Nam sinh 16 tuổi đã bị xuất huyết tiêu hóa, nguyên nhân phía sau khiến nhiều cha mẹ giật mình về cách chăm con

Google News

Do một thời gian dài thực hiện thói quen không lành mạnh, kèm theo đó là chủ quan không đi khám khi có dấu hiệu sớm, khi đến viện nam sinh đã bị xuất huyết tiêu hóa nặng, phải nhập viện điều trị.

Gần đây, cháu B.N.T (16 tuổi, ở Hà Nội) liên tục xuất hiện triệu chứng đau bụng thượng vị, cơn đau được mô tả đau thành từng cơn, đau nhiều về đêm, kèm ợ hơi, ợ chua, buồn nôn và đi ngoài phân đen.

Lo sợ, gia đình đưa cháu T đi khám và được chỉ định nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng, kết quả cho thấy có ổ loét sâu kích thước 3-4cm, có vết bầm đen. Bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh nhân mắc xuất huyết tiêu hóa do loét hành tá tràng (Forrest IIC).

Gia đình cháu T chia sẻ, trước đó cháu kêu đau bụng một thời gian dài, nhưng gia đình cho uống thuốc đỡ nên chủ quan. Trong sinh hoạt hàng ngày, nam sinh này học nhiều, thức khuya nên bố mẹ chiều con bằng cách thường xuyên ăn đồ ăn nhanh, uống nước ngọt có ga để con lấy sức học. Đây có lẽ là yếu tố làm gia tăng nguy cơ viêm loét dạ dày, tá tràng ở người trẻ.

Áp lực học tập, thức khuya và dùng đồ ăn nhanh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tiêu hóa. Ảnh minh họa. 

Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Phạm Thị Quế, Chuyên khoa Tiêu hóa, người trực tiếp điều trị cho cháu T cho biết, xuất huyết tiêu hóa là một tình trạng nguy hiểm, đáng lo ngại hơn khi xảy ra ở đối tượng trẻ em. Nếu không được can thiệp kịp thời, xuất huyết tiêu hóa có thể dẫn đến chảy máu ồ ạt, thiếu máu, sốc và tử vong.

Trước tình trạng nguy hiểm, cháu T nhanh chóng được nhập viện điều trị nội trú. Sau 4 ngày điều trị tích cực, tình trạng của cháu T dần ổn định, được xuất viện và tiếp tục điều trị tại nhà theo đơn thuốc do bác sĩ chỉ định.

Theo bác sĩ Quế, hiện không ít trẻ từ 10 đến 16 tuổi đã nhập viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày, tá tràng. Trong khi đây là loại bệnh lý mà trước đây chủ yếu gặp ở người trưởng thành, nên nhiều phụ huynh chủ quan.

Bác sĩ Quế cho biết, tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em do nhiều nguyên nhân, có thể kể đến các nguyên nhân như: Thiếu chất dinh dưỡng - thiếu vitamin K, trẻ sinh non, nhẹ cân, viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản…

Khi có một số dấu hiệu đau bụng, buồn nôn... cần đưa trẻ đi khám để tránh nguy cơ các bệnh tiêu hóa. Ảnh minh họa. 

Bác sĩ Quế tư vấn về một số dấu hiệu cảnh báo tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ cha mẹ không nên bỏ qua, bao gồm:

- Máu trong phân: Khi trẻ đi ngoài ra máu, máu có thể ở dạng màu đỏ tươi hoặc phân đen;

- Buồn nôn và nôn: Trẻ có thể bị buồn nôn và nôn do viêm niêm mạc dạ dày, hoặc tá tràng gây ra bởi xuất huyết;

- Nôn ra máu: Một trong những biểu hiện nguy hiểm của bệnh xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em là triệu chứng nôn ra máu;

- Đau bụng: Trẻ có thể cảm thấy đau bụng, hoặc có cảm giác khó chịu vùng thượng vị như buồn nôn, ợ hơi, đầy hơi chướng bụng;

- Kiệt sức và thiếu máu: Xuất huyết tiêu hóa có thể làm cho trẻ mệt mỏi, sụt cân, biếng ăn, tiêu chảy, ốm yếu và có triệu chứng thiếu máu như da nhợt nhạt và thở nhanh.

Với những dấu hiệu kể trên, chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ và đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

LÊ PHƯƠNG.