vào chiên trong chảo mỡ cho chín vàng. Tiếp đó, lấy thịt chiên rim với nước luộc gà cho mềm, nêm thêm gia vị, ăn ngày 2 lần. Công dụng: Ích khí dưỡng huyết, kiện vận tỳ vị, dùng thích hợp với người đau đầu thể "khí huyết lưỡng hư" với biểu hiện như đau đầu hoa mắt chóng mặt, hay hồi hộp trống ngực, hay có cảm giác khó thở, dễ vã mồ hôi hoặc đổ mồ hôi trộm, sợ gió, tinh thần mệt mỏi, sắc mặt nhợt nhạt hoặc vàng úa, chất lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng. 
Óc lợn hấp thiên ma, trần bì: Óc lợn 1 bộ, thiên ma 10g, trần bì 10g. Thiên ma và trần bì rửa sạch, xắt vụn, cho vào chén cùng với óc lợn, hấp cách thủy, nêm thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng: Hóa đàm giáng trọc, bình can tức phong, dùng thích hợp với người bệnh thể  "đàm trọc ứ trở" với biểu hiện như đau đầu nặng như đeo đá, tinh thần nặng nề, ngực bụng đầy trướng, hay có cảm giác buồn nôn, chán ăn, chậm tiêu, lưỡi bè có vết hằn răng, rêu lưỡi dày nhờn. 
Cua rang mỡ lợn: Mỡ lợn 75g, cua đực 500g, hành củ khô 150g, gừng tươi thái chỉ 25g, gia vị vừa đủ. Cua làm sạch, chặt đôi; hành khô bóc vỏ xắt lát. Cho mỡ vào chảo phi hành và gừng cho thơm rồi bỏ ra, tiếp tục bỏ cua vào rang. Khi gần chín thì cho hành, gừng và gia vị vừa đủ, nêm thêm một chút nước, đun lửa nhỏ cho đến khi cạn khô là được, dùng làm thức ăn hằng ngày. Công dụng: Hoạt huyết, hóa ứ, tư âm thanh nhiệt, dùng tốt cho người bị đau đầu thể "huyết ứ" với biểu hiện như đau đầu liên miên không dứt, có điểm đau cố định không di chuyển, có lúc đau như dùi đâm kim chích, chất lưỡi có những điểm ứ huyết màu tím, tĩnh mạch dưới lưỡi giãn rộng. 
BS Xuân Mai (Hội Đông y Việt Nam)