Nghề lạ ở Việt Nam: Bỏ việc về quê trồng loại quả dại sai trĩu mùa hè, làm thành món đặc sản, thu hàng trăm triệu/năm

Google News

Vốn chỉ là những cây mọc hoang dại, mùa hè sai trĩu quả, từng ít ai ngờ rằng cây sim lại có thể đem lại giá trị kinh tế cao cho người người nông dân.

Loại cây được nhắc trên chính là cây sim rừng, hay còn được biết đến với nhiều cái tên khác như hồng sim, đào kim nương, cương nhẫm, dương lê,… Đối với thế hệ 8X, 9X, đây là thức quà vặt quá đỗi thân thuộc của tuổi thơ. Sim rừng thường mọc dại, xuất hiện nhiều tại các cánh rừng khu vực trung du miền núi phía Bắc, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Ngãi hay tại các vùng đảo như Lý Sơn, Phú Quốc, Côn Đảo. Nhưng theo thời gian, người dân khai hoang đất để làm nông, diện tích cây cũng bị thu hẹp đi nhiều.

Cây sim quen thuộc với tuổi thơ thế hệ 8X, 9X

Khoảng 10 năm trước, quả sim rừng không được mấy ai dùng đến, cho rằng đây chỉ là loại quả dại không có giá trị kinh tế. Thế nhưng có những người lại đi ngược với suy nghĩ này, đem loài cây dại về trồng với quy mô lớn để làm giàu. Nhân vật được nhắc đến chính là anh nông dân Phan Thanh Nhàn (xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Nhờ dám nghĩ, dám làm, anh Nhàn giờ đây đã có thể thu về 2 triệu đồng/ngày từ vườn cây dại của mình.

“Trong khi cây keo đã trở thành cây thoát nghèo ở vùng đồi sỏi đá như xã, huyện mình thì việc chặt keo trồng sim khiến ai cũng ngỡ ngàng, thậm chí nhiều người còn gán cho tôi cái mác "gã điên". Nhưng cái chân ham đi tìm tòi cái hay cái mới, thấy ở các vùng đảo Phú Quốc người ta tận dụng quả dại này để làm rượu, làm thuốc, tôi mới vỡ lẽ mình có thể làm giàu từ nghề này". Thời gian đầu còn nhiều khó khăn, vì chưa biết cách tối đa hoá năng suất của cây trồng, lại cộng thêm chẳng mấy ai tin việc mà “gã điên" này làm, nhưng anh Nhàn vẫn miệt mài bắt đầu từ những bước đầu tiên. 

Vườn sim vừa ươm mầm của anh Nhàn từ những ngày đầu tiên.

Nghĩ là làm, năm 2015 anh đã thuê người chặt bỏ 2ha keo của gia đình, rồi lầm lũi đi tìm gốc sim trong tự nhiên về trồng. Không những mình làm, Nhàn còn bỏ tiền ra thuê người cùng đi tìm gốc sim mang về trồng. Quyết tâm đi đầu và khẳng định việc làm của mình là đúng, anh Nhàn đã dành trọn tâm huyết của mình vào việc chăm sóc, vun trồng những gốc sim rừng. Kết quả mang lại cho những ngày lao động khó nhọc ấy, là vườn sim trĩu quả trong vụ mùa đầu tiên. Với giá bán 30.000 - 50.000 đồng/kg, anh đã thu về gần 200 triệu đồng từ 2ha sim rừng, cao gấp 5 lần so với trồng keo.

Anh Nhàn bật mí: “Vợ chồng tôi sẽ mua thêm đất ở những vùng đồi cằn cỗi để trồng thêm, mở rộng quy mô trồng sim của gia đình lên 15ha. Ngoài ra, liên hệ với các nhà máy chế biến quả sim để bao tiêu quả sim cho những hộ trồng sim ở xã Quảng Tiến, mong muốn của tôi là Quảng Tiến trở thành vùng nguyên liệu lớn cho các nhà máy chế biến quả sim".

Thu nhập từ vườn sim của anh Nhàn gấp 5 lần lợi nhuận kinh tế mà cây keo đem lại.

Sau nhiều năm, anh Nhàn hiện đã sở hữu 4ha sim rừng. Đồi sim của anh còn thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan du lịch, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong xã. Mô hình trồng sim của “gã điên" ngày nào cũng đã được lan rộng đến vùng lân cận, và cây sim rừng từ loài cây dại cũng trở thành đặc sản nức tiếng. 

Cũng là một “gã điên", anh chàng cử nhân đại học Nông Chí Khiêm (Bắc Giang) quyết định bỏ công việc tốt ở thành phố để về quê trồng cây dại. Tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, khi ra trường, anh Khiêm xin vào một Đài truyền hình phụ trách kỹ thuật. Đến năm 2014, anh xin nghỉ việc để về quê trồng sim, khởi nghiệp. 

Dám bỏ công việc ổn định ở Hà Nội, anh Khiêm về quê khởi nghiệp với loài cây dại.

"Những ngày đầu bắt tay vào làm sim quả thực là vô cùng vất vả. Vì chẳng có bất cứ một giáo trình, thông tin gì trên mạng về việc trồng sim. Hơn nữa, lấy sim giống ở đâu cũng là một vấn đề, vì không phải loại sim nào cũng cho chất lượng tốt. Nên tôi đành liều một phen là đào tất cả những gốc sim có ở mọi nơi về trồng, qua quá trình làm sẽ đúc rút ra kinh nghiệm" - anh kể.

Theo anh Khiêm, sim có rất nhiều loại nhưng loại mà bán được cho các nhà máy rượu thường phải là sim nếp. Dòng này có ưu điểm là quả to, thịt dày, có mùi thơm và không chát. Anh chia sẻ: “Nếu chọn giống trồng là cây sim tơ thì trồng rất dễ và đạt năng suất cao, ngược lại cây sim già rất khó chăm sóc và dễ chết. Quá trình trồng sim cũng cần chăm sóc và tưới nước thường xuyên để đảm bảo cho cây sinh trưởng và phát triển. Hơn nữa, do khí hậu thời tiết hiện nay thất thường nên sim rừng xuất hiện bệnh cháy lá và đốm trắng trên bông ảnh hưởng đến sản lượng trái thu hoạch”.

Cây sim có rễ chắc, bám sâu nên dù thời tiết mưa bão cũng không lo cây hư hại.

Sim thường ra hoa vào tháng 3 và cho quả chín thu hoạch vào tháng 6 âm lịch. Thời gian thu hoạch kéo dài đến tháng 9. Trung bình, mỗi cây sim sẽ cho thu hoạch từ 5 - 7kg quả, 1ha sẽ trồng được 1.600 cây sim, trừ hết chi phí sẽ thu về 200 triệu đồng/ha. Tính đến năm nay, anh Khiêm đã có 180ha, trong đó, 140ha là phần đất mà gia đình anh đang đấu thầu trồng sim ở Lạng Sơn.

H.A