B.M.Q (15 tuổi, ở Hà Nội) từng là học sinh giỏi, hoạt bát và biết quan tâm tới người khác. Nhưng vài năm trở lại đây, Q sống thu mình, ngay cả bố mẹ cũng không nói chuyện. Q thường xuyên tự nhốt mình trong phòng và vùi đầu vào đọc truyện. Thế nhưng, sau nhiều lần bị mẹ mắng, dè bỉu nam sinh này đã lấy nhà vệ sinh làm “không gian sống” và trốn đọc sách tại đó.
Thậm chí gần đây, Q còn chẳng quan tâm đến bản thân, không biết chăm sóc cơ thể, tóc để dài, xoăn tít và bết lại vì bẩn. Rồi móng tay dài cũng không biết cắt, khi bố mẹ nhắc Q chỉ "vâng ạ" rồi đâu lại vào đó. Dù bản thân như vậy, nhưng Q bắt chước mẹ chuyên dè bỉu em trai nên nhiều lần bị bố nhắc nhở.
Khi thấy con có những dấu hiệu bất thường, Q được bố mẹ đưa đi khám tâm lý. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách, Viện Tâm lý học và Truyền thông (Hội Tâm lý Việt Nam) cho biết, khi tiếp nhận nam sinh này rụt rè, hỏi không nói, tóc bết lại, cơ thể có mùi hôi. Sau nhiều thời gian động viên, chia sẻ, thậm chí bác sĩ phải nói chuyện với Q như “hai người bạn”, khi đó nam sinh mới mở lòng tâm sự.
Q mắc bệnh là do bố mẹ cãi nhau, bị mẹ thường xuyên dè bỉu. Ảnh minh họa.
Q nói, từ nhỏ em đã phải chứng kiến bố mẹ cãi vã nhau, từ đó mất niềm tin. “Việc cháu vào nhà vệ sinh để đọc sách là không muốn nghe những cuộc cãi vã, không muốn bị mẹ dè bỉu, trút giận lên đầu và muốn có không gian riêng, được làm chính mình”, Q nói.
Ngay cả việc học của các con, bố mẹ của Q cũng xảy ra bất đồng, khi bố muốn dạy con một kiểu, mẹ muốn dạy một kiểu. “Ai cũng cho mình là đúng, vì thế chính bản thân cháu cũng không biết tin ai và mất niềm tin vào họ (bố, mẹ)”, nam sinh tâm sự.
Với những biểu hiện trên, cùng với khai thác tiền sử cho thấy, nam sinh này trước đó bị rối loạn phổ tự kỷ, từ đó bác sĩ Hồng Bách chẩn đoán, Q bị rối loạn ái kỷ. Có nghĩa là chỉ biết đến bản thân, không quan tâm đến những người xung quanh. Đặc biệt, người bị rối loạn ái kỷ khi bị người khác dè bỉu nhiều sẽ tự sinh ra việc sẽ coi khinh và dè bỉu người khác.
“Trường hợp này từng bị mẹ dè bỉu nhiều lần, nên đến trường cũng đi dè bỉu các bạn và từng bị “nhắc nhở”. Sau đó không dám dè bỉu bạn bè thì lại quay về dè bỉu chính em trai mình”, bác sĩ Bách cho hay.
Với trường hợp này, sau khi điều trị được 3 ngày đã có chuyển biến khi tự biết cắt móng tay, chăm sóc bản thân. Sau đó, tương tác với mọi người tốt hơn, làm ngay những việc bố mẹ giao chứ không phải chờ nhắc nhở. Đặc biệt, Q đã không còn dè bỉu người khác, nhất là em trai. Tuy nhiên, để điều trị dứt điểm cần có thời gian lâu dài và chính bố mẹ cũng cần phải thay đồi trước.
Với bất kể đứa trẻ nào, hành động của bố mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Bách cho biết, với những đứa trẻ sống trong môi trường gia đình bố mẹ thường xuyên cãi vã, bất đồng quan điểm sẽ ảnh hưởng rất lớn tới trẻ. Thường trẻ sẽ có những biểu hiện theo 5 cách sau:
- Thứ nhất, đứa trẻ sẽ trốn né và mất niềm tin vào bố mẹ.
- Thứ hai, đứa trẻ sẽ phản kháng và mang đến niềm tin tiêu cực, cũng như mất niềm tin vào bố mẹ.
- Thứ ba, đứa trẻ sẽ nhìn hình tượng của bố mẹ để nghiêng về bên nào. Ví dụ, đứa trẻ sẽ nhìn vào hình tượng của người mẹ, để xem mẹ cư xử với bố như thế nào. Từ đó định hình ra nhân cách và cách sống của chính mình.
- Thứ tư, và trường hợp này sẽ dành cho những đứa trẻ đặc biệt như bị rối loạn cảm xúc, rối loạn phổ tự kỷ sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề lên nhân cách và cách sống.
- Cuối cùng, những đứa trẻ sau khi chứng kiến những mâu thuẫn của bố mẹ trong gia đình, chỉ số tiếp nhận thông tin sẽ kém và không phân tích được hành động của cha mẹ, từ đó sẽ mất đi niềm tin vào cuộc sống, mất niềm tin gia đình và rồi sẽ mất niềm tin vào chính bản thân mình.
Do vậy, để giải quyết vấn đề này thì chính phụ huynh phải là người thay đổi đầu tiên, phải biết nhường nhịn nhau, hạ cái tôi của bản thân xuống và ngồi lại chia sẻ với nhau để không ảnh hưởng với con. Cần quan tâm con nhiều hơn, phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường để đưa con đi khám và điều trị kịp thời.
LÊ PHƯƠNG.