Chiều ngày 18/12, bác sĩ Nguyễn Dy Lưu - Khoa Bỏng - Chỉnh trực, BV Nhi đồng 2 cho biết vừa phẫu thuật thành công ca bỏng nặng của em Đ.S.R (12 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước).
Theo đó, do tò mò, em R. đã lấy bột của hộp quẹt diêm cho vào vòi ruột xe để tạo tiếng nổ. Vụ nổ bất ngờ đã khiến bàn tay trái của em bị thương nặng, chảy nhiều máu. Kết quả kiểm tra cho thấy, em bị nhiều vết thương nham nhở ở các ngón 1, 2, 3 và gãy hở xương bàn ngón 2 tay trái.
Đây không phải là trường hợp duy nhất cấp cứu do pháo tự chế, cách đó vài ngày, bệnh viện cũng tiếp nhận nam bệnh nhi A.T.V (12 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) bị bỏng nặng do chơi pháo tự chế. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bỏng cấp độ 2 với diện tích là 35% cùng nhiều vết thương ở vùng mặt, ngực, cẳng tay, đùi và cẳng chân.
Chưa hết, bệnh viện còn đang theo dõi sức khỏe của bệnh nhân H.K.B (ngụ tại Lâm Đồng) sau một tuần điều trị do bỏng nặng. Được biết, K.B được bạn của mình (tạm gọi là A) rủ chơi pháo do anh trai của A tự chế. Khi pháo chuẩn bị nổ, anh em nhà A chạy thoát, còn H.K.B chạy không kịp nên bị bỏng.
BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Phó khoa Bỏng - Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi bị bỏng liên quan đến chế pháo nổ, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết. Điều đáng nói ở đây, là hầu hết các tình trạng bỏng do pháo điều xuất phát từ chính trẻ, do trẻ tự chơi, tự mua hoặc chế tạo pháo theo hướng dẫn trên mạng mà ngay cả phụ huynh cũng không hề biết.
“Vết thương do pháo nổ thường rất nghiêm trọng, đặc biệt là khi tiếp xúc trực tiếp với pháo. Nếu bị bỏng ở tay, trẻ có thể mất một phần hoặc toàn bộ chức năng của bàn tay. Đặc biệt, khi pháo văng ra, ngoài tổn thương ở tay, trẻ còn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến mắt và đường hô hấp. Chúng tôi đã từng điều trị cho những ca bỏng nặng, khi pháo văng khắp cơ thể, gây hủy hoại giác mạc và thậm chí có trường hợp phải cắt cụt các chi", bác sĩ Ngà cho biết.
Tai nạn do pháo tự chế có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể. (Ảnh: BVCC).
Nhằm phòng tránh tai nạn do pháo nổ, bác sĩ Ngà khuyến cáo các bậc phụ huynh cần phải tăng cường giám sát và chủ động nhắc nhở trẻ về sự nguy hiểm của pháo nổ, đặc biệt là trong dịp lễ, Tết khi trẻ em dễ bị cuốn theo những trò chơi nguy hiểm.
Bên cạnh đó, cha mẹ và nhà trường cũng nên giáo dục con em mình về tác hại của việc tự chế tạo hoặc sử dụng pháo nổ, đồng thời, không nên để trẻ tiếp cận với các nguồn thông tin, video hướng dẫn làm pháo trên mạng.
Bác Ngà cũng cho biết thêm, các vết bỏng do pháo nổ có thể gây tổn thương sâu và lan rộng, việc sơ cứu sai cách có thể làm tình trạng của nạn nhân trở nên xấu hơn. Do đó, trong trường hợp nếu trẻ không may gặp tai nạn do pháo tự chế, tốt nhất người nhà nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời.
AN THANH