Sự khôn ngoan lớn nhất của một người là cúi đầu trước gia đình mình

Google News

Sự khôn ngoan lớn nhất của con người là biết buông bỏ cái tôi, buông bỏ những ham muốn thắng thua không đáng có mà chủ động nhường nhịn người thân của mình.

Một nhà tâm lý học Trung Quốc sau khi tiến hành tìm hiểu sâu về 100 gia đình đã rút ra kết luận: Tương lai của một gia đình thực chất phụ thuộc vào cách các thành viên tương tác với nhau. Những gia đình luôn đối đầu nhau, cố gắng áp đảo đối phương thường dễ tan vỡ; trong khi những gia đình hòa thuận, thịnh vượng thường có ít xung đột nội bộ.

Gia đình không phải chiến trường và người thân không phải kẻ thù của nhau. Việc chiến đấu, dù bên nào thắng bên nào thua thì cuối cùng cũng là hai bên cùng thua.

Sự khôn ngoan lớn nhất của con người là biết buông bỏ cái tôi, buông bỏ những ham muốn thắng thua không đáng có mà chủ động nhường nhịn người thân của mình.

Trong một gia đình, khi các thành viên luôn cố gắng hơn thua khi gặp vấn đề hay mâu thuẫn thì đó là bắt đầu của bi kịch. Nếu các thành viên trong gia đình luôn so đo, căng thẳng với nhau, chắc chắn mọi người sẽ rơi vào tình trạng mâu thuẫn nội bộ.

Có cặp vợ chồng nọ đến tư vấn tâm lý. Chỉ chưa đầy 10 phút sau khi ngồi xuống, họ đã cãi nhau hơn 20 lần vì những chuyện nhỏ nhặt, từ việc ai làm việc nhà nhiều hơn, ai đưa đón con cái, đến việc đối phương mua quà cho cha mẹ đẻ đắt hơn... Cả hai đều không ai nhường ai, càng nói càng tức giận, khiến chuyên gia phải dừng buổi tư vấn.

Điều tệ nhất là hai người sống chung một mái nhà lại trở thành những con nhím, không đành lòng rút những chiếc gai trên người mình để đến gần nhau hơn. Bát đũa còn có lúc xô, gia đình sống với nhau thì mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi. Nếu luôn mang trong mình sự thù địch, chúng ta sẽ chỉ rơi vào những cuộc tranh cãi không đáng, khiến tình cảm gia đình rạn nứt.

Nhiều gia đình là như vậy, có những người luôn muốn mình phải thắng, cố gắng hơn thua, không chịu thua ai, muốn áp đảo người khác. Nhưng ham muốn chiến thắng quá lớn chỉ làm trầm trọng thêm mâu thuẫn, kéo cả gia đình họ vào vực sâu của năng lượng tiêu cực.

Hành động ngu ngốc nhất trên đời là so đo thắng thua với người thân. Khi đôi bên không ai chịu nhường nhịn, cũng không ai muốn thông cảm, cuối cùng chỉ khiến tình cảm gia đình ngày càng lạnh nhạt, đẩy nhau ra xa

Nhà đầu tư nổi tiếng Charlie Munger đã trải qua hai cuộc hôn nhân. Cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ vì cả đôi bên thường xuyên cãi vã, không chịu nhường nhịn.

Trong cuộc hôn nhân thứ hai, ông và vợ là bà Nancy mỗi khi xảy ra mâu thuẫn, ông luôn là người đầu tiên xin lỗi và nhường nhịn. Kết quả là họ đã sống hạnh phúc bên nhau suốt nhiều thập kỷ.

Như một nhà văn đã nói: "Nếu có bí quyết nào để giữ gìn hạnh phúc gia đình thì đó chính là sự khôn ngoan khi có thể cúi đầu trước mọi việc nhỏ nhặt”.

Một gia đình hạnh phúc không phải không có xung đột mà là biết nhường nhịn nhau. Sống chung với gia đình là cả một nghệ thuật nhường nhịn. Nhường nhịn là biết cúi đầu vì tình cảm, là biết nhường bước vì yêu thương.

Người sẵn sàng nhường nhịn trong những cuộc tranh cãi không phải không có lập trường mà là họ đặt tình cảm lên trên chuyện thắng thua. Để duy trì tình cảm gia đình, điều quan trọng nhất là phải biết nhường nhịn. Hãy giảm bớt những cuộc tranh cãi không đáng, tăng thêm sự nhường nhịn, để con thuyền gia đình vượt qua sóng gió và đi đến bến bờ hạnh phúc.

Nhà tâm lý học Trung Quốc Wu Zhihong từng nói, giữa các thành viên trong gia đình thường có 2 kiểu tư duy cơ bản: Một là "tư duy xếp hạng", tức là luôn so sánh xem ai giỏi hơn, ai thắng ai thua; Hai là "tư duy kết nối", là chúng ta giao tiếp, yêu thương, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau.

Một gia đình bất hạnh luôn coi nhau như đối thủ; còn gia đình hạnh phúc thì coi nhau như những người bạn đồng hành thân thiết. Bằng cách quan tâm, bao dung và đoàn kết hơn khi việc xảy ra không như ý muốn, cả gia đình có thể cùng nhau hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Nhà văn Kiran Desai từng nói: "Nếu không có sự khoan dung và thấu hiểu, gia đình sẽ không còn là gia đình nữa".

Những cuộc tranh cãi quá nhiều chỉ khiến mọi người trở nên mệt mỏi và tổn thương. Gia đình là nơi nuôi dưỡng tình yêu, không phải nơi để tích tụ hận thù. Thay vì luôn đối đầu và làm tổn thương lẫn nhau, hãy dành cho nhau sự hỗ trợ và thấu hiểu. Với đủ sự thấu hiểu và giúp đỡ, cùng mang đến cho nhau sự ấm áp, cả gia đình sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn hơn.

Điều kiện tiên quyết để có một gia đình hạnh phúc là hợp tác nhiều hơn là đối đầu, nuôi dưỡng nhiều hơn là tiêu hao. Hỗ trợ lẫn nhau, ít so đo tính toán, quan tâm đến nhau nhiều hơn, cả gia đình sẽ không có khó khăn nào là không vượt qua được.

Khi sống chung với gia đình, hãy chủ động nhường nhịn, chuyện nhỏ không so đo, chuyện lớn không trách mắng. Biết nhường nhịn và thỏa hiệp phù hợp sẽ giúp bạn nhận được nhiều tình yêu thương hơn và biến gia đình thành một bến đỗ bình yên.

BẢO ANH.