Hải châu là cây thân gỗ, lá dày, thích hợp sống ở môi trường khô hạn, nắng nóng, có độ ẩm thấp. Cây hải châu thường được trồng làm cây cảnh trong nhà hoặc ngoài trời. Vẻ ngoài của cây hải châu rất đặc biệt, dễ phân biệt với những loại cây thân gỗ nhỏ khác.
Loại cây này sinh trưởng nhiều ở những vách núi các tỉnh miền Trung như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà… Đến mùa hoa nở, cây hải châu toát lên một vẻ đẹp rất khó tả, hoa trắng muốt như những bông tuyết, trái đỏ như viên ruby nên những người chơi dòng cây cảnh này gọi là “hòn ngọc Viễn Đông".
Cây hải châu khi ra hoa và kết trái có vẻ đẹp khó tả, được ví như "hòn ngọc Viễn Đông"
Dòng cây hải châu được những người yêu cây cảnh chú ý đến từ khoảng hơn 20 năm trước. Những người nghệ nhân chơi cây đã tìm thấy chúng ở những vách núi cheo leo ở miền Trung rồi mang về tạo tác làm thành bonsai.
Ngoài có giá trị trong giới chơi cây cảnh, cây hải châu còn giúp thanh lọc không khí, cải thiện môi trường sống. Lá cây có khả năng hấp thụ các chất độc hại trong không khí, đồng thời giúp hấp thụ các tia tử ngoại, bức xạ từ các thiết bị điện tử, giúp bảo vệ sức khoẻ cho con người. Theo dân gian, cây hải châu còn giúp điều trị bệnh viêm mũi, ho, đau đầu…
Về mặt phong thuỷ, cây hải châu được cho là mang lại sự may mắn, thịnh vượng khi đặt trong nhà.
Với vẻ đẹp bên ngoài và ý nghĩa của nó, cây hải châu rất được giới chơi bonsai săn lùng về chăm sóc, uốn nắn tạo hình. Giá trị kinh tế của loại cây này cũng rất đáng kể, tăng theo thời gian, cây càng cổ thì giá càng cao, có thể lên đến hàng trăm, thậm chỉ là cả tỷ đồng.
Vườn cây của ông Nguyễn Gia Thọ (Hà Nội) sở hữu gốc hải châu lớn và độc đáo, hội tụ đủ các yếu tố của một cây bonsai đương đại: phô thân, khoe lá, lộ căn, cổ linh, tinh tú, kĩ dăm, mịn tàn.
Cây cao khoảng 2m, đường kính gốc lên đến 20cm, dáng trực quân tử, có độ mềm mại ở những tay cành. Cây ít bị tác động bởi bàn tay con người, gần như nguyên bản nên càng hiếm. Chủ nhân không đưa ra giá bán của gốc cây này, dù nhiều người chơi cây ao ước sở hữu. Tuy nhiên theo giới thạo bonsai, gốc hải châu của ông Thọ có giá không dưới 1 tỷ đồng.
Gốc hải châu này được đánh giá là lớn nhất Việt Nam, được lấy từ tự nhiên về chăm sóc bonsai. Loài cây này sống ở vách núi nên sinh trưởng rất chậm, thường phải cả trăm năm mới có thân lớn như vậy. Nhiều người đánh giá gốc gây hải châu của ông Thọ là “có một không hai".
Trong khi đó anh Đặng Hồng Sơn (Hà Nội) sở hữu bộ sưu tập cây hải châu đáng nể. Anh Sơn tự tìm tòi cây hải châu về làm bonsai, sau nhiều năm vườn cây hiện có gần 10 chậu, đủ chủng loại, mỗi cây một dáng. Cây đẹp nhất trong vườn của anh Sơn có giá trị hàng trăm triệu đồng.
Anh Sơn chia sẻ để có một cây hải châu cổ thụ dáng thác đổ lại ra hoa rực rỡ, đậu trái rất hiếm. Anh may mắn mua được những cây hải châu phôi đẹp tại Bình Định, sau đó đưa về chăm sóc. Theo chủ vườn, loài cây này có sức sống mãnh liệt, hàng trăm năm trên vách núi, khi đưa xuống đồng bằng vẫn xanh tốt quanh năm, kể cả mùa đông ở miền Bắc.
Khi mang cây ra Hà Nội, anh Sơn quan sát thay vì ra hoa 2 lần mỗi năm khi sống ở miền Trung thì cây hải châu ra hoa, đậu trái rất nhiều lần ở điều kiện thời tiết miền Bắc. Hoa dày đặc, trắng muốt như những bông tuyết, mùi thơm dịu ngọt dụ được ong, ruồi từ đó độ thụ phấn lớn, cây sai quả.
Anh Sơn bên một gốc hải châu ra hoa trắng cực đẹp
Trên thực tế không có nhiều nhà vườn sở hữu cây hải châu, nên loại cây cảnh này càng có giá trị cao. Để có được những gốc hải châu đẹp, người chơi cây phải đi săn lùng trong tự nhiên lẫn tìm hiểu ở nhà vườn tại nhiều tỉnh thành. Tuy nhiên chủ vườn không muốn bán những gốc hải châu đẹp, nếu có cũng ở mức giá rất cao.
Ngoài những gốc cây lâu năm, được uốn nắn kĩ càng bán ra giá cao, trên thị trường hiện tại cũng có những gốc hải châu nhỏ gọn, có thể để bàn, trang trí trong gia đình. Mức giá khoảng vài triệu đồng, phù hợp túi tiền của nhiều người yêu thích cây độc lạ nhưng giá cả phải chăng.
Những chậu bonsai hải châu mini có giá tiền triệu được ưa chuộng để trưng trong nhà hoặc ban công
H.A