Nếu như củ khoai, củ từ khi ăn sẽ thấy bở, nhiều bột, thì ở miền Tây có một loại củ lạ ăn giòn giòn, sần sật. Đó là củ lùn - một đặc sản ở các tỉnh Long An, Sóc Trăng…
Củ lùn có tên khoa học là Calathea allouia hoặc Calathea allovia, thuộc họ Marantaceae, còn có tên gọi khác là củ năng tàu, củ sâm lùn. Về đặc điểm nhận dạng, bên ngoài củ lùn tròn tròn, có lớp vỏ màu vàng nhạt, có cuống dài mọc thành chùm, bên trong có màu trắng trong, phần lõi có màu trắng đục.
Củ lùn ăn giòn sần sật, ngọt mát, khác với củ từ
Trước đây, loại củ này gắn với người dân nghèo ở miền Tây. Củ lùn được trồng vào đầu mùa mưa, cây củ lùn xanh um, củ non mọc thành từng chùm quanh gốc. Nếu vùng đất xốp tốt và được người trồng bón phân đầy đủ, thì có gốc cho ra vài chục củ. Hết mùa mưa củ lùn không phát triển thân lá nữa, mà tập trung dồn hết sinh lực cho củ lớn lên.
Khi nào khóm lùn bắt đầu ngả vàng là lúc thu hoạch củ, thời điểm đó khoảng 11 âm lịch cho đến hết tháng giêng năm sau. Cách tốt nhất để bảo quản củ lùn là nên để củ ở nhiệt độ phòng, thoáng đãng, khô ráo, tránh ẩm ướt. Nếu điều kiện bảo quản tốt, củ lùn có thể trữ đến 3 tháng.
Người dân địa phương cho biết, muốn củ lùn ngọt và bùi thì sau khi thu hoạch xong không nên ăn luôn mà để nó vào chỗ râm từ 2-4 ngày. Chúng được ví như sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này, vừa ngon vừa lạ miệng.
Củ lùn có thể làm thành nhiều món ngon như nướng, nấu súp, nấu chè...
Trên chợ mạng, củ lùn được nhiều địa chỉ rao bán với giá khoảng 30.000 đồng/kg. Bạn nên chọn những củ có vỏ mịn, màu vàng sáng, không bị khô. Vì củ lùn tươi sẽ có hương vị ngọt mát và chứa nhiều dưỡng chất hơn. Vì chúng giòn và ngọt mát nên nhiều người tỏ ra thích thú sau khi ăn thử. Từ củ lùn có thể luộc, nướng, hầm xương, nấu chè, nấu súp...
Trong củ lùn có chứa lượng lớn chất chống oxy hóa, các loại khoáng chất như vitamin C, vitamin A,.. có nhiều tác dụng đối với sức khỏe.
Hỗ trợ hạ đường huyết
Dù có vị ngọt và thuộc nhóm tinh bột, nhưng lượng tinh bột trong củ lùn ở mức vừa phải, ngoài ra còn có nhiều nước, nhiều chất xơ và ít calo. Vì vậy, chúng là loại thực phẩm an toàn cho những người bị bệnh tiểu đường, giúp cải thiện đường huyết tốt. Bên cạnh đó, trong củ lùn còn chứa nhiều canxi, photpho, kali - những chất có khả năng ổn định huyết áp và giảm mỡ máu hiệu quả.
Thanh nhiệt, giải khát
Nhờ việc chứa nhiều nước, nên đây là nguyên liệu cung cấp độ ẩm, chống mất nước cho cơ thể. Còn gì tuyệt vời hơn khi giữa trưa hè nóng nực, được thưởng thức hương vị thơm ngon, ngọt mát từ củ lùn.
Không chỉ ngon và lạ miệng, củ lùn còn chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe, được người thành phố ưa chuộng trong những năm gần đây
Chống oxy hóa, tăng sức đề kháng
Trong củ lùn, hàm lượng các chất chống oxy hóa và khoáng chất như vitamin C, A, B, K, hợp chất canxi,… khá đa dạng. Đặc biệt là vitamin C, K góp phần quan trọng hình thành các collagen, mô liên kết và làm tăng độ đàn hồi của da, tạo ra hàng rào bảo vệ cơ thể với các yếu tố bất lợi bên ngoài, đồng thời làm chậm quá trình lão hóa.
Tốt cho tim mạch
Chất xơ hòa tan trong củ lùn có công dụng giảm mức cholesterol LDL (cholesterol xấu), từ đó giảm nguy cơ mắc các loại bệnh nguy hiểm về tim mạch như xơ vữa động mạch hay đột quỵ.
Chưa hết, nguồn kali, magie và khoáng chất trong củ lùn cũng là những chất quan trọng trong việc tăng cường và duy trì sức khỏe của tim mạch.
PHÚ NGUYỄN