Ông Trần Hùng Bảo (SN 1960) nổi tiếng khắp TP. Cần Thơ nhờ nét vẽ tỉ mỉ, sắc sảo trên những tà áo dài truyền thống. Là một hoạ sĩ tài ba, gần nửa cuộc đời của ông Hùng Bảo gắn liền với hoạ cụ. Tuy nhiên, đối với một người bình thường việc vẽ tranh đòi hỏi rất nhiều yếu tố từ tài năng nghệ thuật, sự kiên trì, nỗ lực học hỏi mà không phải ai cũng thực hiện được.
Đối với ông Hùng Bảo, việc trở thành hoạ sĩ tưởng chừng là điều không thể vì ông đã bị mất 3/4 chi trên cơ thể từ thuở nhỏ. Năm 12 tuổi, do tiếp xúc với dòng điện cao thế, ông Hùng Bảo gặp nạn, được gia đình đưa đến bệnh viện kịp thời, may mắn giữ được mạng sống nhưng cơ thể đầy vết bỏng.
Tỉnh lại sau biến cố, ông điếng người nhận ra bản thân phải mất 1 bên tay do vết thương quá nặng. Không chỉ thế, 1 cánh tay còn lại cùng 1 phần chân bị ảnh hưởng, bệnh viện đề xuất dưỡng thương, cố gắng tìm cách để phục hồi. Cuối cùng, do vết thương bị hoại tử, không còn khả năng cứu chữa nên ông đành phải chấp nhận bị mất 1 phần chân và đôi tay còn lại.
Mất cả hai tay nhưng người đàn ông ở miền Tây chưa từng bỏ cuộc, luôn phấn đấu để vươn lên.
Hồi tưởng lại khoảng thời gian được xem là "đen tối" nhất cuộc đời, người hoạ sĩ tài ba vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động. Ông mất khá nhiều thời gian để làm quen với những bất tiện của bản thân, năm 16 tuổi, ông quyết định trở lại trường học, nuôi hy vọng tìm được nghề nghiệp phù hợp với khả năng của bản thân.
Ấp ủ ước mơ trở thành gia sư tiếng Anh nhưng điều kiện sức khoẻ không cho phép nên ông theo học lớp dạy vẽ truyền thần. Ban đầu, ông chỉ nhìn và học hỏi từ thầy giáo, sau đó về nhà mò mẫn để nắm bắt bố cục, luyện tập cách cầm cọ. Nhờ năng khiếu hội hoạ, chỉ sau 1 tháng, ông đã thuần thục cách vẽ tranh truyền thần, nhận khắc hoạ ảnh thờ tổ tiên, ông bà và tạo ra nguồn thu nhập khá ổn định.
Tuy nhiên, loại tranh truyền thần dần kén khách hàng nên ông chuyển sang vẽ tranh trên áo dài, tìm con đường mới để "thoát nghèo". Từ đó, cuộc sống của ông và cả gia đình bước sang trang mới.
Để thực hiện những tác phẩm nghệ thuật, khách hàng của ông Hùng Bảo chỉ cần gửi hình ảnh mong muốn qua hộp thư điện tử. Sau đó, người đàn ông có tài hoa điêu luyện bắt đầu công cuộc phác thảo, canh chỉnh kích thước và hoạ những nét vẽ.
Mỗi khi ngồi vẽ, ông để chân phải bị cắt gần một nửa lên góc bàn, tạo điểm tựa cho đôi tay hoạt động. Tay trái ông bị cụt tới khớp vai, bàn tay giả bên phải với 2 ngón bằng inox được nối liền với một sợ dây điều khiển đảm đương nhiệm vụ cầm nắm mọi vật. Từ đó, ông dùng tay phải để sử dụng cọ một cách điêu luyện, thoăn thoắt vẽ từng nét, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Ông có thể điều khiển cọ nhấn nhá tạo nên nét vẽ đậm nhạt, sáng tối làm bức tranh trên vẽ trên vải vừa đẹp, vừa có chiều sâu.
“Thách thức nhất đối với công việc này là vẽ trên bề mặt nhấp nhô, do vải có nhiều loại khác nhau nên khi đặt cọ lên vẽ, tô màu sẽ không được đều. Tuy nhiên, với kinh nghiệm hoạt động lâu năm nên tôi có cách để khắc phục. Trong quá trình vẽ, tôi sử dụng màu acrylic chuyên dụng để vẽ trên chất liệu vải. Vì thế, những tác phẩm sẽ không bị ảnh hưởng trong quá trình giặt ủi. Do tuổi tác cũng đã cao nên tôi mất 2-3 ngày cho 1 sản phẩm” - ông Hùng Bảo chia sẻ.
Ngoài vẽ trên áo dài, ông Hùng Bảo còn có thể vẽ trên nhiều chất liệu khác như jeans, tre, nứa, thuỷ tinh… Mỗi tác phẩm nghệ thuật tuỳ theo độ công phụ, chi tiết của hình ảnh mà mức giá thành sẽ có sự thay đổi, trung bình khoảng 900.000 đồng/tác phẩm.
Vợ ông Hùng Bảo cho biết nhờ sự tài hoa của chồng, đã giúp gia đình vượt qua tình cảnh khó khăn: “Ông nhà tôi vẽ trên áo nhiều năm nay, nhờ vậy mà gồng gánh chăm lo cho cả gia đình. Tôi chỉ ở phía sau, bán buôn thêm ít món đồ để có thêm nguồn thu nhập, từ đó đủ kinh phí nuôi các con ăn học”.
Dù bản thân khiếm khuyết nhưng với nghị lực sống phi thường, ông Hùng Bảo không khuất phục trước số phận. Ông vẫn luôn mày mò, luyện tập nhiều cách vẽ khác nhau để phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Câu chuyện của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ, đặc biệt đối với những trường hợp không may mắn có một cơ thể lành lặn.
Nguồn: Độc lạ Bình Dương
TẤN PHƯỚC