Sinh viên TP.HCM "hô biến" lá dừa, lá chuối thành vật dụng hữu ích, giá cực rẻ lại bảo vệ môi trường

Google News

Trên đường chạy xe đi học, nhìn thấy những cây chuối mọc ven đường, nhóm bạn trẻ trường ĐH Công Thương TP.HCM quyết định dùng nguyên liệu tưởng chừng bỏ đi này trở thành chiếc ống hút thân thiện với môi trường.

Khi vô tình xem được một đoạn video tuyên truyền về tác hại của ô nhiễm môi trường, nhìn thấy một chú rùa biển bị ống hút nhựa làm tắc đường thở, từ đó đã thôi thúc sinh viên Phạm Nguyễn Thanh Duyên (khoa Công nghệ Thực phẩm trường ĐH Công Thương TP.HCM) thực hiện dự án chế tạo đồ tiêu dùng bằng chất liệu xanh. Nữ sinh quyết định thành lập nhóm Green Future cùng các bạn có cùng đam mê bảo vệ môi trường, chế tạo ống hút thân thiện với môi trường.

Chia sẻ cơ duyên chọn lá cây chuối, cây dừa để “biến hình” thành ống hút, nữ sinh cho biết: “Trên đường chạy xe di chuyển từ nhà đến trường, em vô tình nhìn thấy những hàng chuối mọc dại ở ven đường, rồi đi ngang khu vực nhiều nông dân trồng dừa nước để thu hoạch. Từ đó, em thấy được tiềm năng lớn của phần lá - bộ phận mà nhiều người vẫn nghĩ vô dụng nhưng nay nó sẽ là nguồn nguyên liệu để chúng em tạo thành những chiếc ống hút mang tiêu chí rẻ, thân thiện môi trường”.

Những chiếc ống hút từ lá dừa, lá chuối được trưng bày. Đây là thành quả sau thời gian dài ấp ủ ý tưởng, nghiên cứu thực hiện của nhóm sinh viên trường ĐH Công Thương TP.HCM.

Để hoàn thiện chiếc ống hút thân thiện với môi trường phải trải qua nhiều công đoạn. Duyên tiết lộ ở khâu lựa chọn, kiểm tra chất lượng của lá rất quan trọng vì mang tính thành bại của sản phẩm. Nguyên liệu đạt chuẩn phải đáp ứng yêu cầu: phần lá có kích cỡ lớn để dễ tạo hình, không bị sâu mọt, không bị rách, mục.

Sau đó, nhóm bắt đầu cho nguồn nguyên liệu tiếp xúc nhiệt độ thích hợp để loại bỏ vi khuẩn ẩm mốc. Tiếp theo, các thành viên sẽ cán ép lá để đủ độ mềm, dày để tạo hình. Trước khi có máy quấn lá, các thành viên nhóm Green Future mất gần 30 phút cho mỗi sản phẩm để thực hiện tạo ống hút bằng thủ công. Sau này, được giáo viên hướng dẫn sáng chế máy móc nên giai đoạn này đã nhanh chóng hơn rất nhiều. 

Ban đầu, nhóm của Duyên cũng gặp nhiều khó khăn khi phải chọn lựa, xử lý nguyên liệu. Nhóm đã lên nhiều ý tưởng, suy nghĩ các cách thực hiện và thí nghiệm trong phòng lab của trường. 

Công đoạn cuối cùng là sấy ống hút để bảo quản được lâu hơn. Vì toàn bộ nguyên liệu được sử dụng bằng lá cây, phụ liệu trong nấu ăn và không sử dụng chất bảo quản nên ống hút có hạn sử dụng nhất định. 

Khi dự án này được trình làng, Duyên và các cộng sự cũng nhận được nhiều câu hỏi về nguyên liệu kết dính lá dừa, lá chuối để tạo hình cho sản phẩm. Nữ sinh cho biết đây là bài toán nan giải mà nhóm mất nhiều thời gian suy nghĩ, cuối cùng nhóm dùng bột năng, bột mì để kết dính phần lá. Từ đó, sản phẩm tạo được hình ống chắc chắn. 

Dự án Green Future đã đạt nhiều giải thưởng khi chế tạo sản phẩm tiêu dùng có tính khả thi, an toàn và thân thiện với môi trường. Trong tương lai, nhóm tiếp tục sẽ mang đến nhiều sản phẩm hướng đến sức khoẻ con người và bảo vệ môi trường khi tận dụng nguồn nguyên liệu xanh.

Hiện nay, theo khảo sát ống hút nhựa có mức giá khoảng 100-200 đồng/ống. Còn ống hút từ lá dừa, lá chuối trong điều kiện sản xuất quy mô nhỏ, có mức giá hiện tại khoảng 500 đồng/ống. Duyên và các cộng sự tin rằng khi sảm phẩm được sản xuất số lượng lớn với quy mô công nghiệp lớn thì mức giá thành sẽ cạnh tranh hơn rất nhiều. 

Ngoài ra, về chất lượng ống hút bằng lá dừa, lá chuối, nhóm cũng tự hào khi tạo ra sản phẩm có thể sử dụng kéo dài khoảng 6 tiếng đồng hồ. Trong khi, ống hút sinh học khác sử dụng nguyên liệu từ gạo, giấy chỉ sử dụng được trong 2-3 tiếng đồng hồ đã bị nhũng, đứt đoạn. 

Hơn hết, sản phẩm ống hút lá dừa, lá chuối có khả năng phân huỷ sinh học. Sau khi sử dụng, có thể biến nó trở thành phân bón cho cây, đây là khả năng đặc biệt mà ít loại ống hút sinh học trên thị trường có thể làm được.

Mục tiêu trong tương lai gần, nhóm sẽ thực hiện hồ sơ pháp lý để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường. Cùng với đó,nhóm đang nghiên cứu việc sản xuất bát dĩa từ lá cây với mong muốn bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức của người dân và hạn chế rác thải sinh hoạt. Hơn ai hết, nhóm hy vọng sẽ lan toả được thông điệp sống xanh, góp phần giúp môi trường trở nên xanh - sạch - đẹp.

TẤN PHƯỚC