5 ngành học HOT nhưng ít người theo học, cơ hội việc làm hấp dẫn, luôn "khát" nhân lực ở Việt Nam

Google News

Đây là những ngành học được cho là không "hot" nên ít thí sinh đăng ký, hoặc mới xuất hiện nên chưa được quan tâm. Thực tế những ngành này có nhu cầu việc làm rộng mở, thị trường lao động "khát" nhân lực chất lượng cao.

1. Ngành Kỹ thuật không gian

Kỹ thuật không gian là ngành đào tạo về ứng dụng công nghệ vệ tinh, bao gồm xử lý và phân tích tín hiệu, hình ảnh, công nghệ viễn thám và định vị vệ tinh. Công nghệ vệ tinh thường được áp dụng đa dạng trong đời sống xã hội, quản lý tài nguyên, môi trường, lãnh thổ, biển đảo và an ninh quốc phòng.

Theo khảo sát sơ bộ, nhu cầu nhân lực của Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ không gian và các ứng dụng liên quan đến thông tin liên lạc, viễn thám hay sử dụng, khai thác hình ảnh vệ tinh như dự báo thời tiết, quản lý tài nguyên thiên nhiên... cần ít nhất 2.000 lao động trình độ cao.

Ở Việt Nam có rất nhiều lĩnh vực ứng dụng Kỹ thuật không gian, đặc biệt các ứng dụng của công nghệ vệ tinh trong giai đoạn chuyển đổi số như hiện nay. Các nguồn dữ liệu lớn từ vệ tinh là nguồn tài nguyên số quan trọng phục vụ cho công tác quản lý của nhà nước và doanh nghiệp.

Hiện ngành học này ít người biết tới, chỉ có 2 trường ở Việt Nam đào tạo nhưng cơ hội việc làm rộng mở. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm ở các cơ quan, doanh nghiệp công nghệ thông tin có các vị trí phát triển ứng dụng định vị trên thiết bị di động.

Bên cạnh đó, các bạn trẻ còn có cơ hội làm việc trong các cơ quan nhà nước, sử dụng quản lý dữ liệu vệ tinh để giám sát tài nguyên rừng, đất đai, lãnh thổ, biển đảo của đất nước. Làm việc trong các tổ chức kinh doanh dữ liệu vệ tinh và các ứng dụng liên quan hay các lĩnh vực liên quan đến viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử hoặc điện - điện tử hoặc trở thành giảng viên, chuyên gia trong các lĩnh vực kỹ thuật không gian…

Năm 2024, điểm chuẩn ngành Kỹ Thuật không gian tại Đại học Quốc tế  - Đại học Quốc gia TP.HCM là 21 điểm.

2. Ngành Công nghệ sinh học

Công nghệ sinh học là những ngành học mà thị trường lao động cần rất nhiều nhân lực. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong rất nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, thực phẩm. Dù tên gọi không hot như các ngành thời thượng nhưng nếu người học tạo được giá trị thì vẫn rất thành công. 

Tại Việt Nam, ngành Công nghệ sinh học cũng nằm trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ từ nay cho đến năm 2030, nhằm ứng dụng vào các lĩnh vực như y dược, nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ sinh viên trong chăm sóc sức khoẻ để chẩn đoán, điều trị các bệnh nguy hiểm, bệnh mới, ứng dụng công nghệ tế bào gốc; sản xuất vắc-xin, dược phẩm; tạo ra các sản phẩm sinh học phục vụ trong chế biến thực phẩm, chăn nuôi,…; tạo các giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ hải sản có năng xuất, chất lượng và giá trị cao.

Sau khi tốt nghiệp ngành này, sinh viên có cơ hội được làm các công việc: Kỹ thuật viên xét nghiệm – Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, Giáo viên dạy môn Sinh học, Chuyên viên quản lý Khoa học và Công nghệ, Kinh doanh hóa chất và thiết bị vật tư Công nghệ sinh học...

Tại Đại học Mở TP.HCM, ngành Công nghệ sinh học lấy điểm chuẩn 16. 

3. Ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân

Vật lý nguyên tử và hạt nhân là lĩnh vực vật lý học nghiên cứu các nguyên tử như một thể cô lập của các electron và một hạt nhân nguyên tử. Nó chủ yếu quan tâm đến cấu hình electron xung quanh nhân và các quá trình làm những cấu hình này thay đổi. Điều này bao gồm các ion cũng như các nguyên tử trung hòa, trừ khi có quy định khác, giả định rằng từ nguyên tử bao gồm các ion.

Ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản về cấu trúc nguyên tử, các nguyên tử một điện và nhiều điện tử hóa trị cũng như nguyên tắc sắp xếp các nguyên tố trong bảng tuần hoàn, tác dụng của từ trường, điện trường lên phổ năng lượng nguyên tử, quá trình hấp thụ và bức xạ của nguyên tử.

Tại Việt Nam, ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân chủ yếu tập trung đào tạo cán bộ, chuyên viên nghiên cứu. Do đó, số lượng trường đại học có đào tạo ngành này còn rất hạn chế. Chính vì sự khan hiếm này, ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân chưa được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng học sinh và phụ huynh.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có cơ hội được làm việc trong các lĩnh vực: Các viện nghiên cứu khoa học, Sở khoa học & công nghệ, bệnh viện; Lò phản ứng hạt nhân, Nhà máy điện hạt nhân; Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân; Sở tài nguyên và môi trường; Có thể giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng và phổ thông trung học.

4. Ngành Kỹ thuật địa chất

Với sự phát triển của ngành công nghiệp và công nghệ, việc khai thác tài nguyên đất đai và năng lượng ngày càng được đẩy mạnh, và điều này tạo ra nhu cầu lớn về các chuyên gia địa chất. Vì thế, chương trình đào tạo của các trường tuyển sinh Kỹ thuật địa chất sẽ giúp bạn có kiến thức nền tảng vững chắc về địa chất, đồng thời được trang bị các kỹ năng cần thiết để khai thác, khảo sát và quản lý tài nguyên đất đai và năng lượng. 

Kỹ thuật địa chất là ngành khoa học nghiên cứu về Trái đất, nhằm phục vụ phát triển bền vững cơ sở hạ tầng, tìm kiếm, khai thác hợp lý các tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, thiết kế, xử lý nền móng các công trình xây dựng công nghiệp, dân dụng, an ninh quốc phòng.

Sinh viên theo học ngành này sẽ được trang bị cách sử dụng phần mềm hỗ trợ nghiên cứu và đánh giá tác động công trình lên sự ổn định của nền móng. Ngoài ra, còn có khả năng tư vấn, thiết kế, xử lý nền và móng, các công trình dân dụng và công nghiệp, thuỷ điện, thuỷ lợi, đánh giá tiềm năng trữ lượng, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.

Một số vị trí công việc cụ thể sinh viên Kỹ thuật địa chất có thể đảm nhận như: Kỹ sư địa chất công trình, Nghiên cứu viên, Giảng viên đào tạo về Kỹ thuật địa chất, Thiết kế vật liệu kỹ thuật, khai thác nước, gia cố nền đất, xử lý địa chất động lực công trình; Quản lý môi trường, đánh giá tác động môi trường, cải tạo môi trường địa chất.

Đặc thù của ngành này là phải thường xuyên đi khảo sát thực địa tại các mỏ khoáng sản, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Chính vì vậy, Kỹ thuật địa chất được xếp vào nhóm ngành có ít người theo học tại Việt Nam, đặc biệt là nữ giới.

Năm 2024, tại trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên - Đại Học Quốc Gia TP.HCM, ngành Kỹ thuật địa chất lấy điểm chuẩn 19,5 điểm. 

5. Ngành Khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ nano

Ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano đang được đánh giá là một trong những ngành nghề mang xu thế tương lai, “khát” nhân lực có tay nghề cao. Điều này mở ra cơ hội rộng mở cho những bạn trẻ muốn khám phá, thử sức với lĩnh vực mới.

Theo đó, học ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano, sinh viên sẽ được cung cấp nền tảng kiến thức về cấu trúc của vật liệu, mối quan hệ giữa tạo - cấu trúc - tính chất vật liệu. Người học còn được tìm hiểu về khoa học kĩ thuật hiện đại, bao gồm nhiệt, chuyển chất và hóa động học,… đồng thời cũng được học chuyên sâu về kinh tế, xã hội và môi trường của việc chế tạo vật liệu. 

Đây là ngành học mới nên ít người biết tới. Tại Việt Nam hiện có số ít trường đại học đào tạo ngành này, bao gồm: Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Tất Thành; Đại học Công nghệ - Đại học Quốc Gia Hà Nội; Đại học Quy Nhơn và Đại học Phenikaa.

Năm 2024, dựa trên điểm xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT, điểm chuẩn ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano của trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội lấy 22 điểm, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc Gia Hà Nội có mức điểm chuẩn là 20 điểm, Đại học Phenikaa lấy 20 điểm. 

H.A