Loại quả xưa rụng đầy không ai ăn, giá rẻ như cho nay thành đặc sản 170.000 đồng/kg, tốt cho sức khoẻ

Google News

Thứ quả này có vị chua thanh, quả chín hay xanh đều ăn được, có nhiều công dụng đối với sức khoẻ.

Trong các món ăn vặt chị em thành phố yêu thích những năm gần đây có quả cóc. Quả cóc có phần thịt bên trong khá giòn và vị chua đặc trưng. 

Cây cóc khá phổ biến tại Mã Lai (cây trồng trong vườn), Ấn Độ, Tích Lan. Tại Việt Nam, cây cóc được trồng nhiều ở các tỉnh miền Tây, Nam Bộ do đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây.

Quả cóc có hình bầu dục, da màu xanh lục, khi chín chuyển sang màu vàng đẹp mắt. Trước đây cây cóc mọc dại ở bờ bụi, hoặc được trồng làm cảnh. Đến mùa, quả cóc mọc lúc lỉu thành từng chùm, chỉ có đám trẻ con hái về chấm muối ớt hoặc nấu canh chua. 

Những tháng hè, trái cóc xanh len lỏi xuất hiện ở khắp các ngõ chợ lớn, nhỏ hay trên chợ mạng và được "tín đồ" nghiện đồ chua vô cùng yêu thích. Theo khảo sát, cóc xanh có giá khoảng 20.000-30.000 đồng/kg, cóc chín có giá 40.000 đồng/kg. Trong khi đó, các sản phẩm từ cóc như cóc sấy dẻo, cóc dầm bán trên chợ mạng hay trên các sàn thương mại điện tử với giá lên tới 170.000 đồng/kg.

"Ngày trước, cứ buổi sáng đi tập thể dục hoặc buổi trưa, tôi và đám trẻ con trong xóm rủ nhau đi hái trái cóc, mang muối ớt chấm ngay dưới gốc cây. Cóc xanh chua nhưng giòn, cóc chín thì ngọt thanh và có mùi thơm. Hồi đó, không ai mang ra mua bán ở chợ, còn bây giờ cóc thành món ăn vặt được nhiều người ưa chuộng", bạn Lan (ở Vinh, Nghệ An) chia sẻ. 

100g quả cóc cây chứa 0,27g chất béo, 0,88g protein và 0,3mg sắt. Các chất dinh dưỡng còn lại trong quả cóc như sau: ​​10g carbohydrate, 2,2g chất xơ, 5,95g đường, 80g nước, 3mg natri, 250mg kali, 67mg phốt pho, 36mg vitamin C.

Những tác dụng của quả cóc đối với sức khoẻ:

Tăng cường miễn dịch

Quả cóc cải thiện việc vận hành chức năng của hệ miễn dịch do nó chứa nhiều vitamin C. Vitamin C tạo ra những tế bào bạch cầu giúp cơ thể chống chọi bệnh tật. Nó cải thiện việc tạo lập collagen và thúc đẩy quá trình làm lành vết thương. Quả cóc cũng chứa các chất chống ô xy hóa và giúp ngăn ngừa tổn thương do các gốc tự do gây ra.

Cải thiện tiêu hóa

Quả cóc có hàm lượng chất xơ cao nên nó có thể hỗ trợ quá trình tiêu hóa và cử động ruột. Phần thịt của quả cóc được khuyến nghị cho những người bị táo bón và khó tiêu, trong khi hàm lượng nước trong loại quả này ngăn ngừa tình trạng mất nước.

Quản lý cholesterol

Quả cóc chứa nhiều vitamin C, giúp chuyển hóa cholesterol có trong cơ thể thành axit mật. Bằng cách chuyển hóa cholesterol, nồng độ cholesterol trong máu sẽ được cân bằng, nhờ đó giữ cho mức cholesterol được kiểm soát trong một sự cân bằng lành mạnh.

Cải thiện thị lực

Là một nguồn vitamin A phong phú, quả cóc giúp cho thị lực tốt hơn. Hợp chất retinol trong vitamin A chịu trách nhiệm cho chức năng này vì nó giúp cải thiện cảm nhận thị giác của một người. Nước sắc từ lá cây cóc đã được sử dụng để điều trị đau mắt.

Hỗ trợ giảm cân

Ít carbohydrate, chất béo, calo và nhiều chất xơ – quả cóc giúp giảm cân. Bằng cách cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho các chức năng của cơ thể, quả cóc giúp bạn cảm thấy no do chất xơ và hàm lượng nước cũng mang lại cảm giác no và ngăn bạn ăn quá nhiều.

Giúp điều trị ho

Nước ép cóc có thể hỗ trợ điều trị bệnh ho. Sau khi ép cóc lấy nước bạn thêm vào một ít muối và uống một ngày ba lần. Ngoài ra, chiết xuất từ lá cóc cũng là một bài thuốc công hiệu để chữa bệnh ho. Bạn dùng 3 hoặc 4 lá cóc rửa sạch. Sau đó đun lá cóc trong nước sôi vài phút rồi để yên. Bạn có thể dùng nước này uống chung với mật ong để điều trị bệnh ho.

Làm đẹp da

Trái cây chứa nhiều vitamin C giúp phục hồi mô và nuôi dưỡng làn da. Nó làm tăng sản xuất collagen và cải thiện vẻ đẹp của làn da. Trái cóc cũng được sử dụng để điều trị các bệnh ngoài da. Lá cóc được đun sôi và chiết xuất được sử dụng như một chất thay thế cho kem dưỡng da và chất dưỡng ẩm. Theo dân gian, rễ của cây được sử dụng để điều trị ngứa ngoài da.

Quả cóc có vị chua thường chứa một lượng a-xít rất lớn. Chúng có thể gây nên tình trạng thừa axít trong dạ dày khi ăn quá nhiều. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa, dẫn tới viêm loét dạ dày, nặng có thể ung thư dạ dày.

H.A