Vận dụng ngũ vị chữa bệnh

Google News

(Kiến Thức) - Trong Đông y có sự quan hệ mật thiết giữa ngũ vị với phủ tạng gồm: Thuốc có vị toan thì vào can, thuốc có vị tân vào phế, thuốc có vị khổ vào tâm...

 Ảnh minh họa.
Từ sự quan hệ mật thiết đó mà trở thành quy luật gồm: Thuốc có vị toan chữa bệnh ở can, thuốc có vị tân chữa bệnh ở phế, thuốc có vị đắng chữa bệnh ở tâm, thuốc có vị hàm chữa bệnh ở thận, thuốc có vị cam chữa bệnh ở tỳ vị. Do đó, việc sao tẩm thuốc trong Đông y cũng có tác dụng quan trọng trong điều trị. Khi muốn thuốc đi vào can phải sao với giấm. 
Để thuốc có tác dụng chữa bệnh ở thận thì phải sao với nước muối. Thuốc để điều trị bệnh mạn tính, hư nhược thì phải sao với mật hoặc làm thuốc  bằng viên mật. Sách nội kinh tố vấn thì chia ngũ vị thành hai loại là âm và dương "Tân cam phát tán là dương, vị đạm hay thấm, hay tiết là dương. Vị toan khổ hàm cho thổ, cho tả là âm".
Ngũ vị cũng đóng vai trò quan trọng trong vận dụng dược liệu vào lâm sàng gồm: Vị cay thì hay tán cho nên vị cay phù hợp với thời kỳ đầu của chứng ngoại cảm để phát tán chứng phong hàn hoặc phong nhiệt. Thuốc có vị đắng thì hay tả, phù hợp với chứng thực nhiệt, để tả hỏa thanh nhiệt. Thuốc có vị chua thì thích hợp với sự thu liễm dùng để điều trị các chứng ra mồ hôi trộm, di tinh, ỉa chảy kéo dài... 
Thuốc có vị mặn thì nhuyễn kiên, thích hợp với điều trị các chứng táo bón, đờm đặc, tràng nhạc. Thuốc có vị ngọt thì hòa hoãn, bổ dưỡng, thích hợp với chứng hư nhược. Thuốc có vị nhạt thì dễ thấm, hay tiết thích hợp điều trị các chứng thủy thấp. Ngoài ra, trong ngũ vị cũng có nhiều vị thuốc kiêm vị như hương phụ thì tân hơi khổ, cam. Vị Nhục quế thì tân cam. Vị huyền sâm thì khổ hàm. Các vị thuốc có kiêm vị thì trong khi sử dụng điều trị sự tác dụng của nó đôi lúc cũng phức tạp cho nên người thầy thuốc phải hết sức cân nhắc.
TTND Nguyễn Xuân Hướng (nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam)