Nhiều người nói rằng phụ nữ ly hôn dù gắn bó với gia đình ruột thịt nhưng lại không thể gần gũi với họ như trước, nhất là khi trong gia đình có anh trai hoặc em trai. Mới đây, một người phụ nữ đã ly hôn sống ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc đã chia sẻ nỗi buồn về hoàn cảnh sau ly hôn của mình.
3 năm sau khi hôn nhân đổ vỡ, người phụ nữ này mới dám về nhà thăm cha mẹ. Thế nhưng chị dâu lại không vui khi nghe tin cô sẽ đón Tết ở nhà. Chị dâu cho rằng, một người phụ nữ đã ly hôn không thể đón Tết ở nhà bố mẹ đẻ.
Người phụ nữ nghe được những lời này, trong lòng cảm thấy rất bối rối và thất vọng. Bố mẹ cô không lên tiếng, hẳn cũng có lý do. Cô chỉ có thể tự mình đón Tết ở nơi khác. Nhìn ngôi nhà nơi mình lớn lên, những ký ức tuổi thơ trong cô ùa về. Lòng cô bỗng tràn ngập cảm xúc lẫn lộn. Tại sao nơi đây giờ lại không còn là nhà của mình?
Nhìn lại những gì đã trải nghiệm, người phụ nữ không khỏi cảm thấy thất vọng. Cô từ nhỏ đã là đứa trẻ hiểu chuyện. Vì gia đình khó khăn, sau khi tốt nghiệp cấp hai, cô đã bỏ học đi làm kiếm tiền đỡ đần bố mẹ.
Sau đó, cô kết hôn thông qua người mai mối. Cuộc sống sau khi kết hôn không dễ dàng gì. Hai người chung sống được hơn 2 năm thì quyết định ly hôn. Sau khi đường ai nấy đi, cô một mình đến Chiết Giang sinh sống.
Một, hai năm đầu sau khi ly hôn, cô luôn cảm thấy rất xấu hổ với bố mẹ. Cô biết việc mình ly hôn đã làm họ xấu mặt và để tránh khiến bố mẹ bị chê cười, những năm qua cô đều ăn Tết một mình trong căn phòng trọ.
Năm nay, vì nhà máy ít việc nên cô quyết định xin nghỉ sớm. Buông bỏ quá khứ, người phụ nữ muốn về nhà thăm bố mẹ và dành thời gian bên gia đình thực sự của mình.
Về nhà sau ngần ấy năm, cô không quên chuẩn bị rất nhiều quà cùng tiền biếu bố mẹ. Cô cũng không quên quà cho con của anh trai mình. Nhưng thời gian trôi qua, chị dâu thấy cô vẫn chưa đi nên thẳng thắn hỏi. Biết em chồng đã ly hôn muốn đón Tết ở nhà, người chị dâu đã thay đổi thái độ ngay lập tức.
Chị dâu nói rằng đó là tục lệ. Sau khi ly hôn, người phụ nữ có thể về nhà mẹ đẻ nhưng không được ăn Tết ở đây vào đêm giao thừa và mùng 1 Tết. Điều này bị cho là không tốt cho gia đình ruột thịt của cô.
Người phụ nữ lớn lên ở nơi này chưa từng nghe nói đến phong tục như vậy. Sau khi hỏi han, cô mới biết phong tục này có tồn tại ở bên nhà chị dâu. Đó là lý do chị dâu đặc biệt muốn cô rời đi trước khi Tết đến.
Người phụ nữ này sau đó đã chia sẻ trải nghiệm cá nhân của mình lên mạng xã hội. Cô kể về những tháng ngày sau ly hôn, cuộc sống của mình đã khó khăn như thế nào. Năm xưa nơi đây là nhà của cô, không ngờ bây giờ muốn về nhà dành nhiều thời gian cho bố mẹ hơn cũng không phải điều dễ dàng.
Cư dân mạng cũng bàn tán nhiều xoay quanh câu chuyện của người phụ nữ. Có người cho rằng phụ nữ sau ly hôn về nhà ngoại ăn Tết vốn là chuyện bình thường, số khác lại cho rằng người chị dâu nên được tôn trọng.
“Dù sao chị dâu giờ đây đã là một trong những chủ nhân của gia đình, nên được tôn trọng. Ở rất nhiều nơi, họ còn cái nhìn khá khắt khe với phụ nữ sau ly hôn. Bản thân bố mẹ của bạn cũng không lên tiếng, có lẽ là có lý do.”
“Trời! Chị dâu đã bàn bạc với người lớn trước khi đưa ra quyết định chưa vậy? Vì sao sau khi ly hôn, nhà ngoại lại không còn là nhà mình nữa?”
“Chị dâu đương nhiên có quyền từ chối, nhưng phải là trong trường hợp nhà của hai vợ chồng họ tự mua. Nếu đó là nhà của bố mẹ chồng thì sao cô ấy có thể như vậy? Bạn nên nói chuyện với bố mẹ mình thay vì mặc định nghe theo chị dâu.”
TRƯƠNG THI