Nhắc đến các loại rau mọc dại quanh vườn, từng gắn với những bữa của người dân nghèo ở các miền quê không thể thiếu rau đay.
Rau đay có tên khoa học là Corchorus Olitorius, có nguồn gốc ở các quốc gia châu Á, một số vùng của châu Phi và Trung Đông.
Ở Việt Nam, rau đay có 2 loại là đỏ và trắng, hiện nay chúng được trồng và thu hoạch quanh năm. Đặc trưng của loại rau này là nhờn nhờn, nhiều nhớt nên không phải ai cũng thích.
Trước đây, rau đay mọc dại ở sau vườn hay xen vào các ruộng hoa màu, thậm chí mọc ở ven đường. Từ thứ rau này có thể luộc, xào, nấu canh. Canh rau đay nấu chung với mướp, tôm đồng, tép đồng, cua đồng, vừa ngọt vừa thanh mát, là sự lựa chọn phù hợp cho những ngày hè.
Gần đây, rau đay thành đặc sản nổi tiếng ở thành phố, được bán ở các chợ dân sinh, chợ mạng hay trong siêu thị với giá khá rẻ, khoảng 35.000 đồng/kg. Khi rửa nếu vò mạnh tay hoặc thái nhỏ thì độ nhớt càng nhiều. Nhưng thực tế nhiều người mê mẩn bát canh rau đay nấu cua, cáy hoặc tép khô càng nhớt càng đưa cơm.
"Hồi bé, mình thường mang rổ ra vườn hái đủ các loại rau tập tàng, trong đó có rau đay để vào nấu canh. Mùa hè, mình thích nhất rau đay nấu với tôm đồng, vị ngọt của tôm kết hợp với vị ngọt của rau đay vô cùng hấp dẫn. Dù có hơi nhớt nhưng mình vẫn rất thích.
Bây giờ ở chợ và siêu thị bán nhiều rau đay, thỉnh thoảng mình vẫn mua về nấu canh hoặc xào cho cả nhà cùng ăn. Món rau này thích hợp nhất vào những ngày hè, thanh mát, giải nhiệt lại bổ dưỡng", bạn Minh (quê ở Nghệ An) chia sẻ.
Theo tìm hiểu, rau đay có thể trồng quanh năm, nhưng cho năng suốt cao và phát triển tốt nhất vào những tháng hè, từ tháng 3 âm lịch đến tháng 9. Cứ 100g rau sẽ chứa các dưỡng chất sau: sắt 3140mg, leucine 306mg, threonine và lysine 144mg, methionine 51mg, vitamin C 33mg và một số vi chất khác (<1mg) như vitamin K, vitamin B6, vitamin A, đồng, polysaccharid, sucrose, inositol. Với những dưỡng chất trên, rau đay có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ:
Tốt cho người bị táo bón
Tác dụng này có được là vì trong rau đay có khá nhiều nước. Vì nhiều nước nên làm mềm phân. Trong rau đay có nhiều polysaccharid, vì nhiều polysaccharid nên sẽ làm tăng lưu chuyển ruột, chống ứ đọng phân. Trong rau đay lại có nhiều chất nhầy, một chất như có tác dụng bôi trơn khiến cho dễ bị tống đẩy. Trong thành phần lại có nhiều đường sucrose và inositol. Các đường này không hấp thu mà lại giữ nước làm phân nở to nhưng lại rất mềm, hóa giải được táo bón.
Thanh nhiệt giải độc
Rau đay có tác dụng làm mát, tiêu khát, giải nhiệt, chữa trúng nắng. Vì rau đay có nhiều nước, chữa nhiều nhầy, có nhiều đường nên ích lợi cho việc giải nhiệt. Tính hàn của rau đay giúp hóa giải mọi hiện tượng nóng trong.
Giúp cải thiện sức khỏe của xương
Rau đay chứa nhiều canxi và magiê, hai khoáng chất cần thiết cho các chức năng hàng ngày của cơ thể. Sự kết hợp của cả hai loại khoáng chất này đặc biệt quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của xương, vì chúng hoạt động song song để giúp hình thành và duy trì xương và răng chắc khỏe.
87 gam rau đay nấu chín chứa 184 mg canxi và 54 mg magiê, tương ứng là 14% và 13% DV cho người lớn. Canxi là khoáng chất dồi dào nhất trong cơ thể bạn, và phần lớn nó được lưu trữ trong xương và răng. Nếu không có magiê, xương sẽ không thể hấp thụ canxi một cách hiệu quả.
Hỗ trợ hệ thống miễn dịch
Hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể bạn chống lại bệnh tật và cần một số chất dinh dưỡng để hoạt động tối ưu. Ăn rau đay có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch của bạn chống lại nhiễm trùng bằng cách cung cấp một số chất dinh dưỡng đó.
87 gam rau đay nấu chín có 28,7 mg vitamin C, chiếm 32% DV đối với người lớn. Bổ sung đủ lượng vitamin này sẽ giúp tạo ra các tế bào miễn dịch tiêu diệt mầm bệnh, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thêm vào đó, vitamin C giúp giảm viêm, chữa lành vết thương và duy trì làn da khỏe mạnh.
Lưu ý khi ăn rau đay: Người dễ bị tiêu chảy, dễ lạnh bụng không nên ăn nhiều và liên tục. Khi rửa rau đay, không nên làm giập rau, hạn chế vò rửa quá kỹ làm mất chất nhầy.
H.A