Cây dại mọc bờ ao, xưa cho lợn ăn nay thành đặc sản được ưa chuộng vì có hương vị đặc biệt, tốt cho sức khỏe

Google News

Thứ rau dại này không chỉ làm thành món ăn ngon, lạ miệng mà còn có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe, được người thành phố ưa chuộng trong những năm gần đây. 

Ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ có một loại cây tên nghe rất lạ tai, đó là cây móp. Chúng còn có tên gọi khác là cây móp gai, mọc hoang dại ở môi trường nước, quanh bờ mương, bờ ao hay đầm lầy. 

Loại cây này có sức sống mãnh liệt, chịu được mọi điều kiện thời tiết. Trước đây chúng mọc tua tủa, người dân địa phương hái về để làm thành một loại rau dân dã trong bữa cơm thường ngày. Nếu nhiều quá thì hái rau móp về cho lợn gà ăn. 

Rau móp giòn, có vị ngọt hấp dẫn, được dùng làm món xào tỏi hay muối dưa, bóp gỏi, nhúng lẩu, luộc chấm mắm... Những năm gần đây, dưa móp hay rau móp xào tỏi được đưa vào thực đơn, có mặt trong các nhà hàng, quán ăn, thành đặc sản nổi tiếng. 

Cây móp mọc dại giờ đây thành đặc sản vừa lạ miệng vừa có tác dụng với sức khỏe

Dưa móp làm đơn giản nhưng lại rất ngon. Người ta sử dụng đọt non của cây móp, tước bỏ phần vỏ có gai, cắt thành từng khúc như ngón tay rồi rửa sạch, cho vào bình nước loãng, nén cho rau ngập nước rồi đậy nắp bình, sau 2-3 ngày rau chua là có thể dùng được. 

Trên chợ mạng, rau móp được bán với giá khoảng 40.000 đồng/kg, trong khi đó dưa móp có giá khoảng 80.000 đồng/kg. Dịp Tết, nhiều người mua dưa móp về ăn chống ngán khi tiêu thụ quá nhiều thịt, cá.

Ở Đông Nam Bộ, nhiều hộ dân còn trồng cây móp ở bờ kênh, bờ mương để hái đọt bán. Loại cây này trồng một lần có thể thu hoạch quanh năm. Khi hái rau móp phải mặc quần áo dài và đeo bao tay vì cây này nhiều gai nhọn, dễ gây xước da.

Dưa rau móp được bán ở thành phố

Ngoài Việt Nam, cây móp còn được tìm thấy ở Đông Nam Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia.... Cây có thể cao từ 1-2m, phiến lá hình mũi tên hoặc hình mác, nhiều rãnh sâu, có nhiều gai nằm ở giữa thân lá.

Không chỉ làm thành món ăn, cây móp còn có nhiều công dụng tuyệt vời với sức khỏe mà ít người biết đến. 

Bảo vệ và tăng cường chức năng gan

Trong rau móp có các hoạt chất như flavonoid, saponin và glycoside,... Những hoạt chất này được chứng minh có khả năng chống viêm và giảm thiểu tổn thương gan do virus viêm gan B và C gây ra.

Việc sử dụng rau móp thường xuyên trong chế độ ăn uống hoặc dưới dạng các sản phẩm hỗ trợ từ rau móp còn có thể làm chậm quá trình xơ hóa gan, một biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến suy gan và ung thư gan.

Hỗ trợ cho người bị tiểu đường

Rau móp có các hợp chất có khả năng hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu, tốt cho người bị tiểu đường.

Hỗ trợ làm đẹp da

 Nhờ vào nguồn vitamin và chất chống oxy hóa dồi dào, rau móp có khả năng ức chế sự hình thành melanin - sắc tố gây ra nám và tàn nhang. Do đó, rau móp có thể giúp làm mờ các vết nám, tàn nhang, mang lại cho bạn làn da sáng mịn và đều màu hơn.

Cải thiện hệ tiêu hóa

Với lượng chất xơ dồi xào, rau móp có tác dụng giúp nhuận tràng, kích thích tiêu hóa, đặc biệt tốt với những người bị táo bón. 

Ngoài ra, các hoạt chất chống viêm tự nhiên trong rau móp có tác dụng làm dịu niêm mạc dạ dày, giảm đau và mang lại cảm giác thoải mái hơn cho hệ tiêu hóa.

Tăng cường miễn dịch

Rau móp với nguồn chất chống oxy hóa dồi dào có khả năng chống lại các gốc tự do - những phân tử không ổn định có thể gây tổn thương tế bào và dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm, bao gồm ung thư, tim mạch và lão hóa sớm.

Một số bài thuốc từ rau móp

Chữa lở ngứa ngoài da: Dùng cả cây móp hoặc phần thân rễ nấu nước tắm, ngày 1 lần rất hiệu quả.

Hỗ trợ điều trị viêm gan, xơ gan: Dùng 30g thân rễ móp khô (tươi khoảng 100g), trái dứa dại khô 30g (tươi 100g), chó đẻ răng cưa khô 10g (tươi 30g). Cho các vị vào nấu với 2.000ml nước, đun nhỏ lửa khi nước còn 300ml thì chắt ra. Chia 3 lần uống trong ngày rất hiệu quả (theo dân gian dùng tươi tốt hơn khô).

Chữa tê thấp, lưng, gối cẳng chân tê buốt: Dùng thân rễ móp 12g, cẩu tích 12g, kê huyết đằng 12g, kim cang 12g, ngưu tất 12g, tỳ giải 12g, sắc nước uống trong ngày. Dùng 5 - 7 ngày.

Trị nám mặt: Củ móp tươi thái mỏng, đổ nước vào nồi ngập xâm xấp, đun sôi rồi để nguội, dùng nước để uống như nước trà, uống liên tục trong nhiều ngày. Có thể dùng xác đã nấu để nấu lại lần hai.

Thanh nhiệt, giải độc: Củ móp rửa sạch, xắt mỏng, phơi khô rồi đem sao thủ thổ, dùng một nhúm nấu nước sôi, uống như nước trà.

Những bài thuốc này chỉ mang tính chất tham khảo, không nên lạm dụng, trước khi sử dụng cần hỏi ý kiến của các bác sĩ. 

H.A