Bà Nguyễn Thị D. (68 tuổi ở Hà Nội) có tiền sử đau dạ dày lại bị sốt cao nên uống viên sủi giảm đau, hạ sốt. Khi cho viên sủi vào chưa kịp tan hết bà đã vội uống, sau đó thì bụng đau dữ dội phải đi cấp cứu. Bác sĩ cho biết, đau bụng nặng hơn là do tác hại từ thành phần sủi bọt gây ra.
|
Ảnh minh họa. |
Lời bàn: Nhiều người có thói quen thích uống viên sủi vẫn còn bọt khí mà không biết việc đó có thể gây đau bụng hoặc khiến tình trạng đau bụng nặng hơn. Bởi bản chất sự tạo bọt đó là sự tạo ra các bọt khí CO2 từ muối có gốc -CO3 gây ra. Thành phần tạo bọt chính là gốc -CO3 này. Các bọt khí này tạo nên sự sủi bọt y hệt như kiểu nước đang sôi vậy. Bọt khí CO2 này tuy không độc với đường tiêu hoá nhưng nó lại tích tụ trong đường tiêu hoá và làm căng giãn dạ dày.
Nếu như đang bị đau bụng vì lý do nào đó như viêm dạ dày, loét dạ dày, chảy máu dạ dày, ung thư dạ dày thì sự căng giãn dạ dày càng làm cho tình trạng đau bụng càng nặng hơn. Vì chỉ cần một chút thuốc chưa tan hết, vào trong bụng chúng tương tác với dịch dạ dày và sinh ra rất nhiều khí. Các khí tích tụ và làm cho đau bụng nặng hơn.
Do đó, không lạm dụng viên bổ sủi bọt quá nhiều. Khi hoà thuốc, nhất thiết phải đợi cho thuốc tan hết dù chỉ còn một ít. Chỉ uống thuốc khi cầm cốc lắc qua lắc lại không thấy bọt khí nổi lên.
BS Yên Lâm Phúc (Học viện Quân y 103)