Cách đây 10 năm, ông Hờ A Nhà (sinh sống tại vùng núi ở bản Tu San, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chả, tỉnh Yên Bái) là người đi tiên phong trong việc mở rộng mô hình trồng cây thảo quả. Mười năm sau, tại xã Nậm Có đã có hơn 20 hộ dân “phất lên” nhờ giống cây này.
Thảo quả là một loài thực vật có hoa thuộc họ Gừng, trông nó cũng tương tự như cây gừng nhưng lớn hơn nhiều. Cây thảo quả có thể cao đến 2-3m, đường kính thân có thể lên đến 4cm, có nguồn gốc từ phía Đông dãy Himalaya nhất là các quốc gia như: Bhutan, Nepal,... và kể cả miền Trung Trung Quốc.
Một điều đặc biệt là thảo quả là cây thân thảo, hoa và quả mọc từ gốc chứ không mọc trên cành hay ngọn như những cây ăn quả khác. Cây ra hoa vào mùa hè, từ tháng 5 đến tháng 7 và có quả vào mùa đông khoảng tháng 11, 12. Đến mùa, từng chùm thảo quả chín đỏ như mận ở gốc cây trông rất thích mắt. Người ta chủ yếu thu hạt của thảo quả, mỗi quả có trên 20 hạt.
Ở Việt Nam, cây thảo quả xuất hiện chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc nhất là Hà Giang và dãy Hoàng Liên Sơn, trước khi được trồng như cây nông nghiệp ngắn ngày thì chủ yếu thảo quả mọc hoang. Nhờ đặc tính vừa thơm, vừa ngọt lại cay, thảo quả không thể thiếu trong bất cứ nhà hàng, quán ăn nào để tẩm ướp các món nướng, kho, hay làm lẩu, làm chè lam, chè kho và một số loại bánh kẹo khác để tạo mùi vị thơm ngon.
Đến mùa, từng chùm thảo quả chín đỏ như mận ở gốc cây trông rất thích mắt.
Thời gian ban đầu, ông Nhà chỉ mua được một số ít giống cây thảo quả do thời điểm đó còn ít người trồng và ươm giống nên rất đắt đỏ. Khi bắt đầu bắt tay thử nghiệm trồng loại cây này, ông Nhà đã gặp không ít khó khăn. Thế nhưng vừa trồng, ông lại vừa mày mò học hỏi kinh nghiệm trồng thảo quả, kỹ thuật ươm giống thảo quả, cách trồng, chăm sóc cây thảo quả... Dần dần ông Nhà đã làm chủ kỹ thuật trồng thảo quả.
Hiện, ông Nhà có khoảng 2 ha thảo quả với hơn 3.000 khóm. Vài năm trước, bình quân mỗi vụ cho thu trên tấn quả khô, mang về cho gia đình hơn trăm triệu đồng. So với trồng các loại cây nông nghiệp khác, thảo quả mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Nhà, trở thành mũi nhọn kinh tế cho nhiều hộ dân trong bản. Đến nay, 99% số hộ ở bản Tu San đều trồng thảo quả và hơn 30 hộ có đời sống ổn định nhờ khai thác quy mô lớn mô hình trồng thảo quả tại vùng núi bản Tu San.
Nhờ cây thảo quả, nhiều hộ dân đã "đổi đời", thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm
Theo ông Nhà, trồng thảo quả không vất vả lắm, chăm sóc đơn giản bởi thảo quả là cây sống dưới tán rừng. Bởi thế, trồng thảo quả nhất thiết phải bảo vệ rừng, vì không có rừng đất sẽ khô, ánh nắng chiếu trực tiếp quá nhiều vào cây thảo quả làm cho thảo quả héo hoa nhanh, không đậu quả.
Không riêng gì ông Nhà, ông Giàng A Chu (bản Pa Cư Sáng, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) cũng là một trong số những nông dân đi đầu trong công tác vận động bà con trong bản trồng cây thảo quả để phát triển kinh tế. Hiện tại, bà con đồng bào Mông ở nơi ông Chu sinh sống, họ không còn độc canh với cây ngô, cây sắn, thay vào đó họ làm lúa nương, trồng các loại cây ăn quả có mũi… Đặc biệt là họ đã đưa cây thảo quả trồng dưới tán rừng vừa giữ rừng, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Giá trị bình quân của cây thảo quả trồng dưới tán rừng tự nhiên cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/ha, cứ hộ nào càng nhiều đất trồng thảo quả thì thu nhập càng cao. Thu hoạch đến đâu có thương lái đến tận nhà thu mua, không lo thiếu đầu ra.
Từ 3 ha thảo quả đầu tiên của nhà ông, giờ ở Hang Chú của ông Chu, diện tích thảo quả đã hơn 300ha. Đây hiện là vùng thảo quả lớn nhất tỉnh Sơn La, thu nhập của các hộ gia đình từ mô hình này đạt từ 40 đến 50 triệu đồng/năm. Vụ thu hoạch quả năm 2022, sản lượng đạt gần 315 tấn, đem lại nguồn thu hơn gần chục tỷ đồng cho bà con.
Tương tự ông Nhà và ông Chú, năm 1999, một lần đi thăm bà con ở huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) thấy những hộ nông dân ở đây trồng thảo quả mang lại giá trị kinh tế cao, ông Hạng A Tăng, dân tộc Mông, bản Nậm Pha (xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) cũng đã xin một ít thảo quả về làm giống. Chỉ vài năm chăm sóc, thảo quả nhà ông Tăng giờ đây đã cho sản lượng 3 tấn thảo quả khô, mang về cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng. Năm ngoái, gia đình thu được 3,6 tấn thảo quả khô, với giá bán là 150.000 đồng/kg, gia đình ông thu về trên 500 triệu đồng.
Nhờ vào nguồn lãi thu được từ trồng thảo quả, gia đình ông Tăng đã vươn lên trở thành hộ giàu của bản và có điều kiện xây dựng nhà cửa, mua máy bừa, máy tuốt để phục vụ cho sản xuất, mở rộng chuồng trại chăn nuôi, đào ao thả cá và sắm sửa đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cho gia đình. Ông Tăng còn tích cực vận động, hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp nguồn giống cho nhiều hộ gia đình trong bản.
H.A