Loại lá xưa rụng đầy sân không ai ngó ngàng, nay làm thành món đặc sản lạ, muốn ăn phải đến nơi này

Google News

Ít ai biết được rằng lá bàng được dùng làm nguyên liệu làm nên món bánh lá bàng vừa lạ, vừa ngon.

Cây bàng có tên khoa học là Terminalia catappa L., thuộc họ Bàng (Combretaceae). Loại cây này phát triển ở những vùng nhiệt đới như châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Tại Việt Nam, cây bàng được trồng ở khắp nơi, đặc biệt ở trong sân trường và các tuyến đường. Đây là loại cây thân gỗ lớn. Cây cao khoảng 8 – 10m, những cây lâu năm có thể cao tới 30 – 35m. Các cành mọc vòng, nằm tương đối ngang, tán lá rộng, mọc đối xứng. Cây càng già thì tán lá càng mọc ra phẳng hơn nên tạo cảm giác rộng lớn hơn.

Loại cây này dùng để lấy bóng mát, để làm cảnh lá mọc tập trung ở đầu cành. Lá bàng rụng về mùa khô. Trước khi rụng, các lá chuyển màu thành màu đỏ ánh hồng hay nâu vàng tạo nên khung cảnh mùa thu đẹp mắt, đi vào những bức ảnh kỷ yếu của biết bao thế hệ học trò. Theo đó, cây bàng gắn liền với ký ức tuổi thơ của mỗi chúng ta, với tuổi học trò hồn nhiên nô đùa dưới những tán bàng quanh sân trường. 

Gần đây, nhiều người vô cùng bất ngờ khi lá bàng được làm thạch, làm bánh, làm trà, hương vị vô cùng độc lạ thu hút sự chú ý. Theo đó, những khách tới tham quan ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) sẽ có cơ hội được thưởng thức những món ăn làm từ lá bàng:

Trà bàng lá nếp: Vị chát của lá bàng pha lẫn mùi thơm của lá nếp làm nên thức uống mát lành, tốt cho sức khỏe.

Thạch bàng: Từ nước ép của những chiếc lá bàng bánh tẻ, những viên thạch xinh xắn đã được làm ra, khiến chỉ để ngắm mà không nỡ ăn. Và khi thưởng thức thì vị mát, giòn sần sật… sẽ hòa quyện trong miệng.

Bánh lá bàng: Màu xanh của lá, nhân đỗ xanh quyện với hương thơm của lá nếp, chỉ nếm một miếng thôi, vị ngon đi sâu vào bên trong khiến ta nhớ mãi.

Sau khi thưởng thức bánh và thạch làm từ lá bàng, bạn sẽ được nhấm nháp bát trà bàng lá nếp. Vị chát của lá bàng pha lẫn mùi thơm của lá nếp làm nên thức uống mát lành, tốt cho sức khỏe.

Ngoài lá bàng, ở Côn Đảo, mứt hạt bàng là đặc sản có giá tới 500.000 đồng/kg khiến du khách đến đây cảm thấy thích thú. Theo đó, người dân nơi đây nhặt hạt bàng sau đó mang về phơi khô khoảng 4-5 ngày nắng rồi lấy dao đập vỏ tách lấy hạt. Người ra dùng dao chẻ hạt bàng và tách lấy phần nhân để làm mứt. 

Nhân hạt bàng mới tách ra có màu nâu giống như màu gỗ. Sẽ có hai cách để chế biến thành mứt là rang muối hoặc ngào đường gừng. Giá bán mứt hạt bàng khá cao, với giá 45.000 đồng một lọ ngọt chừng 200 gram và khoảng 55.000 đồng cho lọ mặn với cùng trọng lượng. Vào lúc trái mùa, thời tiết khắc nghiệt, mứt hạt bàng thường tăng giá rất cao có khi lên đến 500.000 đồng – 600.000/kg.

PHÚ NGUYỄN