Người dân ở ấp Mương Chùa, xã Tây Yên A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang không ai là không biết tới cụ ông Nguyễn Văn Lẹ - một lão nông có đam mê tái chế rác thải nhựa. Với tình yêu môi trường, óc sáng tạo và sự khéo léo, ông Lẹ đã tạo một vòng đời mới cho rác, biến chúng thành những món đồ có thể sử dụng hàng ngày. Các sản phẩm của ông cũng đem lại nguồn thu kha khá cho gia đình, đồng thời lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường tới mọi người xung quanh.
Đôi bàn tay khéo léo biến rác nhựa thành vật dụng hữu ích
Ông Lẹ năm nay đã 81 tuổi, được thiên phú sức khỏe dẻo dai và sự minh mẫn. Ông vốn là một người nông dân chân chính, mưu sinh bằng nghề đan tre gia truyền. Khi con cái đều đã trưởng thành, vợ chồng ông cũng ổn định cuộc sống bằng việc cho thuê mặt bằng nuôi tôm ở sau nhà.
Cụ ông 81 tuổi hăng say làm đồ tái chế
Tuổi già nhàn rỗi, ông Lẹ ngày ngày trồng trọt chăn nuôi rồi dần dần bén duyên với việc tái chế dây nhựa buộc gạch. Đó là vào khoảng đầu năm 2020, ông Lẹ được biết các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng bỏ dây buộc gạch rất nhiều, nên ông đã nảy ra ý tưởng thu gom về đan thúng, sọt đựng đồ dùng hàng ngày.
Với kinh nghiệm sẵn có từ nghề đan tre, trúc gia truyền, ông Lẹ bắt tay ngay vào việc tái chế rác thải nhựa thành vật dụng hữu ích. Hàng ngày, cứ tầm 4-5 giờ sáng, ông đạp xe đến các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, công trình để nhặt những sợi dây nhựa buộc gạch đủ màu sắc về rửa sạch, mang đi phơi nắng.
Tầm 2 giờ đồng hồ sau khi phơi, những sợi dây nhựa đã được ông Lẹ tái chế, đan thành giỏ xách, rổ đựng cá, giỏ đựng tôm, sọt đựng trái cây, thúng, chậu hoa kiểng,… Vì tuổi đã cao nên thường trong khoảng từ 2-3 ngày thì ông Lẹ sẽ hoàn thành được 1-2 sản phẩm.
Các thành phẩm từ đôi bàn tay khéo léo
“Sợi dây nhựa này sau khi làm hết nhiệm vụ của nó sẽ trở nên vô ích, không ai thu gom và thường bị vứt bừa bãi ngoài môi trường. Thấy lãng phí và gây ô nhiễm, lại sẵn có nghề đan tre thời còn trẻ nên tôi đã bắt đầu lên kế hoạch thu gom và tái chế.
Chúng có độ cứng, chắc chắn, thích hợp dùng làm nguyên liệu thay thế tre, trúc để đan thành sản phẩm thủ công, độ bền lại không thua kém chất liệu tre, trúc, hạn chế việc thải chất thải nhựa ra môi trường”, ông Lẹ cho biết.
Trở thành tấm gương về ý thức sống xanh, bảo vệ môi trường
Việc tái tạo vòng đời cho những chiếc dây nhựa, góp phần bảo vệ môi trường của ông Lẹ đã được nhiều người biết đến, nên các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện An Biên hay người thân, bạn bè còn gom nhặt dây nhựa về cho ông Lẹ đan thành sản phẩm hữu dụng.
Tay nghề của ông Lẹ khiến nhiều người nể phục
Không chỉ thỏa mãn niềm đam mê tái chế, thành phẩm của cụ ông 81 tuổi còn được một số quán cà phê, nhà hàng đặt hàng làm đồ trang trí hay các thương lái mua làn, giỏ để vận chuyển hàng. Nhiều người khen các sản phẩm giỏ xách, rổ đựng cá, thúng do ông Lẹ làm ra có độ bền cao, chắc chắn, đẹp không thua kém sản phẩm bán trên thị trường.
“Dù đơn hàng nhiều, tôi phải mất thêm nhiều thời gian đi thu gom, đó là chưa kể dây mang về màu sắc, độ dài ngắn khác nhau, không theo ý muốn nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mua dây mới về đan. Bởi tôi nghĩ, việc tận dụng này là để góp phần bảo vệ môi trường, chứ mua dây mới về đan thì chẳng khác nào làm môi trường thêm trầm trọng”, ông Lẹ chia sẻ thêm.
Được biết, sản phẩm tái chế từ dây nhựa buộc gạch của ông Lẹ có giá từ 35.000 - 250.000 đồng tùy loại. Đây cũng không phải là nguồn thu nhập chính của vợ chồng ông, mà đối với ông đây là niềm vui, công việc hữu ích của tuổi già.
Những sản phẩm rất hữu ích và đẹp mắt
Ngoài việc tái chế dây nhựa thành những sản phẩm để bán, ông Lẹ còn sáng tạo đan thành thùng rác để gửi tặng các điểm trường, cơ quan nhà nước trên địa bàn xã, huyện với mong muốn lan tỏa ý thức gìn giữ bảo vệ môi trường đến mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.
“Mặc dù thu nhập từ đan dây buộc gạch không nhiều, nhưng tôi muốn chính mình trở thành tấm gương để giáo dục con cháu có ý thức sống xanh, giảm rác thải và bảo vệ môi trường sống của chúng ta”, ông Lẹ bộc bạch.
Vậy là thấm thoát đã 4 năm ông Lẹ tự mày mò tái chế dây nhựa. Đến nay, việc làm ý nghĩa của ông đã tạo sức ảnh hưởng tích cực ra cộng đồng. Nhờ vậy, mọi người xung quanh đã ý thức cao hơn trong công đoạn phân loại rác tại nguồn, bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ để giữ gìn môi trường sống.
THẢO ANH