Người đàn ông ở Sài Gòn "biến" vật dụng bỏ đi thành đồ nội thất, bất ngờ tặng vợ món quà "phụ nữ rất yêu"

Google News

Tận dụng chai, lọ thuỷ tinh người đàn ông ở Sài Gòn đã "thổi hồn" vào những món đồ tưởng chừng vô dụng, biến chúng thành đồ dùng nội thất "có 1 không 2" khiến ai nhìn thấy cũng trầm trồ khen ngợi.

Gần 20 năm miệt mài sáng tạo và tái chế, ông Đinh Nguyên Bình (56 tuổi) sống ở quận Tân Phú làm nhiều người choáng ngợp khi trang trí ngôi nhà của mình bằng những vật dụng được chế tạo bằng chai, lọ thuỷ tinh. 

Được biết, để có chai, lọ làm chế tác, ông Bình thường thu mua từ người nhặt ve chai hoặc đến các địa điểm kinh doanh ẩm thực để tìm những nguyên liệu ưng ý. Đến nay, ông đã tận dụng hơn 15.000 chai, lọ thuỷ tinh với đầy đủ kích cỡ, màu sắc, hình dạng để biến nó trở thành nguồn nguyên liệu tạo nên những tác phẩm độc đáo. 

Nói về cơ duyên với việc tận dụng chai, lọ cũ, ông Bình tâm sự: “Ngày xưa, tôi thích sưu tầm các chai rượu mẫu, sau đó tình cờ thấy bạn bè vứt nhiều chai thủy tinh nên xin về nhà. Lúc rảnh thì mày mò làm vài thứ đồ nhỏ để trưng bày trong nhà, rồi tự nhiên mê tái chế lúc nào không biết”. 

Ban đầu, ông Bình thử làm một số đồ vật nhỏ như cốc uống nước, gạt tàn thuốc lá… Sau đó, thú vui lớn dần, trở thành đam mê giúp ông có nhiều sản phẩm thú vị hơn.

Thời gian đầu ông Bình gặp nhiều khó khăn vì chưa biết cách để xử lý nguyên liệu, ghép nối các chai, lọ thuỷ tinh để tạo hình và giữ được độ chắc chắn. Thế nhưng, bằng bàn tay khéo léo, cùng đầu óc sáng tạo, ông Bình đã tái chế thành công các món đồ vật trong gia đình như gạt tàn thuốc, bàn ăn, ghế sofa… 

Nhân kỷ niệm ngày cưới, ông tặng vợ bộ giường ngủ được làm thủ công, phối ghép hơn 200 vỏ chai. Mới đây, ông tặng vợ thêm chiếc ghế thư giãn với phần ghế ngồi, tựa lưng, đặt chân cũng được phối với chai thủy tinh cũ.

Món quà kỷ niệm mà ông dành tặng cho vợ là chiếc giường với phần khung, bệ đỡ được làm bằng chai, lọ thuỷ tinh.

Sau 20 năm sáng tạo, hiện căn nhà của ông Bình có đến 70% sản phẩm nội thất, đồ trang trí được tái chế từ vỏ chai, lọ cũ. Do đó, ông đặt tên cho ngôi nhà của mình là “ngôi nhà cho lại”.

“Sở dĩ, tôi đặt tên là ngôi nhà cho lại vì khi đọc lái sẽ trở thành ngôi nhà chai lọ - nguồn nguyên liệu để tôi chế tác những tác phẩm nội thất phục vụ cuộc sống hằng ngày. Ngoài ra, “cho lại’ là vì những món tưởng chừng như bị vứt đi này mang đến gia đình tôi nhiều tiếng cười hơn, gắn kết và yêu thương nhau” - ông Bình tâm sự về tên gọi đặc biệt của ngôi nhà. 

Bộ ghế sofa và bàn tiếp khách được đặt trước nhà là một trong những tác phẩm được ông đầu tư tâm huyết và tốn nhiều thời gian nhất khi quá trình thực hiện kéo dài gần 2 năm. Sống trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, ba làm hoạ sĩ nhưng ông Bình lại rẽ hướng chuyển sang con đường kinh doanh. Song, ông vẫn tận dụng kiến thức hội hoạ từng được ba chỉ dạy để sáng chế đồ dùng nội thất trong gia đình.

Bên trong ngôi nhà làm ai cũng phải choáng ngợp với độ hoành tráng và "chịu chơi" đến từ gia chủ khi đồ nội thất làm bằng thủ công từ vật liệu tái chế.

Ban đầu, vợ của ông Bình không đồng tình với ý tưởng sáng chế từ chai lọ thuỷ tinh: “Khi nghe chồng nói sẽ thực hiện các món đồ trong gia đình bằng thuỷ tinh, tôi không hình dung, tưởng tượng ra được thành phẩm thế nào. Ngoài ra, thuỷ tinh thì tính chất là dễ vỡ, tôi cũng sợ phiền toái, gây ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình nên tôi không ủng hộ việc làm của chồng”. Song, bằng sự sáng tạo của mình, ông Bình thuyết phục vợ bằng những tác phẩm đẹp mắt, có giá trị sử dụng, bền đẹp với thời gian. 

Không chỉ thế, vợ của ông còn là hậu phương vững chắc, sẵn sàng giúp đỡ trong công việc sáng chế. “Nhờ có bả phụ giúp một tay như sắp xếp chai lọ, phân loại và cọ rửa nguyên liệu để tôi tiết kiệm thời gian hơn” - ông Bình tâm sự với ánh mắt đầy tự hào. 

Ngoài chai thủy tinh, ông còn tận dụng nắp chai nhựa, con ốc vít, ống nước... để tái chế và ghép thành các bức tranh trang trí trong nhà. Không chỉ tạo nên những vật dụng giá trị, đối với ông Bình mục đích tận dụng chai, lọ là để chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải sinh hoạt.

Ông Bình cho biết việc khoan, cắt, cố định vật liệu là vỏ chai thủy tinh khó và mất thời gian nhiều hơn các vật liệu khác. Trong quá trình thực hiện, sự an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Vì thế, ông chuẩn bị găng tay, đồ bảo hộ và lựa chọn mũi khoan phù hợp để không bị mảnh vỡ văng trúng vào người. 

Trong quá trình chế tạo, yếu tố thời gian đóng vai trò quan trọng, buộc ông phải cân bằng việc kinh doanh và sở thích cá nhân. Có sản phẩm ông thực hiện chỉ trong vài tuần nhưng có những tác phẩm với kích cỡ lớn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, ông mất từ 2-3 tháng thậm chí cả năm mới hoàn thành. Tuy nhiên, bằng sự đam mê và không ngừng sáng tạo của mình, ông chấp nhận thức khuya, dậy sớm để “thổi hồn” cho những vật dụng tưởng chừng đã bỏ đi trở thành sản phẩm trang trí độc đáo, có giá trị về nghệ thuật.

Nguồn: Độc lạ Bình Dương.

TẤN PHƯỚC