Chuyện về "đại gia" Việt đầu tiên sở hữu máy bay riêng: Tiêu sạch 5 tấn vàng của cha mẹ, cuối đời ra đi trong cô đơn

Google News

Được thừa hưởng khối tài sản khổng lồ từ người cha giàu nhất Nam kỳ, Công tử Bạc Liêu có lối sống ăn chơi không ai theo kịp.

Ai nấy thuộc thế hệ 7X, 8X hẳn sẽ không còn xa lạ với câu ca: “Nghe danh công tử Bạc Liêu/ Lấy tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu". Không chỉ là trong lời hát, giai thoại về chàng công tử tiêu tiền như nước ấy thực chất là có thật ở ngoài đời mà cho đến tận bây giờ khi nhắc lại, người đời vẫn không khỏi xuýt xoa.

Dãy nhà của công tử Bạc Liêu hiện nay vẫn là địa điểm tham quan được nhiều người ghé đến.

Cậu ấm nhà đại phú hào giàu bậc nhất Nam Kỳ

Công tử Bạc Liêu tên thật là Trần Trinh Huy (1900-1974), hay còn được nhắc tên với nhiều cái tên khác nhau như Hắc công tử, Ba Huy, là con thứ ba của ông Trần Trinh Trạch. Ông hội đồng Trạch người gốc Hoa, học hành tử tế, được Pháp tuyển dụng vào làm việc ở Toà bố. Ông được ông “vua lúa gạo Nam Kỳ" Bá Hộ Bì (Phan Hộ Biết) gả cho con gái thứ tư là bà Phan Thị Muồi. 

Ảnh chụp còn lưu lại của Công tử Bạc Liêu (phải) và phu nhân Ngô Thị Đen (trái).

Do chăm chỉ làm ăn và giỏi tính toán nên dần dần tài sản của ông Bá Hộ Bì được giao cho ông Trạch quản lý. Có lời đồn rằng, ông Trạch mau giàu lớn nhờ tài đánh bạc, thường tổ chức bài bạc trong nhà, cho con bạc vay tiền rồi về sau làm chủ luôn tài sản của các con bạc thiếu nợ. Từ ruộng đất, ông mở mang sang lĩnh vực làm muối và trở thành nhà cung cấp chi phối muối cho cả Nam Kỳ, nhờ đó ông đã phất lên nhanh, được xếp vào hàng “đại phú” bậc nhất miền Nam. Người đời sau này vẫn thường truyền tai nhau rằng “nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Trạch”.

Tại Nam Kỳ thập niên 1930, giới điền chủ lớn chiếm hơn 1 triệu ha ruộng đất thì riêng Hội đồng Trạch đã chiếm 145 nghìn ha. Ông Trạch là chủ sở hữu của 74 sở điền, với 110 nghìn ha đất trồng lúa, gần 100 nghìn ha ruộng muối. Tương truyền, bấy giờ toàn tỉnh Bạc Liêu (gồm bốn quận Vĩnh Lợi, Cà Mau, Vĩnh Châu, Giá Rai) có 13 lô ruộng muối thì 11 lô là tài sản ông Trạch, một lô còn lại của cha sở và một lô của dân thường.

Ông hội đồng Trạch (bên phải) là đại phú hào bậc nhất Nam Kỳ lúc bấy giờ.

Vợ chồng Hội đồng Trạch sống rất chuẩn mực, cần kiệm. Trái với bố mẹ, 3 con trai trong số 7 người con của ông Trạch sẵn gia sản kếch sù của cha, đều mặc sức phung phá tiền của. Vì không muốn số tài sản có được một ngày nào đó sẽ tiêu tan, ông đưa cậu con trai thứ ba là cậu Ba Huy sang Pháp du học với hy vọng khi trở về sẽ quản lý tốt gia sản mình để lại. Năm 26 tuổi, Công tử Bạc Liêu kết thúc chuyến du học và về nước. Ngày công tử vinh quy bái tổ, ông không cầm trên tay một cái bằng giáo dục nào cả, mà chỉ sở hữu bằng lái xe hơi, giấy chứng nhận lái máy bay và kỹ năng nhảy đầm.

Sau khi cha ông qua đời, gia tài gần như đều để cho ông sử dụng. Kế thừa sản nghiệp của gia tộc, Cậu Ba Huy giàu đến mức người ta đồn rằng: "Vua Bảo Đại có thứ gì thì công tử Bạc Liêu có cái đó, nhưng Công tử Bạc Liêu có thứ gì chưa chắc gì Vua Bảo Đại đã có". Thậm chí, ông còn thuê một người Pháp quản lý gia sản cho mình với hoa hồng hấp dẫn là 10% lợi nhuận hàng năm để bản thân có thời gian ăn chơi.

Những cuộc tỉ thí “sặc mùi tiền" của Hắc công tử

Không kém cạnh gì cậu Ba Huy, thuở ấy còn có Bạch công tử (George Lê Công Phước) cũng thể hiện độ ăn chơi nổi tiếng trên đất miền Tây. 

Trong các cuộc tỉ thí ăn chơi vô độ của 2 đại công tử nổi tiếng nhất Nam kỳ thuở ấy, có lẽ nổi tiếng hơn cả là việc họ thi nhau đốt tiền để chứng tỏ đẳng cấp, sự giàu có, bản lĩnh của mình. 

Hai ông cùng đem lòng si mê cô đào hát Phùng Há - đào hát chính của gánh hát Huỳnh Kỳ do Bạch công tử mới thành lập về hát ở Bạc Liêu. Có lần Bạch công tử đã mời Hắc công tử đến xem tuồng hát để khoe việc mình tậu được đoàn hát nổi tiếng này.

Bạch công tử (trái) và Hắc công tử cùng tỉ thí độ giàu có để lấy lòng cô đào Phùng Há (phải).

Khi cô nghệ sĩ vô tình đánh rơi bông tai, Bạch công tử dùng tờ tiền 5 đồng tìm bông tai nhưng không tìm thấy; riêng Hắc công tử không muốn thua bất kỳ ai, ông chơi trội, đốt tờ tiền 100 đồng - mệnh giá cao nhất của Đông Dương ngày ấy, tương đương 10 cây vàng. Ông may mắn tìm được chiếc bông tai cho người đẹp, nhưng thật ra chiếc bông tai đó chỉ là chiếc bông tai giả. 

Mặc dù đốt rất nhiều tiền nhưng ông không chinh phục được trái tim của người đẹp, cô nghệ sĩ sau này làm vợ chính thức của Bạch công tử.

Sở hữu máy bay riêng để đi thăm ruộng

Lúc ấy, Việt Nam cả thảy chỉ có 2 chiếc máy bay, một cái thuộc sở hữu của cậu Ba Huy, cái còn lại của vua Bảo Đại. Tuy nhiên, tiền sắm máy bay của vua Bảo Đại lấy từ tiền ngân khố, nên tính ra người Việt đầu tiên sở hữu máy bay tư nhân đúng nghĩa, chính là Công tử Bạc Liêu Ba Huy. Theo một số nguồn thông tin, chiếc máy bay có giá trị hợp đồng lên đến vài chục triệu đồng Đông Dương, tương đương hơn 100 kg vàng. 

Công tử Bạc Liêu là người Việt đầu tiên sở hữu máy bay riêng.

Công tử Bạc Liêu cũng từng gây chấn động dư luận lúc đó khi đi thăm ruộng bằng máy bay ở miền Tây Nam Bộ, giành lái với phi công người Pháp mà không để ý nhiên liệu sắp hết, phải đáp khẩn cấp xuống đất Xiêm (Thái Lan). Nào ngờ bị giữ lại và bị phạt nặng, buộc cha là ông hội đồng Trạch phải đem 200 ngàn giạ lúa (tương đương 10kg vàng) qua chuộc. 

Tiêu hết 5 tấn vàng của cha mẹ để lại

Công tử Bạc Liêu có 2 chiếc xe là Ford Vedette dùng để thăm ruộng và chiếc Peugeot dùng để đi chơi. Cuộc sống của ông là những ngày tháng đắm mình trong những bữa tiệc thịnh soạn cùng những người quyền quý. Cậu Ba Huy ăn chơi khét tiếng đến nỗi danh xưng Công tử Bạc Liêu gần như gán cho riêng ông. Dù rất giàu có nhưng do mải ăn chơi, cờ bạc và không chú tâm làm ăn, sau khi cha qua đời, gia sản của ông cứ hao hụt dần.

Tiền bạc của cậu Ba Huy đổ dồn cho những cuộc ăn chơi và mua sắm xế hộp.

Cậu Ba Huy thường mặc những bộ suit đắt tiền đi chơi. Mỗi lần lên Sài Gòn, cậu ngồi chiếc xe hơi mới cứng, có tài xế riêng. Thay vì ở biệt thự của gia đình, cậu Ba Huy thường chọn ở những khách sạn nổi tiếng bậc nhất ở Sài Gòn lúc bấy giờ làm nơi qua đêm.

Sống cả đời phung phí mà không làm ăn gì rồi cũng đến lúc cạn kiệt. Những năm của thập niên 1960, cải cách điền địa diễn ra khiến ruộng đất của gia đình mất đi không ít. Hoa lợi nghèo nàn, không thức thời chuyển hướng làm ăn, lại quen tiêu hoang nên chẳng mấy chốc cậu Ba Huy rơi vào cảnh khánh kiệt. Đời con ông bỗng chốc phải sống nghèo khó, thậm chí phải trôi dạt tứ phương, làm đủ thứ nghề để mưu sinh.

Sau nhiều năm ăn chơi, năm 1973 sức khỏe của công tử Bạc Liêu ngày càng yếu đi. Những ngày cuối đời ông sống trong sự cô đơn buồn thảm. 4-5 dòng con, hàng tá bà vợ, hàng trăm nhân tình nhưng ông ra đi trong trống vắng đến rợn người… Nhiều người khi nhắc về dòng họ Trần Trinh vẫn thường lắc đầu rằng “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời". 

H.A