Ở miền Bắc có một loại quả vô cùng dân dã từng gắn với tuổi thơ của biết bao thế hệ, đó là quả chay. Trước đây, tại các miền quê, hầu như nhà nào cũng có vài cây chay, cây này còn mọc dại ở bìa rừng và các bãi đất trống. Quả chay xanh được dùng để kho cá, kho thịt, còn quả chanh chín có vị ngọt thanh, đám trẻ con thường hái về để chấm với muối ăn như một thức quà vặt.
Mấy năm nay, quả chay được bán nhiều ở chợ truyền thống hay trên chợ mạng mỗi khi đến mùa. Theo đó, 1kg quả chay được bán với giá khoảng 35.000-50.000 đồng/kg.
Quả chay có vị chua ngọt, cả quả xanh và quả chín đều ăn được
Người bán giới thiệu, quả chay vào mùa từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Lúc chín chúng có màu vàng cam bắt mắt, bên trong ruột hồng đậm. Quả xanh có vị chua nhưng khi chín sẽ có vị ngọt nhiều hơn. Những người đã biết tới quả chay thì mua về ăn để nhớ về ký ức tuổi thơ, còn những người chưa biết tới thứ quả dân dã này thì tò mò mua về ăn thử.
Ngoài chay tươi, nhiều địa chỉ còn bán chay khô với giá khoảng 250.000 đồng/kg. Chay khô có thể dự trữ, bảo quản cẩn thận để sử dụng quanh năm.
"Quả chay có vị chua thanh và mùi thơm rất riêng, khác với quả sấu, quả dọc, hay khế. Đến mùa lúc nào mẹ mình cũng gửi chay tươi ở quê lên. Hết mùa, mình mua sẵn chay khô, để trong tủ lạnh, lúc cần có thể mang ra kho cá, kho thịt, hay tạo vị chua cho món ăn. Dù đã được phơi khô nhưng chúng vẫn giữ được mùi thơm", chị Ngọc (ở Đống Đa, Hà Nội) kể.
Quả chay lúc xanh dùng để kho cá, kho thịt, có vị chua thanh rất riêng
Trong quả chay có chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như vitamin A, vitamin C, enzyme, axit amin, chất chống oxy hoá,... Trong đông y, quả chay được coi là một vị thuốc quý. Các chất axit amin, men béo, men phân giải… có trong quả này có tác dụng tốt trong hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, nhuận tràng và kích thích ăn ngon.
Một số tác dụng của quả chay:
Cải thiện hệ tiêu hóa
Trong trái chay chứa một lượng nhỏ men sinh học, đồng thời tính axit của quả giúp ích cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Nếu ăn quả này với một lượng vừa đủ còn kích thích vị giác giúp bạn ăn ngon miệng hơn. Chất xơ dồi dào trong quả chay cũng hỗ trợ nhuận tràng, giảm thiểu tình trạng táo bón hoặc đầy bụng.
Ngăn ngừa bệnh ung thư
Theo các nhà khoa học, trong trái chay chín chứa benzaldehyde, một hợp chất hữu có mùi thơm. Nó có khả năng góp phần ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào gây ung thư. Đặc biệt là các bệnh liên quan đến ung thư hạch bạch huyết và ung thư vú.
Quả chay có nhiều tác dụng với sức khoẻ
Tốt cho hệ tim mạch
Ăn quả chay có tác dụng giảm mỡ máu, tốt cho người bị cao huyết áp cũng như tiểu đường. Chay cũng được xem như một loại trái cây có lợi cho hệ tim mạch. Chất chống oxy hoá trong đó làm giảm tổn thương tế bào, bảo vệ thành mạch khỏi nguy cơ xơ vữa do cholesterol.
Chống viêm, sưng họng
Trong đông y, quả chay là một loại thuốc quý có công dụng chống viêm, tiêu sưng, giảm sưng họng nhờ vào các hợp chất như: Vitamin, axit béo,...ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm.
Ngoài quả chay, các bộ phận khác của cây chay cũng có thể thành bài thuốc chữa bệnh hiệu quả, tuy nhiên cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ để tránh tác dụng phụ không mong muốn.
Trị bệnh tê thấp, đau lưng, mỏi gối: Lá và rễ chay, mỗi thứ 30g, thổ phục linh 15g, thiên niên kiện 12g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 lần trước bữa ăn 2 giờ. Lá chay còn trị bệnh nhược cơ, một bệnh tự miễn, liên quan đến trương lực các cơ trong cơ thể.
Rong kinh, bạch đới: rễ chay, rễ cỏ tranh, mỗi vị 40g/ngày. Sắc uống, trước bữa ăn 2 giờ, ngày uống 2 lần.
Đau răng, lợi: Rễ chay 40g, sắc đặc, ngậm nhiều lần trong ngày.
H.A