1. Giả danh nhân viên điện lực lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng
Gần đây nhất, nhiều người dân trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo liên quan đến việc nộp tiền điện. Các đối tượng lừa đảo này sử dụng những thủ đoạn tinh vi, đánh vào tâm lý lo lắng và thiếu cảnh giác của người dân.
Chiêu trò này thường là có một đối tượng gọi điện tự nhận là nhân viên điện lực, đánh vào tâm lý chậm đóng tiền điện của nhiều người. Sau đó sẽ gây áp lực bằng việc yêu cầu xác thực thông tin để đóng thông qua chuyển khoản ngân hàng, nếu không sẽ bị cắt điện. Hoặc thông báo xác thực thông tin với tài khoản điện lực để tránh tình trạng đóng tiền rồi nhưng vẫn nhận giấy báo cắt điện. Đối tượng sẽ đưa ra nhiều khâu để xác thực, khiến nạn nhân bị rối và làm theo.
Người dân chỉ tiến hành đóng tiền điện qua những kênh chính thống của EVN.
Chị Ngô Thị Lan Hương (Hà Nội) từng mất khoảng 50 triệu đồng vì chiêu thức lừa đảo này. Chị Hương nhận được cuộc gọi yêu cầu xác thực đồng bộ tài khoản ngân hàng với tài khoản điện lực với lý do đóng tiền điện rồi nhưng vẫn có giấy báo cắt điện.
Kẻ lừa đảo hướng dẫn chị làm nhiều bước. Đồng thời không chỉ một và có 2 người gọi rất bài bản, đầu tiên là số giống tổng đài sau đó mới đến người hỗ trợ. Chị Hương cho biết bản thân như bị “thao túng tâm lý” vì đối tượng lừa đảo nói chuyện rất tử tế, đến khi mất tiền mới nhận ra bị lừa.
Ngoài gọi điện, kẻ gian còn gửi tin nhắn SMS, đưa đường link website giả mạo, khi bấm vào và cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng sẽ mất tiền. Để tăng độ tin cậy, đối tượng lừa đảo còn kỳ công tìm hiểu thông tin tên, địa chỉ, hoá đơn… của khách hàng được đánh cắp từ nhiều nguồn. Thậm chí còn gửi mã QR thanh toán có in logo của Tổng công ty điện lực EVN khiến nhiều người không mảy may nghi ngờ.
Để tránh tình trạng bị lừa đảo với chiêu thức này, người dân khi đóng tiền điện trực tuyến cần truy cập vào website chính thức của EVN. Đồng thời nâng cao cảnh giác trước những thông tin nhận được từ người lạ, tự xưng là nhân viên điện lực, yêu cầu xác thực hay cung cấp số tài khoản ngân hàng.
Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, cần lưu lại tin nhắn, cuộc gọi để phản ánh lên cơ quan chức năng, công ty điện lực nhờ hỗ trợ xử lý.
Hiện nay, EVN và các đơn vị điện lực có thực hiện thanh toán tiền điện thông qua hợp tác với các ngân hàng. Các đơn vị này không có thêm bất kỳ app chăm sóc khách hàng nào, không yêu cầu người dân phải cài app chăm sóc khách hàng mới.
Tuyệt đối không tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc từ các website lạ. Chỉ thực hiện thanh toán thông qua các phương thức mà công ty điện lực công nhận gồm: qua ứng dụng ngân hàng, ví điện tử, hoặc thanh toán trực tiếp tại các điểm thu tiền.
2. Gọi điện lừa đảo nợ cước viễn thông
Đây là chiêu thức lừa đảo không mới nhưng nhiều người vẫn dễ gặp phải. Đối tượng thường tự nhận là nhân viên nhà mạng gọi điện thông báo thuê bao đang nợ tiền cước viễn thông, yêu cầu chuyển tiền còn thiếu.
Các đối tượng này nắm rõ thông tin khách hàng khiến nhiều chủ thuê bao tin tưởng và làm theo hướng dẫn, chuyển tiền vào số tài khoản do chúng cung cấp. Sau khi đã nhận được tiền, những đối tượng này sẽ chặn liên lạc, xóa mọi dấu vết.
Luôn đề cao cảnh giác với những cuộc gọi từ số lạ, yêu cầu đóng cước viễn thông
Để tránh bị lừa tiền, người dân cần cẩn trọng khi thanh toán các loại dịch vụ trực tuyến. Đồng thời không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho những đối tượng lạ qua cuộc gọi điện thoại, tin nhắn, email để tránh nguy cơ bị lừa, đánh cắp thông tin. Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, trình báo ngay cho cơ quan Công an để được hỗ trợ xử lý kịp thời.
3. Shipper lừa nhận hàng đặt online
Tình trạng không mua hàng nhưng bị shipper gọi nhận hàng, yêu cầu chuyển khoản diễn ra ngày càng phổ biến. Hình thức này thường diễn ra với những người hay mua hàng online nhưng không nhớ mình đã đặt những đơn nào.
Chị Nguyễn Thị Nhung (TP.HCM) từng mất hơn 1 triệu đồng vì dính bẫy lừa đảo này. Con trai thường xuyên dùng tài khoản của chị để mua hàng trực tuyến nên việc thanh toán các đơn hàng không do chị đặt diễn ra thường xuyên. Một ngày, chị nhận cuộc gọi có đơn hàng giao đôi giày giá 1,4 triệu đồng, yêu cầu chuyển khoản. Vì bận công việc, gia đình lại không có ai ở nhà nên chị nhờ đưa vào cổng rồi chuyển khoản. Nhưng sau khi chuyển khoản xong thì bị chặn liên lạc, khi đó mới phát hiện bị lừa.
Mô típ chung trong trường hợp này là nạn nhân sẽ nhận được cuộc gọi từ người xưng là shipper, thông báo có đơn hàng với số tiền cụ thể, yêu cầu chuyển khoản để nhận hàng. Nhiều người chủ quan không kiểm tra lại đơn hàng đã đặt sẽ chuyển khoản luôn. Nếu phản ứng lại rằng không đặt đơn như vậy sẽ bị shipper mắng xối xả. Những ai có thói quen nhờ shipper gửi hàng vào nhà, cơ quan… sau đó chuyển khoản sẽ dễ bị mắc bẫy. Tiền đã chuyển xong nhưng thực chất không có món hàng nào được giao.
Kẻ lừa đảo giả danh shipper gọi nhận hàng, yêu cầu chuyển khoản khiến nhiều người mất tiền. (Ảnh minh họa)
Để tránh tình trạng này, người mua cần hỏi kỹ đơn hàng, tên shop đặt hàng trước khi nhận và chuyển khoản, không nhận đơn có nghi ngờ lừa đảo. Mua hàng online thông thái và tỉnh táo để nhận biết những tình huống có dấu hiệu đáng ngờ, tránh mất tiền oan.
4. Lừa đảo mua hàng, yêu cầu thanh toán 100% giá trị đơn hàng trước khi giao
Cụ thể hình thức này thường xảy ra khi các đối tượng lừa đảo lập ra các fanpage bán hàng với những mặt hàng quen thuộc như: quần áo, giày dép, phụ kiện…, có hình ảnh, tương tác khá bài bản. Khi có khách hỏi mua, chốt đơn xong sẽ yêu cầu chuyển khoản 100% giá trị đơn hàng trước khi giao.
Điều này cũng thường xảy ra với những cửa hàng order, yêu cầu khách chuyển khoản trước cọc một phần hoặc toàn bộ giá trị đơn hàng. Tuy nhiên với những fanpage bán hàng lừa đảo, sau khi khách chuyển khoản sẽ lặng lẽ chặn và không gửi đồ đã đặt.
Hình thức này diễn ra với giá trị lừa đảo mỗi người khoảng vài trăm nghìn đồng, nhưng nếu thực hiện trót lọt nhiều phi vụ, số tiền cộng lại không hề nhỏ.
Cần tỉnh táo khi mua hàng online trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội.
Những dấu hiệu nhận biết của hình thức lừa đảo này là: những fanpage bán hàng đăng bài liên tục, nhưng vài tháng hoặc vài năm trước không có hoạt động gì; không cho hiển thị bình luận dưới các bài đăng; không cho xin địa chỉ, số điện thoại của shop để tới thử đồ; cần thận trọng với những cửa hàng yêu cầu chuyển khoản toàn bộ giá trị đơn hàng trước khi giao.
5. Giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện tri ân khách hàng cuối năm
Cuối năm, Tết hay các dịp lễ lớn, đối tượng lừa đảo thường sử dụng hình thức gọi điện giả danh nhân viên ngân hàng, siêu thị điện máy, công ty… lừa tri ân khách hàng.
Các đối tượng sẽ gọi điện thoại thông báo chương trình tri ân khách hàng với những ưu đãi, phần quà có giá trị. Sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp số điện thoại đăng ký internet banking, mã OTP để xác thực rồi nhận quà. Khi nạn nhân cung cấp các thông tin này, chúng sẽ chiếm quyền sử dụng dịch vụ internet banking, rút số tiền đang có trong tài khoản về số tài khoản lừa đảo khiến nhiều người không kịp trở tay.
Đây là hình thức lừa đảo diễn ra rất phổ biến và nhiều người dễ mắc phải. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần bảo mật tối đa thông tin về tài khoản ngân hàng, dịch vụ internet banking. Không cung cấp thông tin đăng nhập ứng dụng ngân hàng cho các đối tượng lạ. Nâng cao cảnh giác trước những cuộc gọi tự xưng nhân viên tri ân khách hàng.
Việc lừa đảo qua ứng dụng ngân hàng rất phổ biến nên người dân cần cảnh giác cao độ.
Yêu cầu xác thực khuôn mặt với những giao dịch chuyển khoản từ 10 triệu đồng đã được áp dụng ở hầu hết tất cả ngân hàng. Điều này giúp giảm thiểu việc người dân có thể bị lừa đảo với số tiền lớn. Tuy nhiên đối tượng lừa đảo thường tinh vi, tìm cách “lách” qua những khe hở nhỏ để khiến nạn nhân mắc bẫy, nên việc tỉnh táo và cảnh giác cao độ vẫn rất cần thiết.
PHÚ NGUYỄN