Nhà trị liệu hay chuyên gia tình dục là một khái niệm xa lạ với hầu hết mọi người. Bác sĩ Tong Songzhen được mệnh danh là nhà trị liệu tình dục số một của Trung Quốc. Trong 11 năm làm nghề, cô đã làm việc với gần 20.000 đàn ông và phụ nữ bị rối loạn chức năng tình dục, cứu vãn nhiều cuộc hôn nhân đang trên bờ vực tan vỡ.
Thế nhưng không phải ai cũng biết nỗi vất vả, những khó khăn mà bác sĩ từng trải qua khi làm công việc nhạy cảm này. Dưới đây là câu chuyện của nữ chuyên gia tình dục ở đất nước tỷ dân do chính cô chia sẻ.
Tên tôi là Tong Songzhen, 44 tuổi, người Đài Loan và là nhà trị liệu tình dục đầu tiên ở Trung Quốc. Tôi từng là y tá làm việc ở một bệnh viện lớn được 12 năm. Tại đây, tôi thấy một số bệnh nhân nhập viện vẫn có mối quan hệ thân mật với bạn tình dù đang mắc bệnh.
Một hôm khi đang làm ca đêm, đột nhiên một người nhà bệnh nhân chạy đến nói với tôi rằng người ở giường bên cạnh đang làm chuyện nhạy cảm. Tôi chạy tới thì thấy cả phòng tối om, rèm giường được kéo ra, bên trong có thắp một ngọn đèn nhỏ, những gì diễn ra sau tấm màn được phản chiếu lên trên tấm rèm.
Với tư cách là nhân viên y tế, một mặt tôi cảm thấy người đó là bệnh nhân cần nằm dưới sự kiếm soát của chúng tôi trong bệnh viện, mặt khác tôi cảm thấy họ cũng nên có cuộc sống của riêng mình.
Bắt đầu từ lúc đó, tôi dần nảy sinh mong muốn tìm hiểu về đời sống tình dục của những nhóm thiệt thòi, dù về độ tuổi hay cơ thể và muốn giúp đỡ họ.
Một cuộc khảo sát với hơn 600 cặp đôi do Hiệp hội Y khoa Nam giới Đài Loan công bố năm 2012 đã chỉ ra rằng khoảng 60% số người được hỏi không hài lòng với đời sống tình dục hiện tại của mình.
Kể từ khi thành lập phòng khám vào năm 2006, tôi đã làm việc với gần 20.000 đàn ông và phụ nữ bị rối loạn chức năng tình dục. Tôi nhận thấy ngày càng có nhiều cuộc hôn nhân không tình dục, nhìn bề ngoài thì lý do có vẻ rất đơn giản nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn, nguyên nhân phía sau có thể rất phức tạp.
Chẳng hạn như một người phụ nữ đến khám nói muốn học kỹ năng tình dục. Hóa ra chồng cô ấy ngoại tình nên muốn níu giữ anh ta. Có một người vợ khác đi cùng chồng đến phòng khám nhưng từ đầu tới cuối không nói gì, hóa ra chồng cô bị xuất tinh sớm nhưng cô sợ nếu bày tỏ sẽ chạm đến lòng tự ái của chồng. Hay có người chồng đến phàn nàn rằng 10 năm không thể ân ái, cuối cùng xác định nguyên nhân do vợ mắc chứng bệnh khiến cô khó thân mật.
Ngoài ra, còn có những CEO giàu có, tài giỏi xuất hiện tại phòng khám, họ vừa ngồi xuống liền kêu: "Tôi quá bất tài, không thể làm hài lòng vợ mình".
Nói chung, những lý do không thể quan hệ tình dục rất vô tận và kỳ lạ. Mặc dù nó có thể được dán nhãn đơn giản là "xuất tinh sớm", "bất lực", "suy giảm ham muốn",... nhưng lý do phía sau những chứng bệnh đó là gì? Công việc của tôi chính là tìm ra nguyên nhân gốc rễ và khắc phục thông qua tư vấn, rèn luyện hành vi.
Bác sĩ Tong Songzhen cho biết nguyên nhân phía sau những căn bệnh sinh lý như xuất tinh sớm, bất lực,... còn phức tạp hơn nhiều.
Trước tôi, lĩnh vực trị liệu tình dục còn tương đối hiếm hoi. Có những phòng tư vấn hôn nhân chỉ tư vấn, cũng có những bệnh viện chỉ cung cấp thuốc và phẫu thuật để điều trị. Cái trước chỉ giải quyết được vấn đề tâm lý, còn cái sau chỉ giải quyết được vấn đề thể chất. Trong hành vi tình dục, phần thuần túy sinh lý chiếm 30%, còn phần tâm lý chiếm 70%. Chỉ có sự kết hợp giữa tư vấn tâm lý với rèn luyện hành vi mới có thể thực sự giải quyết được vấn đề của những người này.
Ví dụ, một số người đàn ông sinh hoạt bình thường nhưng lại gặp phải vấn đề với vợ, dùng thuốc hay phẫu thuật đều không giải quyết được. Thực tế, trước khi xảy ra vấn đề về chức năng tình dục, mối quan hệ giữa vợ chồng họ đã thay đổi. Do đó, việc tư vấn tâm lý thuần túy sẽ dẫn đến tình trạng “tôi biết phải làm gì, nhưng chỉ là tôi không làm được”, nên việc rèn luyện hành vi cũng rất cần thiết.
Vì vậy, ngoài khám thể chất, tôi cũng cần kiểm tra cuộc sống riêng tư của mỗi bệnh nhân.
Trong số nam giới gặp trở ngại, xuất tinh sớm chiếm khoảng 50%, rối loạn cương dương chiếm 30%, các hội chứng tình dục khác như BDSM, cuồng dâm, vô tính chiếm 20%.
"Thật đơn giản, hóa ra chồng tôi thích tất chân"
Trước đây tôi gặp một cặp đôi rất tình cảm, người vợ rất muốn giải quyết vấn đề đời sống tình dục nhưng người chồng lại hơi do dự. Theo chia sẻ của người vợ thì chồng gặp khó khăn trong việc "chào cờ". Nhưng khi kiểm tra, tôi thấy người chồng hoàn toàn ổn, vậy mà khi ở trước mặt vợ thì lại thất bại.
Tôi hiểu rằng ở Trung Quốc, việc vợ chồng công khai chia sẻ "chuyện ấy" là điều khá khó khăn nên đã nhờ người vợ tạm thời ra ngoài. Sau khi vợ đi khỏi, người chồng cuối cùng cũng thành thật chia sẻ bản thân bị ám ảnh bởi những chiếc tất khi ân ái nhưng ngại không dám nói với vợ. Bởi vì ngay chính anh cũng thấy sở thích này không bình thường.
Về mặt lâm sàng, chúng tôi gọi các xung động tình dục hướng tới “những thứ không khơi dậy ham muốn tình dục ở hầu hết mọi người” là paraphilia, hay còn gọi là “rối loạn lệch lạc tình dục". Những thuật ngữ tâm lý này có thể sẽ khiến mọi người có những suy nghĩ rằng điều này là bất thường dù những hành vi đó hoàn toàn vô hại.
Người chồng có niềm yêu thích với tất khi ân ái nhưng lại sợ chẳng dám nói ra với vợ. (Ảnh minh họa)
Từ góc độ trị liệu tình dục, tôi nhận thấy sở thích này của người đàn ông không cần điều trị vì nó không gây ra bất cứ sự nguy hiểm nào. Có chăng là do sự thiếu thành thực, chia sẻ của người chồng đã khiến cặp đôi rơi vào bế tắc. Sau khi xây dựng tâm lý cho nam bệnh nhân, tôi đề nghị anh nói sự thật với vợ và tôi cũng tư vấn thêm cho cả hai.
Sau khi lắng nghe xong, phản ứng của người vợ khiến tôi có nhiều cảm xúc lẫn lộn: “Thì ra anh ấy thích tất chân, sao chuyện đơn giản như vậy lại không nói với em?”. Khi rời đi, hai người nắm tay nhau bước ra, tôi còn nghe thấy cô ấy nói với chồng rằng: “Chồng ơi, lát nữa chúng ta hãy mua các loại tất đủ màu sắc nhé”.
Bác sĩ Tong Songzhen đang trị liệu cho các cặp đôi.
Trong quan niệm của người bình thường, chỉ có nam giới mới bị bất lực tình dục và cần được điều trị. Thực tế, một số phụ nữ cũng phải chịu đựng nỗi đau không thể ân ái. Hầu hết những người đó đều gặp phải chứng bệnh co thắt âm đạo.
Chứng co thắt âm đạo là một trong những nguyên nhân gây vô sinh do không thể quan hệ tình dục. Nhưng hầu hết mọi người đều không biết đến sự tồn tại của nó nên những người mắc bệnh không biết tìm cách nào để chữa trị và cho rằng mình là kẻ quái đản.
Vì vậy, khi họ tìm thấy tôi, hầu hết đều đang trên bờ vực suy sụp và đã phải chịu đựng cuộc hôn nhân không tình dục trong nhiều năm.
“Chồng cầu xin tôi cho anh ấy vào nhưng tôi không thể”
Ru Feng là một trường hợp điển hình. Cô ấy 35 tuổi, đến từ Gia Nghĩa, Đài Loan. Mỗi lần điều trị, cả hai vợ chồng đều cùng đến. Họ là mối tình đầu của nhau, hẹn hò 4 năm và kết hôn được 5 năm. Nhưng suốt 9 năm qua, cặp đôi chưa bao giờ quan hệ suôn sẻ.
Trong thời gian yêu nhau say đắm, Ru Feng không dám "vượt rào" và chồng cô cũng rất tôn trọng điều đó. Sau khi kết hôn, họ đã cố gắng ân ái nhiều lần nhưng đều không thành công. Vì không thể làm "chuyện ấy" nên tất nhiên Ru Feng không thể có con.
Do đó, cô chịu áp lực rất lớn, mỗi ngày phải uống 50 viên thuốc do mẹ là bác sĩ Trung y kê. Hàng xóm xung quanh còn chế giễu mẹ cô có thể chữa khỏi bệnh hiếm muộn cho người khác nhưng con gái bà thì không. Mẹ chồng thì dù không nói gì nhưng vẫn luôn đưa cô đến chùa để cầu con.
Trong 5 năm qua, Ru Feng đã thử nhiều phương pháp điều trị nhưng đều thất bại. Nỗi lo lắng này khiến cô mất ăn mất ngủ. Khi tới phòng khám của tôi, cô ấy nói sẽ thử nốt lần cuối, nếu không được sẽ ly hôn. Giống như mọi trường hợp, Ru Feng khóc lóc thảm thiết khi kể: “Chồng tôi đôi khi cầu xin tôi cho anh ấy vào, nhưng tôi thực sự không còn lựa chọn nào khác”.
Bác sĩ Tong Songzhen đã làm hai chiếc gối hỗ trợ giảng dạy để giúp bệnh nhân hiểu được cấu trúc sinh lý của phụ nữ và nam giới.
Suốt 4 tuần đào tạo, tôi giúp Ru Feng từ từ thích nghi với sự xâm nhập thông qua thiết bị giả lập bộ phận sinh dục nam giới. Sau nhiều buổi học và thành công, Ru Feng bật khóc: "Thì ra tôi cũng có thể làm được. Tại sao tôi không biết cô sớm hơn".
Sau khi tôi bàn bạc với hai vợ chồng, họ quyết định quay lại khách sạn và áp dụng phương pháp mà tôi hướng dẫn. Nửa giờ sau, tôi nhận được tin nhắn của Ru Feng: “Chồng đang ngủ yên bên cạnh tôi. Sau 9 năm, cuối cùng chúng tôi cũng đã thành công”.
Một số người có thể thắc mắc, nếu việc điều trị với bác sĩ đơn giản như vậy thì sao những bệnh nhân đó lại không thể tự giải quyết được. Thứ nhất, họ không hiểu nguyên nhân nên không biết đâu là cách tiếp cận phù hợp. Thứ hai, người chồng thấy vợ chống cự sẽ dần yếu đuối, mất hứng thú, không thể nào từ chuyện vợ chồng thành cưỡng bức được. Hơn nữa, hai người sẽ phàn nàn, cãi vã với nhau và không thể giải quyết vấn đề một cách hợp lý như một nhà trị liệu tình dục.
Hiện tại trong nước có rất ít nhà trị liệu tình dục thực sự nhưng nhu cầu rất lớn. Càng điều trị nhiều ca, tôi càng nhận ra tầm quan trọng của tình yêu. Tôi thường gặp những cặp đôi phàn nàn về nhau, cô trách anh không thể cương, anh trách cô không khêu gợi, mỗi người đều có lý do riêng nhưng không sẵn lòng hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau. Đây chính là vấn đề trong hôn nhân, nếu không yêu nữa thì làm sao có thể quan hệ được?
"Cương cứng là trách nhiệm của đàn ông, tại sao tôi phải giúp anh?"
Mới đây có một trường hợp khiến tôi rất ấn tượng. Một cặp vợ chồng già đến cùng con trai. Trước khi đến đây, người bố đã viết sẵn toàn bộ quá trình điều trị kín 3 tờ giấy A4.
Tìm hiểu mới biết người con trai của họ đã trải qua 2 cuộc hôn nhân. Người vợ đầu tiên khi thấy chồng không thể gần gũi đã nói với bố mẹ chồng. Bố chồng sau đó đưa con trai tới khoa tiết niệu để cắt bao quy đầu do quá dài. Sau ca phẫu thuật, người con trai khẳng định mình chưa khỏi bệnh và phải nghỉ dưỡng 1 năm, vợ không thể chờ đợi được nữa nên ly hôn.
Người cha già cho rằng con trai mình sẽ ổn sau khi được xử lý bao quy đầu nên bắt đầu tìm vợ thứ hai cho con. Đôi vợ chồng già thậm chí còn đến gặp bác sĩ để hỏi xem con trai họ có phù hợp để kết hôn lần nữa hay không, bác sĩ nói rằng nếu luyện tập nhiều hơn thì sẽ ổn.
Do đó, họ cảm thấy vẫn còn hy vọng và nhanh chóng tìm vợ cho con trai. Thế nhưng sau khi kết hôn, cặp đôi trẻ vẫn chẳng thể làm "chuyện ấy". Người cha già lại lần nữa tìm nhiều sách về liệu pháp tình dục vì lo con trai bị rối loạn chức năng sinh lý. Đồng thời, ông cũng khéo léo nhờ con dâu giúp đỡ con trai mình.
Thế nhưng, người con dâu lại bực tức nói với chồng: "Tại sao em phải giúp anh. Việc cương lên là trách nhiệm của đàn ông, em cởi đồ hết ra mà anh không làm gì được là do anh bất lực".
Không giúp được con trai mà cũng không khuyên được con dâu, bố mẹ chồng cuối cùng phải tìm đến phòng khám. Tại đây, người vợ vẫn nhất quyết khẳng định việc "chào cờ" là trách nhiệm của đàn ông và cô ấy sẽ không giúp đỡ. Vì vậy, cuối cùng chỉ có người đàn ông ở lại giải quyết vấn đề.
Bác sĩ phân tích mức độ cương cứng cho nam bệnh nhân.
Nhìn thấy trường hợp này, tôi đành phải phân tích rõ cho cả gia đình bệnh nhân rằng vì hai vợ chồng trẻ kết hôn không có cơ sở tình cảm nên tất nhiên họ cũng khó có phản ứng sinh lý. Do mong muốn của người bệnh, tôi vẫn giúp anh rèn luyện chức năng thể chất để chữa khỏi vấn đề "cậu nhỏ" và giải quyết nỗi lo tâm lý.
Nhưng vấn đề lớn nhất là người chồng vẫn không dám giao tiếp với vợ, khi nhìn thấy cô, anh vô cùng căng thẳng và lo lắng mình sẽ thể hiện không tốt, càng lo lắng thì mọi chuyện sẽ càng tệ hơn. Và người vợ vì không chịu tập luyện cùng nên trường hợp này không thể nào giải quyết.
Nói chung, nếu cả hai vợ chồng hợp tác và rèn luyện theo yêu cầu của tôi thì tỷ lệ thành công có thể đạt tới 85%.
Từng giúp đỡ rất nhiều cặp đôi giải quyết mâu thuẫn nhưng với chính bản thân, và gia đình mình, tôi lại không làm được như thế.
Khi mới bước chân vào ngành này, tôi đã bị bố mắng té tát: "Học cái đấy làm gì? Không thấy xấu hổ khi xem người khác làm gì trong phòng kín sao?". Kể từ đó, trong tôi đôi lúc vẫn dấy lên những nghi ngờ: "Các nhà trị liệu tình dục có cần quan hệ với bệnh nhân để giúp họ không?", "Họ có phải những người hành nghề mại dâm không?".
Đáng buồn hơn nữa khi chồng và gia đình chồng tôi khi ấy cũng không thể chấp nhận được công việc này và chồng đã ly hôn với tôi.
Tập hồ sơ dày của những bệnh nhân mà bác sĩ từng giúp họ trị liệu.
Trong 11 năm làm nghề, tôi đã giúp đỡ rất nhiều mối quan hệ tình cảm nhưng lại chẳng thế giúp chính mình. Thế nhưng khi tôi càng gặp nhiều bệnh nhân, tôi càng hiểu tình yêu quan trọng như thế nào đối với tình dục.
Trải qua nhiều năm tháng giúp đỡ các cặp đôi, dù bị hiểu nhầm về nghề nghiệp nhưng bác sĩ Tong Songzhen vẫn tận tâm với nghề.
Cô chia sẻ: "Nếu bạn từng nghe dù chỉ một lần việc những cặp vợ chồng không thể viên mãn trong hôn nhân bày tỏ sự cay đắng và họ đã khóc như thế nào sau khi thành công, bạn sẽ hiểu tại sao tôi làm điều này. Không thể có con, không thể ngẩng cao đầu và rất có thể phải sống cảnh cô đơn suốt đời, vì vậy tôi thực sự sẵn lòng giúp đỡ họ giải quyết những vấn đề này".
HOÀNG THÙY.