Cây dại mọc ven đường tưởng không ăn được, nay thành đặc sản có hương vị lạ, nhiều tác dụng với sức khỏe

Google News

Ít ai biết rằng thứ cây dại mọc ven đường, hay bờ mương, bờ ao lại có thể làm thành món ăn vừa ngon vừa có nhiều các dụng tốt đối với sức khỏe. 

Với những ai sinh ra và lớn lên ở các miền quê của Việt Nam chắc chắn không còn xa lạ với cây rau trai. Rau trai còn có tên gọi khác là cây thài lài, chúng mọc ở ven đường, hay những nơi có đất ẩm như bờ ruộng, bờ mương. Đặc biệt sau những trận mưa rào, cây mọc lên tua tủa và phát triển mạnh. 

Cây rau trai cao từ 25-50 cm, có lông mềm, rễ có dạng sợi mọc ở đốt, thân phân nhánh, thường ngả xuống, lá thuôn hay hình ngọn giáo.

Thứ cây này có phổ biến nhưng không phải ai cũng biết rằng chúng có thể ăn được. Theo đó, rau trai được xem như một loại cỏ dại, thường được nhổ vứt đi khi dọn vườn, dọn ruộng hoặc hái về làm thức ăn cho lợn. Chỉ có một vài nơi, rau trai được sử dụng như một loại rau ăn, có thể luộc, xào tỏi, nấu canh tôm, canh cua. 

Cây rau trai vốn mọc dại, là nguyên liệu làm nên món ăn dân dã, lạ miệng với người dân thành phố

Mấy năm gần đây, rau trai bỗng  lên đời thành đặc sản ở thành phố, thậm chí còn xuất hiện trong siêu thị. 1kg rau trai được bán với giá khoảng 70.000 đồng/kg. 

Chị Giang (người bán rau ở chợ Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Rau trai thường phát triển vào mùa mưa. Đây vẫn là cây mọc dại, chưa có ai mang về trồng nên số lượng không có nhiều. Thỉnh thoảng mình mới gom được của bà con vài bó. Chỉ các bà các mẹ đi chợ sớm mới mua được. 

Rau trai khi bẻ ra sẽ thấy nhớt, nhiều người không nghĩ có thể ăn được nhưng thực chất chúng rất ngon. Vào mùa hè, rau trai nấu canh tôm, canh cua, canh thịt băm vừa thanh mát vừa đổi vị cho bữa cơm của gia đình. Rau trai luộc chấm nước cá kho rất đưa cơm". 

Không chỉ làm thành món ăn dân dã, ngon miệng, rau trai còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, có thể sử dụng dạng cây tươi hoặc cây khô. Theo nghiên cứu, thành phần chất khô chứa trong cây rau trai bao gồm 21,15% cellulose; 12,8% tro; 7,8% protein, 0,9% lipit và 59,75 % dẫn xuất phi protein. Hạt cây chứa dầu béo.

Theo quan niệm của dân gian, rau trai được sử dụng như một bài thuốc chữa một số bệnh 

Trong đông y, rau trai có vị ngọt, tính mát nên rất tốt cho cơ thể. Người ta sử dụng loại cỏ này trong điều trị các bệnh thường gặp như cảm cúm, viêm amidan, đau họng hay kiết lị, phù thũng…

Bên cạnh đó, cây dại này cũng có khả năng giải độc côn trùng và giảm tình trạng sưng, đau do mụn nhọn, mưng mủ.

Trong y học hiện đại, người ta tìm ra rất nhiều hoạt chất quý trong cây rau trai. Có thể kể tới α-glucosidase, hoạt chất này giúp cơ thể chống lại tình trạng tăng đường huyết. Hay acid p-hydroxycinnamic, hoạt chất giúp tăng khả năng kháng khuẩn. 

Các bài thuốc từ rau trai theo quan niệm của dân gian:

Chữa viêm nhiễm đường hô hấp trên

Bạn cần chuẩn bị khoảng 30g rauu trai, 30g lá bồ công anh, 30g lá dâu tằm, dùng sắc nước và cho trẻ dùng uống hằng ngày sẽ nhanh chóng cải thiện các triệu chứng viêm nhiễm đường hô hấp.

Chữa viêm họng, viêm amiđan cấp

Lấy khoảng 30g rau trai tươi sắc uống, ngày 1-2 lần, uống 3-4 ngày; có thể dùng 90-120g giã nát chắt nước uống hằng ngày (cho thêm một chút muối).

Cũng có thể sử dụng cỏ rau trai khô để sắc lấy nước uống, sử dụng như nước lọc hằng ngày. Nước có tính mát, kháng khuẩn, không những điều trị viêm amidan hiệu quả mà còn có tác dụng thanh nhiệt rất tốt.

Chữa viêm cầu thận cấp, phù thũng, đái ít

Chuẩn bị khoảng chừng 30 g rau trai, 30g cỏ xước, bông mã đề 30 g. Dùng tất cả các nguyên liệu này mang đi sắc lấy nước và để uống hằng ngày. Dùng thường xuyên bạn sẽ thấy bệnh tình cải thiện đáng kể.

Hỗ trợ điều trị bệnh tăng huyết áp

Chuẩn bị khoảng 90g rau trai tươi kết hợp với hoa của cây đậu tằm đem đi rửa rồi sắc lên lấy nước uống, dùng trong 10-15 ngày bệnh sẽ có chuyển biến tốt.

Khi sử dụng rau trai cần chú ý, vì cây này có tính hàn vì thế người lạnh bụng, tỳ vị hư hàn không nên dùng hoặc chỉ dùng một lượng nhỏ. Hơn nữa, những bài thuốc từ rau trai chỉ là theo quan niệm của dân gian, chưa được chứng minh về tính hiệu quả, vì thế người dân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

PHÚ NGUYỄN