Khám phá lĩnh vực không cần bằng đại học nhưng ra trường thu nhập tiền tỷ, sáng ăn phở Hà Nội, tối dạo phố Sài Gòn

Google News

Đây là lĩnh vực mơ ước của nhiều thế hệ học sinh với mức thu nhập cao chót vót lên đến tiền tỷ mỗi năm. Hiện nay, ngành học đang phát triển nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu lớn về nhân lực trong ngành hàng không.

Không cần bằng đại học nhưng phải đảm bảo loạt yêu cầu khắt khe

Trong những năm gần đây, các ngành thuộc lĩnh vực hàng không thu hút sự quan tâm từ học sinh và phụ huynh. Vì cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực này ngày càng rộng mở với nhu cầu tuyển dụng tăng cao đến từ các doanh nghiệp, công ty hàng không trong và ngoài nước. Trong đó, phi công là công việc được nhiều người yêu thích bởi có thể "bay lượn" trên bầu trời, vừa có thu nhập ổn định vừa được đặt chân đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Phi công là người làm việc trong ngành hàng không, có nhiệm vụ vận hành máy bay để vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa các tỉnh thành, quốc gia. Đây là một nghề nghiệp có yêu cầu cao, phi công phải được đào tạo, vượt qua các kỳ thi, kiểm tra kỹ lưỡng về thể lực, kiến thức và kỹ năng điều khiển máy bay.

Hiện nay ở Việt Nam, phi công được chia làm 2 loại là phi công dân sự, phi công quân sự. Phi công dân sự là người lái máy bay làm việc tại các hãng hàng không, chịu trách nhiệm vận chuyển hành khách và hàng hoá. Còn đối với phi công quân sự sẽ trở thành người phục vụ trong lực lượng quốc phòng.

Để trở thành phi công lái máy bay dân dụng, các học viên sẽ phải trải qua khâu tuyển chọn vô cùng khắt khe, nghiêm ngặt về cả thể hình và thể lực, ngoài ra còn yêu cầu trình độ tiếng Anh. 

Ở Việt Nam, để trở thành phi công, bạn không bắt buộc phải có bằng đại học nhưng cần tốt nghiệp THPT và hoàn thành chương trình huấn luyện phi công từ các cơ sở đào tạo uy tín và đạt tiêu chuẩn chuyên môn. Hiện nay, chỉ có vài trường ở Việt Nam đủ điều kiện đào tạo lĩnh vực này:

- Trường Phi công Bay Việt: Để trở thành học viên của trường, ngoài đáp ứng các yêu cầu cơ bản nêu trên, học sinh cần vượt qua 3 vòng thi tuyển khác bao gồm: Vòng 1 là thi tiếng Anh kỹ năng nghe, đọc, vòng 2 sẽ thi trắc nghiệm trên máy tính đánh giá khả năng thích ứng, tố chất, năng khiếu bay và tiềm năng phát triển trong nghề, vòng 3 tiến hành phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Anh.

Học viên phải đáp ứng điều kiện sức khoẻ, độ tuổi từ 18-33 tuổi. Chiều cao đối với nam phải từ 1m65, nặng từ 54kg và với nữ cao từ 1m60, nặng từ 48kg.

Chi phí theo học khóa phi công tại Bay Việt khoảng 1,7 tỷ đồng, bao gồm chi phí học tập và lưu trú, rèn luyện tại nước ngoài.

- Stanford Aviation international Company (SAIC) là trung tâm đào tạo liên kết tại Philippines được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép hoạt động. Khóa học có học phí khoảng 72.000 USD (khoảng 1,8 tỷ đồng) trong vòng 14 tháng.

Sau chương trình phi công cơ bản, học viên sẽ phải tham gia huấn luyện chuyển loại để thành cơ phí trong khoảng 1 năm, cần tích luỹ thêm hàng nghìn giờ bay và 5 năm tích lũy kinh nghiệm mới có thể trở thành cơ trưởng. Do đó, đào tạo được một phi công thực thụ thường sẽ phải mất từ 6 đến 9 năm.

Các phi công tương lai luôn được rèn luyện rất kỹ, đồng thời luôn phải tuân thủ những quy tắc khắc nghiệt về sức khỏe, trình độ. Đến khi đã trở thành phi công chính thức, để giữ được bằng lái, mỗi năm các phi công phải trải qua từ 1 đến 2 đợt khám sức khỏe và 6 kỳ thi chuyên môn.

Công việc cực căng thẳng, thu nhập tiền tỷ không khó

Phi công hiện đang là một trong những những ngành nghề hot nhất tại Việt Nam và thế giới. Được biết, thu nhập của một phi công luôn thuộc dạng khủng. Mức lương cho phi công có thể dao động từ khoảng 80-120 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào kinh nghiệm, chức vụ (cơ phó, cơ trưởng), các dòng tàu bay và số giờ bay. Ngoài mức lương cơ bản, phi công còn được hưởng các khoản phụ cấp khác như phụ cấp bay đêm, phụ cấp bay xa và các chế độ đãi ngộ khác theo quy định của từng hãng hàng không. 

Cơ trưởng thường có mức lương cao hơn cơ phó và với những phi công dày dặn kinh nghiệm hoặc bay các tuyến quốc tế, mức lương có thể đạt ngưỡng cao hơn. 

Anh Trung Minh (SN 1981, sinh sống tại TP.Hà Nội), cơ trưởng của một hãng hàng không kiêm giáo viên huấn luyện bay chia sẻ về nghề nghiệp làm chủ bầu trời của mình: “Ăn sáng ở Hà Nội, ăn tối ở Tokyo hay thành phố khác đối với tôi là chuyện bình thường. Đặc quyền được đến và trải nghiệm nhiều nước trên thế giới là một trong những nguyên nhân khiến phi công trở thành một nghề đáng mơ ước. Ngoài ra, vị trí và môi trường làm việc chuyên nghiệp, thu nhập cao cũng là điều hấp dẫn các bạn trẻ muốn theo đuổi nghề này”. 

Tuy lĩnh vực này vừa có thu nhập khủng, được di chuyển khắp nơi nhưng buộc các phi công phải đánh đổi rất nhiều và đặc biệt là đối diện với áp lực phải đảm bảo tính mạng cho hành khách lẫn phi hành đoàn. Họ phải xử lý tình huống nhanh chóng khi xảy ra sự cố, bay trong vùng có thời tiết bất thường, phi cơ hỏng và nhiều áp lực khác trong quá trình bay.

Phi công lái máy bay thương mại là một trong những nghề căng thẳng và được liệt kê vào top lĩnh vực nguy hiểm nhất thế giới. Họ phải làm việc trong thời gian dài và việc tập trung cao độ cho quá trình cất cánh, hạ cánh khiến nhiều phi công cảm thấy mệt mỏi. 

Ngoài ra, vấn đề thay đổi múi giờ đột ngột đối với những chuyến bay quốc tế khiến sức khoẻ của phi công nói riêng và những người hoạt động trong lĩnh vực hàng không nói chung sẽ bị ảnh hưởng. Thậm chí, do công việc bận rộn nhiều người không có thời gian dành cho gia đình.

Vì thế, để theo đuổi nghề phi công các sinh viên phải xác định rõ mục tiêu tương lai và học cách cân bằng thời gian giữa công việc, cuộc sống và gia đình, chấp nhận những rủi ro nhất định trong nghề để theo đuổi đam mê làm chủ bầu trời.

TẤN PHƯỚC