Làm sao để tránh thương tích do cây đổ và các bệnh dễ gặp khi bão số 3 Yagi đổ bộ vào đất liền?

Google News

Khi cơn bão số 3 Yagi đổ bộ vào nước ta, kèm theo đó là mưa lớn sẽ làm đảo lộn sinh hoạt, đời sống của người dân, vì thế ngay từ bây giờ việc chủ động tăng cường các biện pháp để phòng tránh thiệt hại, bảo vệ sức khỏe và tính mạng là vô cùng quan trọng.

Theo Dự báo từ Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão Yagi, từ đêm ngày 6/9, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa sẽ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 100-350mm, có nơi trên 500mm. Đề phòng lũ lên gây ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị, sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi.

Đến 19h ngày 7/9, vị trí tâm bão trên đất liền khu vực phía Đông Bắc Bộ với sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 20km/h, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Sau đó, áp thấp nhiệt đới di chuyển sang phía Tây Bắc Bộ, suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần.

Để đề phòng những ảnh hưởng đến sức khỏe, tránh tai nạn thương tích có thể xảy ra, người dân cần thực hiện một số biện pháp theo khuyến cáo dưới đây:

Đề phòng các bệnh lý da liễu, nhiễm trùng khi mưa bão

Khi mưa lớn xảy ra, dự báo một số nơi sẽ xảy ra tình trạng ngập lụt hoặc người dân có thể bị dầm mưa, lội nước vì thế nguy cơ bị các bệnh da liễu là rất lớn.

BSCK II Nguyễn Tiến Thành (thành viên Hội Da liễu Việt Nam) cho biết, khi cơ thể ngâm hoặc lội dưới nước nhiều, nhất là nơi nước ngập úng sẽ gặp một số vấn đề nghiêm trọng với làn da. Nguyên nhân là do, nước ngập úng thường rất bẩn, khi kết hợp nước mưa và nước thải sinh hoạt khiến tình trạng viêm nhiễm, tổn thương nặng nề hơn.

Theo bác sĩ Thành, tình trạng thường gặp nhất là viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da kích ứng, viêm da cơ địa tái phát, tổ đỉa, viêm kẽ… Biểu hiện ban đầu thường là ngứa đỏ, lên mụn nước, nứt kẽ ngón chân, phồng rộp. Đáng nói, khi gặp tình trạng này nhiều người sẽ dùng xà phòng, nước muối để rửa hoặc ngâm da sẽ khiến tình trạng trầm trọng hơn. Khi đó sẽ khiến da bị khô, gây viêm da kích ứng với chính các loại nước đó.

Sau mưa bão nguồn nước dễ bị ô nhiễm, vì thế rất dễ mắc các bệnh da liễu, nhiễm trùng. Ảnh minh họa. 

Để phòng tránh, bác sĩ Thành khuyến cáo, mọi người nên chuẩn bị mọi thứ kỹ lưỡng khi bão về, mưa lớn để không phải ra ngoài khi mưa bão. Từ đó sẽ tránh việc phải lội xuống nguồn nước bẩn, nước ô nhiễm và sẽ không hoặc hạn chế nguy cơ bị bệnh da liễu.

Trường hợp phải ra ngoài, tốt nhất nên dùng dụng cụ bảo vệ như ủng, quần áo bảo hộ hoặc nơi nước sâu thì nên đi thuyền để tránh tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm. Nếu không may bị tiếp xúc với nước thì cần rửa chân tay, nơi tiếp xúc bằng nước sạch, với xà phòng dịu nhẹ. Tuyệt đối không sử dụng xà phòng giặt để rửa lại chân tay, hoặc ngâm chân tay vào nước muối, nước lá cây với mục đích giảm ngứa, viêm.

Trường hợp bị ngứa, mẩn đỏ, nổi mụn nước khó chịu, người dân cũng tuyệt đối không cào gãi, hay dùng kim đâm vỡ mụn nước, tạo thành vết thương hở. Việc này sẽ khiến tổn thương lan rộng, gây bội nhiễm, khiến việc điều trị sẽ khó khăn hơn.

Không trú mưa, bão dưới tán cây để phòng cây đổ vào người

Một vấn đề khá phổ biến khi có bão hoặc mưa to đó là tình trạng bật gốc, đổ cây gây tai nạn thương tích với người dân. Với những người gặp tai nạn này nhẹ sẽ bị chấn thương ngoài da, nặng hơn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Để tránh tai nạn thương tích do cây đổ, mọi người nên thực hiện theo hướng dẫn dưới đây của lực lượng cứu hộ, cứu nạn:

Dấu hiệu nhận biết cây dễ bị đổ

- Tán cây xuất hiện nhiều nhánh nhỏ và lá khô;

- Sự hiện diện của vết nứt sâu/ thiếu vỏ trên thân cây;

- Rễ cây yếu và thối rễ;

Cách phòng tránh tai nạn thương tích do cây đổ

- Không chơi đùa dưới cây khi trời mưa;

- Không chơi đùa, leo trèo lên các cành cây;

- Không trú mưa, bão ở dưới các tán cây;

- Lực lượng chức năng cần có các biện pháp, kế hoạch tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh trên đường phố, công viên để đốn hạ những cây bị sâu bệnh, già cỗi, nghiêng nguy hiểm,… Lấy nhành khô, cắt mé gọn những cây có bộ tán lá lớn.

Hướng dẫn xử trí khi cây đổ vào người

- Khi người dân nhìn thấy cây đổ đè trúng người, không tự ý di chuyển nạn nhân nếu không đủ chuyên môn mà hãy làm theo các bước để tránh ảnh hưởng đến tính mạng người gặp nạn.

- Người xung quanh nên gọi bệnh viện gần nhất để nhân viên y tế nhanh chóng hỗ trợ. Sau đó, cẩn thận gỡ bỏ những nhánh cây (tán cây) đè lên nạn nhân, không tự ý di chuyển thân thể người bị nạn để tránh bị tổn thương thêm và đợi nhân viên y tế đến sơ cứu và chữa trị kịp thời.

- Với các gia đình có con em theo học tại các trường học cần cảnh báo các em không tự ý leo trèo cây cao và tránh xa các gốc cây. Nếu như trước đó xuất hiện mưa lớn gây đất mềm, dẫn đến khả năng cây có thể ngã bất cứ lúc nào.

8 điều cần làm để phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ,…

Để chủ động phòng tránh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp phòng chống dịch bệnh như sau:

1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

Việc chủ động phòng bệnh trong và sau mưa bão là rất quan trọng để tránh mầm bệnh phát tán ra cộng đồng. Ảnh minh họa. 

4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.

6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

7. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

8. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Ngày 6/9, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai công tác phòng chống, ứng phó bão số 3 (Yagi), sẵn sàng phương án tổng thể với các tình huống giả định xấu nhất để đối phó với bão, trong đó chuẩn bị về nhân lực, vật lực, hậu cần để sẵn sàng ứng phó với một số nội dung cần chú ý sau:


1. Đối với các bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện đa khoa tỉnh/thành phố: Chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, cơ số xe cấp cứu, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao cho tối thiểu 02 đội cấp cứu lưu động (lưu ý các cơ số phục vụ cấp cứu chấn thương), đội cấp cứu lưu động có Quyết định phân công nhiệm vụ cụ thể, kèm danh sách liên lạc, trực 24/24 sẵn sàng ứng cứu cho các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão khi được lệnh điều động.


2. Đối với Sở Y tế: Bố trí Lãnh đạo Sở trực chỉ huy 24/24, chỉ đạo và chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra các bệnh viện, các đơn vị trực thuộc để chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng cho các tình huống khẩn cấp trước, trong và sau bão; công bố số điện thoại đường dây nóng chỉ huy cho các đơn vị và bảo đảm liên lạc thông suốt 24/24h để kịp thời điều hành các đơn vị trực thuộc sẵn sàng tham gia ứng cứu khi được điều động; rà soát bảo đảm bệnh viện an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.


3. Đối với từng bệnh viện trong khu vực dự báo bị ảnh hưởng của bão:


- Chủ động sơ tán người bệnh và các trang thiết bị y tế, thuốc phục vụ người bệnh tới các tòa nhà kiên cố có khả năng chịu được tác động mạnh của bão; Chuyển người bệnh nặng, phương tiện máy thở và phương tiện hồi sức cấp cứu khác lên tầng cao để tránh ngập lụt;


- Chuẩn bị máy phát điện dự phòng và cơ số nhiên liệu đủ để duy trì nguồn điện dự phòng trong thời gian bị cắt điện trong và sau bão, chuẩn bị các phương án để máy phát điện dự phòng được an toàn không bị ngập lụt ngừng hoạt động hoặc các phương án máy phát điện dự phòng cơ động để thay thế;


- Chuẩn bị bổ sung cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cấp cứu chấn thương trực tiếp, hoặc gián tiếp do sập, vùi lấp và ứng phó với tình huống thương vong hàng loạt;


- Chuẩn bị các phương án, cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu và nhân lực để sẵn sàng thiết lập trạm cấp cứu dã chiến tại các khu vực có địa hình cao tránh ngập lụt;


- Huy động toàn bộ nhân lực bệnh viện tham gia thường trực hỗ trợ cấp cứu thương vong hàng loạt tại bệnh viện và ngoại viện;

- Tập trung phân loại người bị nạn để ưu tiên trong công tác cấp cứu đối với tình huống khẩn cấp, phân luồng người bệnh nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, đường tiêu hóa để tránh lây nhiễm thêm dịch bệnh trong bệnh viện;

LÊ PHƯƠNG.