Tự ý cắt thận bệnh nhân là sai

Google News

(Kiến Thức) - Việc bác sĩ tự ý cắt thận của bệnh nhân Nguyễn Thị Thu là đúng hay sai? Có phải việc chậm xử lý vết rò là nguyên nhân gây hỏng thận?... là những vấn đề cần làm rõ.

Cần xem lại chỉ định cắt thận
BS Cao Hồng Phúc, Giảng viên Học viện Quân y 103 cho biết, việc đưa ra chỉ định cắt thận cần dựa vào 3 yếu tố: Thể trạng bệnh nhân, tình trạng nhiễm trùng vết mổ, chức năng thận còn lại. Tuy nhiên, đứng về mặt chuyên môn, với chức năng thận như trên, cần xem lại chỉ định cắt thận. Song cũng cần phải thấy việc làm của bệnh viện (việc cắt thận) là không có chủ ý hoặc nhầm lẫn. Bởi chắc chắn không dưng tự nhiên bệnh viện mổ lấy sỏi (đơn giản) lại chuyển thành cắt thận (phức tạp). Điều này có thể có những lý do mang tính chất sự cố nào đó đã xảy ra. Song nói như thế nào thì cũng là thiếu sót, bởi họ (các chuyên gia điều trị) cần lường trước các sự cố này.
Theo BS Cao Hồng Phúc, chỉ định cắt thận chỉ áp dụng trong các trường hợp gồm: Ung thư thận; vết thương, chấn thương thận bị giập nát toàn bộ không thể bảo tồn; cuống mạch máu thận vì chấn thương hoặc vết thương bị giập nát không thể tái tạo được; thận bị suy chức năng hoàn toàn và phải ghép thận khác; thận bị dị hình dị dạng phải cắt bỏ để phục hồi một bên; thận bị viêm nhiễm nặng, lâu ngày đã bị hỏng; thận bị sỏi, u hoặc dị vật khiến cho ứ nước, giãn ra, mất chức năng hoàn toàn.
TS Cao Thanh Tùng, Hội viên Hội Thận - Tiết niệu Việt Nam cho rằng, trường hợp bệnh lý như lúc đầu là sỏi san hô vẫn có thể có chỉ định cắt thận, tức là khi thận bị sỏi đó mất hoặc giảm nặng chức năng. Nếu như lúc sau, tức là khi thận đã teo, mất chức năng thì cũng có chỉ định cắt thận, đặc biệt kể cả những trường hợp thận bị viện rò lâu ngày cũng có chỉ định cắt thận (như thận lao hay thận bị viêm bể thận - thận u hạt vàng). Tóm lại, ở bệnh nhân này vẫn có thể có chỉ định cắt thận, miễn là trước khi cắt thận cần có sự giải thích rõ cho bệnh nhân và có viết vào bản cam đoan đồng ý cắt thận.
Một ca phẫu thuật tại bệnh viện Đa khoa Thiên Đức. 
Thận xơ hóa khó kiểm soát mạch máu
Trả lời câu hỏi của gia đình bệnh nhân thắc mắc, tại sao thận xơ hóa sao lại có kích thước to trong chẩn đoán và khi thận đã xơ hóa thường ít máu vậy sao trong mổ lại có thể gây chảy máu ồ ạt đến mức phải cắt thận? TS Cao Thanh Tùng cho biết, thận xơ teo thường có kích thước nhỏ, nhìn chung kích thước dọc nhỏ hơn 9cm. Thận xơ teo thường có chỉ định cắt thận do để lâu sẽ có biến chứng tăng huyết áp (có thể có chỉ định khi đã có tăng huyết áp). Khi mổ những trường hợp thận teo thường rất khó do dính và dễ gây chảy máu.
Tương tự, BS Cao Hồng Phúc cho hay, thận xơ hóa có kích thước sẽ nhỏ hơn thận bình thường và thông thường, khi siêu âm, bác sĩ sẽ phát hiện ra thận bị xơ hóa. Bởi nhu mô thận bình thường với nhu mô thận bị xơ sẽ hiện rất rõ trên siêu âm và người bác sĩ sẽ xác định được. Việc thận bị xơ hóa toàn bộ (giả thiết vậy) thì việc phẫu thuật, bóc tách, gỡ dính sẽ rất dễ chảy máu và chảy máu ồ ạt. Lý do: 
Mô thận đã bị xơ sẽ phát triển mạnh máu mang tính chất tăng sinh. Các mạch máu này không có khả năng co như bình thường vì nhu mô thận không còn khả năng co lại như bình thường khi đã bị xơ hóa. Mặt khác, mạch máu ở thận xơ không phân bố theo chiều hướng bình thường, mà đi lạc giải phẫu khiến cho phẫu thuật viên rất khó đoán xem hướng đi mạch mạch máu như nào, việc cắt phạm vào một mạch máu lớn là hoàn toàn có thể khiến cho máu chảy ồ ạt tới mức khó cầm và khó kiểm soát.
Để lâu gây nhiễm trùng?
BS Cao Hồng Phúc nhấn mạnh, phẫu thuật lấy sỏi thận gặp rất nhiều biến chứng: Nhiễm trùng (vì thận là cơ quan tạo ra nước tiểu, chứa rất nhiều vi khuẩn nên việc nhiễm trùng có nguy cơ rất cao); rò sau mổ (can thiệp vào thận buộc phải can thiệp vào niệu quản. Đây là những mô có khả năng liền rất kém. Hơn nữa, nước tiểu tạo môi trường axit nên càng làm cho vết mổ khó liền hơn. Dẫn đến rò sau mổ là chuyện khó tránh); chảy máu (thận là cơ quan có rất nhiều mạch máu, mạch máu thậm chí là phong phú. Khi can thiệp vào thận coi như can thiệp vào một hồ máu. Việc chảy máu là đương nhiên); nhiễm trùng gây viêm tấy hố thận, áp xe thận và áp xe quanh thận là một dạng của nhiễm trùng. 
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể bị: Ứ nước tiểu (do bị xơ, sẹo làm chít hẹp và bít tắc đường dẫn nước tiểu), dính ruột sau mổ (tai biến thường gặp sau can thiệp vào vùng ổ bụng); sót sỏi (lấy sỏi không hết); sỏi tái phát (thường gặp sau mổ lấy sỏi) và xơ teo thận do làm tổn thương mạch máu nuôi thận.
Theo BS Cao Hồng Phúc, trường hợp rò dịch sẽ phát hiện được ngay vài ngày sau mổ. Cũng có trường hợp phát hiện 1 - 2 tháng sau đó. Rò thường sẽ phải được khám xét lại nguyên nhân gây rò. Ban đầu bác sĩ cố gắng điều trị thuốc uống và tiêm hy vọng vết rò sẽ liền lại. Nhưng sau 1 liệu trình điều trị (thường là 10 - 14 ngày, có khi tới 1 tháng) mà vẫn không tiến triển thì buộc phải mổ lại, phá đường rò và khâu nối lại. Rò dịch rất nguy hiểm vì nó là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng. Để lâu sẽ nhiễm trùng toàn bộ ổ bụng, có thể tử vong.
Cắt thận còn sỏi là hiếm gặp
Gia đình bệnh nhân Thu rất bức xúc về việc Bệnh viện Đa khoa Thiên Đức đã tự ý cắt thận bệnh nhân vậy mà khi bệnh nhân mổ lại lần 3 tại Bệnh viện Việt Đức vẫn còn sỏi trong hố thận. Giải thích điều này, TS Cao Thanh Tùng cho biết, khi phẫu thuật lấy sỏi thận thường gặp những tai biến: Chảy máu và khi chảy máu nhiều không cầm được có thể phải cắt thận để cứu tính mạng người bệnh; lấy không hết sỏi khi sỏi khó, sỏi nhiều viên; rò thận sau mổ; áp xe hố thận sau mổ... nếu lâu dài có thể giảm hay mất chức năng thận sau mổ. Như vậy, lấy sỏi thận mà sót sỏi là chuyện thường gặp. Tuy nhiên, cắt thận mà còn sỏi thì cũng ít gặp, nhưng không phải là không có (các trường cắt thận từng miếng, cắt thận dưới bao).
BS Cao Hồng Phúc cho rằng, có hai nguyên nhân không kiểm soát hết sỏi do phẫu thuật. Thứ nhất là do máu chảy ra nhiều quá khiến cho khó phân biệt được đâu là sỏi, đâu là mô cơ thể. Thứ hai, máu chảy ra nhiều quá khiến cho kíp mổ trở nên mất bình tĩnh. Khi đó, việc quan trọng là cầm máu để cứu sống bệnh nhân hơn là việc lục tìm sỏi sót. Cả hai nguyên nhân này đều dẫn đến sót sỏi.
“Trước khi phẫu thuật thận, đặc biệt là cắt thận, người bệnh cần phải thảo luận rõ với bác sĩ về yêu cầu cắt thận hay gọi là chỉ định cắt thận, có thể bảo tồn không, bảo tồn thì lợi ích thế nào, tai hại thế nào, cắt đi thì lợi ích thế nào, tai hại thế nào. Người bệnh cũng cần được biết thông tin sau khi cắt thận thì họ sẽ sống như nào, những biến cố mà họ có thể gặp phải, chất lượng cuộc sống sau mổ ra sao. Đặc biệt, người bệnh cũng cần phải hỏi rõ tính an toàn và tính hợp lý cho phẫu thuật. Bởi bất kỳ một yếu tố nào làm ảnh hướng tới khả năng người bệnh hoặc chất lượng cuộc sống người bệnh thì cần phải cân nhắc kỹ lưỡng”.
BS Cao Hồng Phúc
Thúy Nga