Rằm tháng Giêng là ngày trăng tròn đầu tiên của một năm, theo nghĩa Hán Việt “nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng Mười). Đây là dịp lễ quan trọng nên ông bà ta quan niệm: "Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng" hay "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng".
Tương truyền, vào chính thời điểm trăng mọc này, Đức Phật giáng lâm, gia ân độ trì chúng sinh, thành tâm cầu khấn ắt sở cầu như nguyện, may mắn và bình an suốt năm.
Vào ngày này, mọi người nên làm việc thiện, cúng dường tam bảo, cúng dường tổ tiên, gia tiên nhà mình, cúng dường các vị thần linh nhà mình để mong được phù hộ độ trì.
Rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng trong năm nên các gia đình chuẩn bị mâm cúng chu đáo, thành tâm
Năm Giáp Thìn, rằm tháng Giêng rơi vào thứ 7, ngày 24/2/2024 dương lịch. Theo lẽ thường, cúng vào chính rằm là tốt nhất nhưng vì bận công việc, một số người tiến hành cúng khấn vào ngày 14 âm lịch (tức ngày 23/2/2024).
Tuy nhiên, theo lịch vạn niên năm 2024 ngày 14/1 âm lịch rơi vào ngày Sát chủ, khá xấu. Theo quan niệm dân gian, ngày này thuộc Bách kỵ, trăm sự đều kỵ, không nên làm các việc trọng đại, bất kể đối với tuổi nào.
Ngày chính rằm 15/1 âm lịch có 3 khung giờ đẹp để lên hương:
Giờ Mão (5h-7h) - Giờ Ngọc Đường: Giờ này thuộc sao Thiếu Vi và sao Thiên Khái chiếu sáng. Rất tốt cho khởi sự mới, tiến hành các nghi lễ cầu cúng linh thiêng, sau này làm việc gì cũng được quý nhân tương trợ, nâng đỡ, thành công đến bất ngờ ngoài mong đợi.
Giờ Ngọ (11h-13h) - Giờ Tư Mệnh: Giờ này thuộc sao Nguyệt Tiên và sao Phượng Liễn chiếu. Tiến hành cúng Rằm tháng Giêng vào khung giờ này được cho là Đại cát, bởi là thời điểm Phật giáng thế, nghiệm chứng lòng thành cho gia chủ, giúp công việc làm ăn phát triển như diều gặp gió, dù khó khăn đến mấy vẫn vượt qua. Tiền của vật chất đong đầy, cuộc sống sung túc, bình an và hạnh phúc viên mãn.
Giờ Thân (15h-17h) - Giờ Thanh Long: Giờ này thuộc khung giờ của sao Thiên Ất chiếu, rất tốt cho khởi sự. Tiến hành cúng rằm tháng Giêng vào giờ này thì mưu sự thuận lợi, nhất là việc kết hôn, thành gia lập thất lại càng viên mãn.
Văn khấn rằm tháng Giêng
Bài cúng rằm tháng Giêng tại gia theo văn khấn cổ truyền
Nam mô A-di-đà Phật! (3 lần, 3 lạy)
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là: .................
Ngụ tại:............................................
Hôm nay là ngày rằm (hoặc 14 âm lịch) tháng Giêng năm Giáp Thìn, gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài Thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ........... nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời ông bà Tiền chủ, Hậu chủ tại về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tôn lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.
Nam mô A-di-đà Phật! (3 lần, 3 lạy)
Văn khấn rằm tháng Giêng tại chùa
Dốc lòng kính lễ Phật Pháp Tăng thường ở khắp mười phương. (3 lần, mỗi lần 1 lạy, cầm 3 nén hương quỳ đọc tiếp)
Nguyện mây hương lành này,
Biến khắp mười phương giới,
Trong có vô biên Phật,
Vô lượng hương trang nghiêm,
Viên mãn đạo Bồ Tát,
Thành tựu hương Như Lai. (1 lạy, và cắm hương vào bát hương)
Dâng hương cúng dàng rồi, dốc lòng kính lễ Phật Pháp Tăng thường ở khắp mười phương. (1 lạy)
(Thành kính chấp tay thành búp sen đọc bài ca tụng công đức của Đức Phật)
Phật thân rực rỡ tựa kim san
Thanh tịnh không gì thể sánh ngang
Vô Thượng Chí Tôn công đức mãn
Cúi đầu con lạy Phật Sơn Vương.
Phật đức bao la như đại dương
Bảo châu tàng chứa đủ bên trong
Trí tuệ vô biên vô lượng đức
Đại định uy linh giác vẹn toàn.
Phật tại Chân Như pháp giới tàng
Không sắc không hình chẳng bụi mang
Chúng sinh bái vọng muôn hình Phật
Bỗng thấy tai nàn tận hóa tan.
Án phạ nhật ra hồng. (3 lần)
Chí tâm đỉnh lễ Nam mô Tận hư không biến pháp giới quá hiện vị lai thập phương chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam Bảo. (1 lạy)
Chí tâm đỉnh lễ Nam mô Sa Bà Giáo Chủ Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát, Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát (1 lạy)
Chí tâm đỉnh lễ Nam mô Tây phương Cực Lạc thế giới Đại từ Đại bi A Di Đà Phật, Đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. ( 1 lạy)
Con nay đều vì bốn ân, ba cõi pháp giới chúng sinh, nguyện xin ba chướng tiêu trừ, dốc lòng sám hối. (1 lạy)
(Quỳ đọc) Chí tâm sám hối:
Xưa kia gây nên bao ác nghiệp
Đều vì ba độc: tham, sân, si
Bởi thân, miệng, ý phát sinh ra
Hết thảy con nay xin sám hối.
Như vậy tất thảy bao nghiệp chướng
Ắt hẳn tiêu diệt không tàn dư
Niệm niệm âm vang tận pháp giới
Độ khắp chúng sinh nhập Bất Thoái. (1 lạy)
Sám hối phát nguyện rồi, chúng con kính lễ Đức Phật Thích Ca, Phật A Di Đà và chư Phật ở khắp mười phương. (1 lạy)
* Thông tin trong bài mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.
H.A