Ở đường Lê Đình Cẩn (Bình Tân, TP.HCM) có một sạp bán bánh đặc sản miền Tây: khoai mì, bánh chuối, bánh da lợn, chuối nướng… được rất nhiều người mua ủng hộ. Sạp bánh không chỉ thơm ngon, gợi lại ký ức tuổi thơ mà còn ấn tượng với khách hàng bởi chính câu chuyện của người chế biến, đứng bán.
Chị Trang (31 tuổi) – chủ nhân của sạp bánh tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố này nhưng gốc gác miền Tây. Từ đời bà ngoại đã chuyên làm bánh đặc sản vùng sông nước để bán ngoài lề đường. Sau đó bà đã để lại sạp bánh cho mẹ của tôi.
Sau này tôi lớn nhìn mẹ nhào nhặn từng món bánh cũng gửi gắm tình yêu vào chúng. Tôi còn theo mẹ rong ruổi khắp các con đường ở Sài Gòn rao bán bánh. Tôi từng tự nhủ sau này sẽ kế nghiệp xe bánh của mẹ.
Ngờ đâu, tôi giờ cũng bán các loại bánh đặc sản của miền Tây. Tôi vẫn cứ đùa rằng đây là nghề gia truyền, đến mình là đời thứ 3”.
Chị Trang và cặp song sinh.
Không ít người ấn tượng bởi chị Trang đã đứng ra tiếp tục công việc của gia đình nhưng chứng kiến chị địu đứa con nhỏ trước ngực và một tay bế bé gái khác, nhiều người cũng không cầm nổi nước mắt.
Khi được hỏi vì sao phải đèo bòng 2 đứa con ra ngoài đường bán bánh, người phụ nữ 32 tuổi thành thật: “Vì hoàn cảnh mà tôi phải làm vậy, chứ thực tâm chẳng muốn chút nào. Ở đây đường phố tấp nập, bụi bẩn nhiều lắm nhưng chẳng có cách nào khác.
Bữa nào mẹ tôi khỏe mạnh, tôi sẽ gửi 2 đứa nhỏ nhờ trông giúp. Đợt này mẹ bệnh hoài nên tôi đành phải dắt díu 3 đứa trẻ ra ngoài này mưu sinh cùng”.
Chị Trang cưới người đàn ông từng có một đời vợ, một đứa con riêng. Sau đó chị hạ sinh một bé gái và tiếp tục mang song thai hai bé gái. Hiện tại cặp song sinh được 10 tháng tuổi, trộm vía ngoan ngoan nên chị mới có thể đưa đi bán hàng cùng.
“Tôi đặt 2 đứa tên Kim Anh – Kim Thư với hi vọng sau này có cuộc sống sung sướng, không phải chịu cái khổ cái cực của cuộc đời. Song giờ các con đã phải rong ruổi ngoài đường mưu sinh cùng mẹ và chị gái.
Chúng còn quá nhỏ, chưa đứng vững nên tôi không thể đặt ngồi xuống ghế, đành sắm lấy cái địu để địu một đứa. Còn đứa kia sẽ bế trên tay, khi nào có khách sẽ gửi hàng xóm quanh đây bế giùm”, chị Trang tâm sự.
Vừa dứt lời, người phụ nữ bắt đầu giới thiệu các loại bánh “có mặt” tại sạp hàng. Chị bảo tất cả đều do một tay chị chuẩn bị nguyên liệu, nhào nặn… Thường chị bán bánh từ 6h sáng đến 11h-12h trưa hoặc hôm nào đông khách sẽ về nhà sớm hơn. Đến 17h chiều, chị bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu, chế biến và hoàn thành vào lúc 23h đêm – khi ấy các con đã ngủ say.
“Một ngày làm việc của tôi chỉ xoay quanh các con và sạp bánh. Tôi đôi lúc mệt mỏi, muốn buông nhưng chẳng thể được vì còn bao nhiêu thứ phải lo toan.
Xưa tôi còn có chồng phụ giúp, giờ một mình gồng gánh để lo cho các con có một cuộc sống đủ đầy như người ta. Tôi hi vọng người ta thương, ủng hộ sạp bánh là hạnh phúc lắm rồi”, chị Trang rưng rưng.
Nhắc đến người chồng, chị Trang trầm buồn một hồi lâu. Sau đó chị cho biết xưa anh làm công ty, chở gas cho người ta. Nhưng cuộc sống khốn khó, anh quyết định làm thêm nhằm tăng thu nhập, đỡ đần chuyện buôn bán cho vợ con.
Anh cùng một người bạn hùn vốn làm ăn, sau đó bị bắt vì buôn bán xe không có giấy tờ. “Tôi có vô thăm anh ấy một lần, người ta nói vẫn đang điều tra, chưa đưa ra xét xử. Tôi chẳng biết sao nữa, chỉ biết chồng đã bị bắt tạm giam được một tháng.
Tôi buồn lắm nhưng chồng làm sai thì phải chịu thôi. Giờ tôi một tay nuôi nấng các con, chi trả tiền trọ chừng 2.1 triệu đồng/tháng”, chị Trang bật khóc.
Kinh tế khó khăn, chị Trang bán bánh đặc sản chậm hơn so với trước rất nhiều. Chị bảo nếu như ngày xưa bán lãi 350.000/ngày thì giờ giảm còn 200.000 đồng/ngày. Do đó chị rất mong mọi người đi qua hãy ủng hộ chị cái bánh để cặp song sinh có sữa uống, con gái lớn được ăn cơm thịt.
NGỌC HÀ