Đầu năm 2023, dư luận địa phương được phen xôn xao trước chuyện tình yêu “đũa lệch” của cặp đôi chồng già – vợ trẻ tại Ninh Thuận. Nhiều người cho biết họ ngưỡng mộ tình cảm cao thượng của chú Tuấn (50 tuổi) và chị Đớn (27 tuổi), đồng thời hi vọng có phép màu giúp đỡ gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó, có nơi ăn chốn ở đàng hoàng.
Sau đó, cặp “đũa lệch” đã được mạnh thường quân ở mọi miền Tổ quốc chung tay giúp đỡ. Họ đã có một ngôi nhà khang trang để ở, hai đứa trẻ được đến trường bằng xe đạp mới. Nhiều người thở phào nhẹ nhõm và cho rằng “người hiền đã gặp lành”.
Bẵng đi một thời gian, người ta không thấy chú Tuấn – chị Đớn xuất hiện trên mạng xã hội. Vì thế không ít người tò mò không biết cuộc sống của họ hiện tại ra sao, có ổn hơn so với ngày sống trong chiếc lán cũ kỹ bên cạnh gốc mít hay không?
Cuộc sống hiện tại của cặp đôi "đũa lệch" vô cùng an yên.
Chú Tuấn tâm sự: “Cuộc sống của vợ chồng tôi và hai đứa trẻ giờ thay đổi rất nhiều so với trước đây. Cả nhà được ở trong căn nhà khang trang, vững chãi, có thể chống chọi được với nắng gió – mưa bão của Ninh Thuận.
Lũ trẻ được đi học bằng xe đạp, sách vở đầy đủ. Hơn cả chúng được ăn lo, không phải đói khát như trước. Tôi có nằm mơ cũng chẳng thể ngờ nổi có một ngày sống đủ đầy như bây giờ”.
Chồng vừa dứt lời, chị Đớn vội khoe: “Mình luôn cảm thấy biết ơn đến các mạnh thường quân đã giúp đỡ gia đình. Nhờ họ, vợ chồng mình mới có căn nhà tử tế để ở. Đặc biệt mình thấy ngôi nhà như đem lại vận may cho gia đình”.
Lúc này chúng tôi bất ngờ hỏi vận may đó là gì, người đàn ông 50 tuổi thành thật cho biết sau khi dọn vào nhà mới ở, họ luôn cảm thấy an tâm với cuộc sống và tập trung làm lụng kiếm sống nuôi 2 con nhỏ. “Ở nhà mới, chúng tôi khỏe khoắn hơn rất nhiều. Tôi bắt đầu nghĩ cách làm ăn, nghĩ rằng “mạnh thường quân đã cho cái cần – tức ngôi nhà, mình phải đi câu con cá” để không phụ công mong mỏi của tất cả.
Tôi quyết định đi mua giống ngô về trồng ở khoảng đất trống trước nhà. Sau đó công ty nông nghiệp về ngỏ lời hợp tác làm ăn. Họ đề nghị cung cấp giống, phân bón để chúng tôi trồng mía, chăm sóc”, Chú Tuấn nói.
Họ luôn thầm cảm ơn mạnh thường quân đã giúp đỡ.
Hiện tại vợ chồng chú Tuấn trồng ngô, chăm sóc vườn mía. Cả hai đợi đến ngày thu hoạch ngô đem ra chợ bán, còn cánh đồng mía hưởng lợi nhuận theo thỏa thuận trước đó với công ty nông nghiệp. “Họ nói rằng sau này đến vụ thu hoạch, chúng tôi sẽ hưởng tiền lời sau khi trừ hết các khoản đầu tư. Tôi nghĩ như vậy rất ổn, mình chỉ bỏ chút sức lực mà có tiền.
Họ cũng chịu các rủi ro như mất mùa, mưa bão… Tôi nghĩ an cư lạc nghiệp luôn đúng, có ngôi nhà để ở thì mọi thứ sẽ luôn dễ dàng. Giờ tôi chỉ mong hai vợ chồng khỏe mạnh, con cái ngoan ngoãn và học tập tốt”, chú Tuấn chia sẻ.
Nhắc đến chuyện cây mít – nơi gia đình tá túc bao năm qua còn hay không, người đàn ông Ninh Thuận thật thà cho biết thời điểm xây dựng ngôi nhà mới có người đề nghị mua lại cây với giá cao. Song chú kiên quyết từ chối, giữ lại cây vừa để lấy quả ăn, vừa để răn đe bản thân không được phép quên những tháng ngày cực khổ.
“Tôi không thể quên tháng ngày khó khăn đó. Tôi muốn giữ lại cái cây như thể tự nhắc bản thân phải biết trân trọng cuộc sống hiện tại, cố gắng vì tương lai phía trước. Tôi chỉ cần lơ là một chút, vợ con sẽ quay trở về cảnh nghèo khó, cơm chẳng có mà ăn”, người đàn ông nói.
NGỌC HÀ