"Hiếm muộn 3 năm nay vợ chồng tôi mới có em bé nên được 2 bên gia đình rất quan tâm. Điều này khiến tôi thấy thoải mái và hạnh phúc. Hiện tôi vừa qua giai đoạn ốm nghén và đang bầu tháng thứ 4 nên rất mạnh khỏe.
Trộm vía mỗi lần đi khám thai kỳ định kỳ, bác sĩ cũng cho biết thai nhi phát triển rất tốt. Mặc dù thế, tôi vẫn luôn cố gắng ăn uống hàng ngày, cẩn thận đi lại để 2 mẹ con luôn khỏe mạnh, an toàn.
Vì tháng này là tháng 7 âm lịch, tháng Vu Lan nên mấy hôm trước tôi cũng có nói với chồng muốn đi chùa để cầu siêu cho gia tiên trong nhà. Hơn nữa tôi cũng dự định vào gần ngày rằm tháng 7 sẽ tự tay làm mâm cúng chay để cúng gia tiên theo phong tục bao đời nay của gia đình.
Vừa qua giai đoạn ốm nghén thì Tết Vu Lan đến nên tôi muốn đi chùa nhưng chồng nhất định không đồng ý. (Ảnh minh họa)
Cứ tưởng chồng sẽ gật đầu đồng ý với những dự định này của vợ, nào ngờ anh một mực phản đối. Gay gắt hơn anh còn cấm vợ đi chùa hay cúng rằm tháng 7 tại nhà.
Thấy lạ hỏi lý do thì chồng bảo, nếu tôi không mang bầu anh chẳng bao giờ cấm vợ làm việc đó. Tuy nhiên giờ tôi đang bầu bí nên anh không cho làm.
Anh nói mẹ bầu như tôi nên phải hạn chế đi chùa, nhất là trong tháng 7 âm lịch càng không được đi. Bởi tại các chùa thường vào tháng này thường tập trung đông người, nhiều nhang khói sẽ được thắp lên nên sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của vợ bầu.
Cả việc cúng rằm tháng 7 tại nhà chồng tôi cũng không cho làm. Anh nói lễ cúng này mẹ bầu không nên tiến hành do phụ nữ bầu bí thường yếu hơn so với khi bình thường, nhà lại cao tầng nên việc chuẩn bị lích kích, phải leo trèo cầu thang nên cũng không tốt, dễ bị trượt chân.
Nghe chồng nói mà tôi thấy anh đang lo ngại quá đà. Không biết tôi có nên nghe theo lời chồng không? Thực hư những kiêng kỵ trên mà chồng nói liệu có đúng với những mẹ bầu như tôi?".
(Hải Vy, 29 tuổi Hà Nội)
Bác sĩ giải đáp:
Bác sĩ CKI Nguyễn Trọng Hùng, tốt nghiệp chuyên ngành sản phụ khoa Đại học Y Hà Nội và là chuyên gia trong lĩnh vực sản phụ khoa cho rằng, đầu tiên chúc mừng bạn có 1 người chồng biết lo nghĩ cho vợ. Thực tế, những gì chồng bạn lo ngại không phải không có lí, tất nhiên không phải vì lí do tâm linh.
Khi mang thai, mẹ bầu nên tránh những điều sau:
- Không nên đến nơi tập trung quá đông người vì có nguy cơ tai nạn, bị ngã do mật độ người đông. Thêm nữa, khi mang thai, cơ thể sức đề kháng nhiều người giảm, đến nơi đông người dễ lây những bệnh truyền nhiễm qua đường không khí như cúm, covid hay đau mắt đỏ…
Khi mang thai, mẹ bầu nên hạn chế đến chùa vì tập trung đông người. (Ảnh minh họa)
- Chùa chiền là nơi thường thắp hương nhiều. Mẹ bầu hít phải khói hương nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là nhiều cơ sở sản xuất hương hiện nay vẫn sử dụng photpho, khi cháy hương có thể gây độc.
Bác sĩ Hùng cũng khuyên các chị em, có nhiều cách để nhớ đến công ơn tổ tiên, không nhất thiết là phải đến chùa chiền hay làm các khóa lễ cúng, ngược lại đầu tiên vẫn là sự biết ơn, tưởng nhớ trong tâm của chính mình. Hơn nữa, trong thời gian bầu, tâm lý người mẹ nhất định phải thoải mái nên phải nghĩ thoáng, tránh vì việc này mà tạo xích mích với chồng không đáng có, gây nên lo nghĩ không cần thiết. Chúc bạn có 1 thai kỳ an toàn và khỏe mạnh!
THẢO NGUYÊN