Sau khi chúng tôi lập gia đình, bố mẹ chồng cho mảnh đất bên cạnh để xây nhà. Những năm đầu mới sinh con, kinh tế chưa có nên vẫn phải sống chung với bố mẹ. Sau 8 năm cưới nhau, chúng tôi mới có tiền xây nhà, làm xong cũng phải nợ nần 1 thời gian. Hiện tại đã trả hết nợ và chỉ tập trung tiền của nuôi các con ăn học tốt nữa là xong.
Mỗi lần dạy dỗ các con, chồng luôn lấy những thành tích tốt của bản thân ra để khoe bọn trẻ. Anh bảo ngày còn ngồi trên ghế nhà trường luôn học giỏi nhất lớp, thầy cô nào cũng quý và rất được bạn bè tôn trọng. Anh động viên các con hãy nhìn bố làm tấm gương để phấn đấu học tập, không phải đi tìm ở đâu xa.
Chồng còn hãnh diện vỗ ngực nói ngoài 40 tuổi đã có nhà cửa khang trang ổn định ở thành phố. Nhiều người không chịu học hành tử tế rồi không làm ra tiền phải thuê nhà từ thời thanh niên đến lúc già. Vì vậy chỉ có con đường học tập mới giúp các con có tương lai.
Nói đi đôi với làm, chồng tôi cũng dành rất nhiều thời gian và tiền bạc đầu tư việc học cho các con. Còn bọn trẻ nhà tôi thì không ham học lắm. Câu cửa miệng của các con luôn là học ở trên lớp nhiều rồi, con không muốn đi học thêm nữa, lúc nào cũng thèm được ngủ 1 giấc thật đã đời.
Nhưng vì tương lai của con, chồng luôn động viên bọn trẻ cố gắng lúc nhỏ về già được hưởng thành quả tốt đẹp. Tuổi trẻ không phấn đấu hết sức sau này chỉ có khổ. Vì thế, các con tôi sợ bố mẹ mà học chứ không tự giác học tập.
Chồng luôn động viên bọn trẻ cố gắng lúc nhỏ về già được hưởng thành quả tốt đẹp. (Ảnh minh họa)
Tối hôm thứ 7, chồng gọi điện báo là không về ăn cơm vì có hẹn với bạn học. Khi tôi ngủ được 1 giấc thì chồng về, 2 vợ chồng nói chuyện chút ít rồi tôi ngủ lúc nào cũng không biết nữa. Vậy mà khi tỉnh dậy thì chồng vẫn chưa ngủ, tay để trên trán như thể đang suy nghĩ gì đó. Lấy làm lạ tôi hỏi nhưng anh không chịu nói.
Chẳng hiểu anh bận tâm vấn đề gì mà cả đêm không thể ngủ được. Sáng hôm sau, tôi ngồi tỉ tê hỏi chuyện thì anh mới bức xúc nói. Anh bảo:
“Thắng là bạn học của anh ngày cấp 2 đã mua ngôi nhà 3 tầng bên cạnh nhà mình từ mấy tháng trước. Hiện Thắng đang cho người ta thuê với giá khá cao. Tối qua, cậu ấy ngồi nói chuyện với nhóm bạn anh mới biết”.
Bạn bè được sống gần nhau, đó là điều vui mừng, chẳng hiểu sao mặt chồng buồn như đưa đám. Anh nói ngày trước đi học Thắng là đứa học dốt nhất lớp, suốt ngày bị thầy cô chê trách và bạn bè xa lánh.
Vậy mà bây giờ cậu ta giàu có nhiều tiền khao bữa tối thì đám bạn lại ca ngợi tung hô và tìm mọi cách để tiếp cận. Chồng cho rằng với người học dốt như Thắng làm gì có tài cán gì, chắc chỉ nhờ nhà vợ hay lừa đảo mới kiếm được nhiều tiền thế.
Tôi khuyên chồng đừng ăn nói như thế, người khác nghe thấy lại cho rằng anh ghen ăn tức ở dìm hàng Thắng. Lúc đang nói chuyện, điện thoại chồng đổ chuông. Có 1 người bạn gọi điện báo tin Thắng đang tuyển 1 kỹ sư xây dựng trong công ty, nếu chồng tôi có nhu cầu ứng tuyển thì sớm nộp hồ sơ sẽ được ưu tiên.
Sáng hôm sau, tôi ngồi tỉ tê hỏi chuyện thì anh mới bức xúc nói. (Ảnh minh họa)
Dù chồng không bật loa ngoài nhưng tôi vẫn nghe rõ hết cuộc nói chuyện của 2 người. Chồng tôi bảo Thắng ngày trước học dốt thế, sao bây giờ giàu vậy hay chỉ là công ty lừa. Người bạn nói Thắng nó tính bướng bỉnh, không thích gì thì đố ai ép làm được. Thế nên luôn chống đối trong việc học hành, nếu học nghiêm túc Thắng chẳng thua kém ai.
Bạn nói thế mà chồng tôi vẫn chưa chịu công nhận Thắng giỏi thật sự mà vẫn có vẻ ghen tức khi người ta học dốt giàu có còn bản thân anh học giỏi lại nghèo khó. Thấy vậy tôi buộc phải ngồi phân trần cho chồng hiểu. Tôi bảo việc học hành trên trường chỉ là 1 phần trong cuộc sống. Nếu muốn kiếm được nhiều tiền thì phải học từ thực tiễn, năng động, phải trải nghiệm và đúc rút được những kinh nghiệm.
Những người luôn cho bản thân có tấm bằng đẹp trên trường mà ra đời không chịu học hỏi nâng cấp chính mình thì cả đời cũng chỉ là 1 nhân viên như chồng thôi. Lời nói thẳng thắn của tôi khiến chồng rất tức giận và lấy xe bỏ ra ngoài đường giải tỏa bức xúc.
Với lối nhận thức hạn hẹp của chồng, tôi toàn sợ anh sẽ sống áp đặt và cản trở tương lai của các con. Lối dạy con cái của vợ chồng tôi đang trái ngược nhau. Tôi muốn dạy con để sau này thành đạt như anh bạn Thắng kia chứ không phải thành tích đầy mình như chồng mà chẳng biết ứng dụng thực tế. Vậy mà không biết phải bắt đầu từ đâu nữa?
PHƯƠNG LINH