Rau sam có tên khoa học là Portulaca oleracea, thuộc họ Rau sam (Portulacaceae), sống được một năm và có chiều cao phát triển lên đến 40cm. Chúng có đặc điểm:
Thân mọng nước, trơn nhẵn, có màu hơi đỏ hoặc tím đỏ và bò sát mặt đất cùng với các lá xanh mọc xen kẽ hoặc mọc đối với nhau. Phần rễ gồm có rễ cái và nhiều rễ thứ dạng sợi, có khả năng chịu hạn rất tốt, thậm chí là đất nghèo dinh dưỡng.
Hoa có 5 cánh, màu vàng và đường kính hoa tới 0.6cm. Hoa nở sớm hay muộn tùy thuộc vào tình trạng mưa nhiều hay ít, nhưng thường ra hoa vào khoảng cuối mùa xuân đến giữa mùa thu. Các hạt nằm trong quả nhỏ có hình đậu và nở ra khi chúng phát triển. Thân, lá và nụ hoa của cây rau sam đều có thể dùng được.
Rau sam có nguồn gốc từ Trung Đông và Ấn Độ, phát triển như một loài cỏ dại và xuất hiện từ rất lâu. Giờ chúng được tìm thấy nhiều nơi trên thế giới, kéo dài từ Bắc Phi, Nam Âu qua Trung Đông và tiểu lục địa Ấn Độ, rồi đến cả Malesia và Úc.
Tại Việt Nam, rau sam mọc dại nhiều tại các vùng nông thôn miền Bắc và miền Trung. "Xưa ở những mảnh đất trống, ven đường hoặc sân vườn thường xuất hiện rất nhiều cây rau sam. Chúng mọc rất tốt, lá mơn mởn và ra hoa màu vàng trông vô cùng đẹp mắt.
Mình nhớ bà nội thường hay hái về và luộc chấm với nước mắm cốt. Nó có vị chia chua và mặn mặn ăn rất lạ. Bà bảo đó là loại rau dành cho người nghèo vì không phải mua hạt giống trồng", bạn Ngọc Anh (27 tuổi, quê Hưng Yên) cho biết.
Khi xã hội phát triển, rau sam không còn nhiều như trước và người dân bắt đầu lãng quên. Gần đây chúng được dân thành phố ưa chuộng trở lại vì hương vị tuổi thơ và tốt cho sức khỏe. Vì thế người nông dân đã trồng chúng để bán cho các tiểu thương ở thành phố.
"Dù rau sam hiện được gieo trồng bằng hạt giống nhưng cách thức phát triển của nó không khác gì loài cỏ dại. Do đó người nông dân chỉ cần gieo hạt là chúng lớn nhanh, lá mơn mởn, đặc biệt không phải sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón", Ngọc Anh nói.
Hiện tại trên thị trường, giá cây rau sam đang dao động khoảng từ 80.000 - 100.000 đồng đối với rau tươi. Chị em nội trợ có thể mua rau sam tươi ở các điểm chợ, các trang thương mại điện tử và mua rau sam khô ở các hiệu thuốc dân gian.
Có nhiều cách để chế biến rau sam như:
- Rau sam luộc
Rau sam đem về bạn dùng tay ngắt lấy phần ngọn rồi rửa nhẹ nhàng dưới vòi nước lạnh, để cho ráo.
Sau đó, bắc một nồi nước sôi lên bếp, cho rau sam đã sơ chế vào luộc trong khoảng 5 - 10 phút rồi vớt ra.
Rau sam luộc có thể chấm cùng với nước mắm, vị đắng của rau hòa quyện với vị mặn của nước mắm ăn sẽ hao cơm cực kỳ.
- Rau sam xào
Bắc một nồi nước sôi lên bếp rồi cho rau sam đã rửa sạch vào luộc sơ trong khoảng 2 - 3 phút để khử bớt vị đắng. Sau đó vớt ra.
Tiếp đến, bạn phi một ít tỏi băm trên chảo nóng cho thơm, rồi cho rau sam đã luộc sơ vào xào ở lửa nhỏ trong 3 - 5 phút. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi cho ra dĩa.
Rau sam xào tỏi vừa thơm lại vừa đậm đà, hương vị không thua gì so với rau muống xào tỏi.
- Rau sam nấu canh
Nấu một nồi nước sôi lên bếp. Sau đó cho hành tây cắt mỏng và rau sam đã qua sơ chế vào nấu trong khoảng 5 - 10 phút, nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp.
Rau sam nấu canh có hương vị thanh mát, đậm đà, giải nhiệt vào những ngày hè nóng bức rất tốt!
Rau sam không chỉ thơm ngon mà còn chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, như: Vitamin A (từ beta-carotene): 26% DV (giá trị dinh dưỡng hàng ngày), Vitamin C: 35% DV, Magiê: 17% DV, Mangan: 15% DV, Kali: 14% DV, Sắt: 11% DV, Vitamin B1,B2,B3...
K.T