Loại quả xưa không ai ngó ngàng, nay thành đặc sản ở thành phố có mùi thơm đặc biệt, 250.000 đồng/kg

Google News

Những năm gần đây, thứ quả này được người thành phố ưa chuộng, mang hương vị thoang thoảng như mùi vị lá chanh.

Nhiều loại quả rừng vốn chỉ dành cho người dân ở vùng núi, giờ đây đã thành đặc sản nổi tiếng, có sức hút với người thành phố. Trong đó phải kể tới tiêu rừng. 

Theo tìm hiểu, cây tiêu rừng phân bố chủ yếu trên những sườn đồi ở khu vực Tây Nguyên, đặc biệt nhiều ở khu vực Măng Đen, huyện Kon Plong, Kon Tum - nơi khí hậu quanh năm mát mẻ. Nếu cây tiêu thường thuộc dạng dây leo thì cây tiêu rừng là cây thân gỗ, chiều cao khoảng 7- 12m, lá tiêu nhỏ, thân cây xanh trơn và ra quả theo cành, không ra theo chùm như tiêu thường.

Hạt tiêu rừng phân bố chủ yếu trên những sườn đồi ở khu vực Tây Nguyên

Khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm là thời điểm tiêu rừng vào mùa. Tiêu rừng có vị thơm nhẹ nhàng không xộc lên mũi, cay nhẹ chứ không cay như hồ tiêu, mang hương vị thoang thoảng của chanh và sả.

Vào thời điểm này, người dân vào rừng hái cả cành rồi tách quả, nhặt sạch cuống, đem phơi khô cất trữ để sử dụng quanh năm. Nhìn bề ngoài, hạt tiêu rừng và tiêu thường khá giống nhau. Nhưng tiêu rừng có cuống khá dài mà hạt tiêu thường gần như không có, màu của nó cũng sẫm hơn. 

Trước đây, người dân địa phương hái tiêu rừng để dùng làm gia vị tẩm ướp các món nướng thịt lợn, thịt bò, thịt gà, vịt, hải sản,... hoặc giã nhỏ làm muối chấm. 

Hạt tiêu rừng là nguyên liệu cho nhiều món ngon

"Mình còn nhớ sau khi hái tiêu rừng về sẽ về mang phơi hoặc xông trên giàn bếp cho khô rồi trữ vào trong vỏ quả bầu hoặc ống nứa khô, có nắp đậy kín, để trên gác bếp. Làm như vậy, hạt tiêu rừng sẽ giữ được quanh năm mà không bị hư và bay mùi. 

Những món ăn cho thêm hạt tiêu rừng sẽ có mùi thơm đặc biệt. Hương vị của tiêu rừng hòa quyện cùng các nguyên liệu khác sẽ tạo cho món ăn đậm đà hơn và khiến người thưởng thức có cảm giác các món ăn ngon hơn rất nhiều.

Người vùng cao chúng tôi quá quen thuộc với mùi thơm thơm, cay cay của nó, nên mỗi khi chế biến món ăn đều phải có gia vị tiêu rừng, nêu thiếu nó, món ăn sẽ kém ngon", chị Giang (ở Kon Tum) chia sẻ. 

Theo chị Giang, ở quê chị, người đồng bào đi làm nương rẫy hay đi rừng dài ngày, bao giờ cũng phải mang theo muối trắng, hạt tiêu rừng cùng một số loại lá rừng. Mấy thứ này giã nhuyễn rồi trộn với nhau sẽ tạo ra một thứ đồ chấm thơm ngon để ăn cùng cơm hay xôi.

Hương vị của tiêu rừng hòa quyện cùng các nguyên liệu khác sẽ tạo cho món ăn thêm hấp dẫn

Giờ đây, hạt tiêu rừng trở thành đặc sản ở thành phố, được bán với giá lên tới 250.000 đồng/kg nhưng phải đặt trước mới mua được. Bởi cây tiêu rừng bây giờ hiếm, không nhiều như trước, phải đi vào rừng sâu mới hái được. 

Vì mang lại giá trị kinh tế nên mỗi khi đến mùa, người dân địa phương thường đi hái tiêu rừng để phơi khô rồi bán cho thương lái, hoặc gửi cho khách đi khắp các tỉnh thành. 

Ngoài ra, từ hạt tiêu rừng, bà con còn làm loại muối tiêu rừng nổi tiếng khắp nơi. Loại muối này thơm phức, không quá mặn, cũng như không quá nồng mùi tiêu. Nhiều du khách đến Tây Nguyên tìm mua tiêu rừng về làm quà cho người thân, bạn bè.

PHÚ NGUYỄN