Ở vùng núi rừng Quảng Ngãi có một loại quả trông rất giống với quả hạt tiêu nhưng kích thước nhỉnh hơn, có mùi thơm rất lạ, dùng để làm gia vị trong nhiều món ăn, đó là trái sả sừng.
Trái sả rừng còn có tên gọi khác là trái tiêu rừng, mọc hoang dại ở huyện miền núi Sơn Tây và Ba Tơ của tỉnh Quảng Ngãi. Tháng 7 hàng năm, khi nắng hè vào thời điểm chói chang nhất cũng là lúc trái sả rừng vào mùa.
Chị Liên (ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ) chia sẻ: "Từ lâu bà con dân tộc ở đây đã hái trái sả rừng về để làm gia vị. Dù chúng có hình dáng giống quả hạt tiêu nhưng mùi vị lại khác hẳn, có mùi thơm như củ sả nhưng thơm và cay nồng hơn nhiều nên bà con gọi nó là trái sả rừng".
Theo chị Liên, cây sả rừng không mọc dày đặc mà rất thưa ở những sườn đồi núi. Ở trong rừng toàn những cây sả lâu năm, cao chót vót nên người dân phải chặt nhánh xuống để hái trái. Nếu được mùa, mỗi cây sả có thể cho thu hoạch từ 5-10kg trái.
"Trước đây trái sả rừng không ai biết đến nên đến mùa quả chín chuyển sang màu thẫm rồi rụng đầy dưới gốc. Vài năm nay, khi chúng được biết tới nhiều hơn, người dân rủ nhau vào rừng hái về để bán cho thương lái hoặc nhập vào các nhà hàng. Vì có mùi vị lạ nên nhiều đầu bếp săn lùng trái sả rừng về để làm gia vị cho nhiều món đặc sản", chị Liên chia sẻ.
Theo tìm hiểu, trái sả rừng được bán ở các chợ quê tại Quảng Ngãi hoặc một số cửa hàng bán đặc sản vùng miền. Trái sả tươi có giá khoảng 70.000 đồng/kg, trong khi đó trái sả khô có giá lên tới 300.000 đồng/kg. Loại này có thể bảo quản để sử dụng quanh năm mà vẫn giữ được mùi vị đặc trưng nên rất được ưa chuộng trên thị trường.
Nhiều cửa hàng bán đặc sản còn chế biến sả rừng ngâm với ớt xiêm bán kèm và được nhiều khách hàng ưa chuộng với giá dao động 60.000 – 1000.000 đồng/hũ, tuỳ loại.
Anh Giàng (ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành) cho biết đến mùa 2 vợ chồng anh lại vào rừng hái trái sả bán cho nhà hàng. Trung bình mỗi mùa anh có thể hái được khoảng vài tạ sả, nếu không bán hết quả tươi sẽ đem phơi khô để bán dần trong năm bởi một năm chỉ có một mùa kéo dài trong 3 tháng. Anh tiết lộ, mỗi mùa sả rừng vợ chồng anh kiếm được vài chục triệu, giúp cải thiện cuộc sống.
Một lần về thăm nhà bạn ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ), chị Lan Anh (ở Đà Nẵng) được thiết đã bữa ốc đá luộc. "Từ trong bếp, mùi thơm đã lan tỏa, đó là ốc đá hấp sả nhưng sả không phải củ sả mà là trái sả, thơm nồng và đặc biệt hơn rất nhiều. Sau đó, mình mới biết người dân ở đây sử dụng trái sả để nấn ăn. Trái sả có thể để nguyên trái hoặc giã dập, nhuyễn tuỳ theo khẩu vị mong muốn. Sả rừng kho cá, kho thịt, ướp đồ nướng, làm muối chấm và còn nhiều món ăn khác", chị Lan Anh kể lại.
Vì mê cái hương vị lạ của trái sả rừng, sau đó chị Lan Anh có đặt mua 1kg quả khô để về thành phố dùng dần.
Từ loại quả mọc hoang dại trong rừng vắng, giờ đây trái sả rừng đã "lên đời" thành thứ gia vị có hương vị vô cùng lạ, nhiều nhà hàng "săn lùng" mỗi khi đến mùa.
H.A