Bệnh ung thư xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm gen di truyền, thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống, môi trường sống hàng ngày,... Ít ai ngờ được căn bệnh này còn có thể hình thành từ những món đồ gia dụng quen thuộc ở công ty hay thậm chí là ngay trong căn nhà của mình.
1. Hạt bụi mịn từ máy in
Máy in là một thiết bị không thể thiếu trong văn phòng và ngày càng trở nên phổ biến trong gia đình để phục vụ cho công việc cũng như học tập. Tuy nhiên việc máy in laser có thể phát tán ra các hạt carbon khi thực hiện quá trình in ấn sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Cụ thể, các hạt này có kích thước siêu nhỏ, chỉ khoảng từ 10 đến 100 nanomet, do đó, chúng có thể dễ dàng lơ lửng trong không khí và xâm nhập sâu vào hệ hô hấp của con người.
Khi hít phải hạt carbon, chúng có thể gây ra kích ứng đường hô hấp, các bệnh phổi mãn tính và tim mạch. Các hạt carbon này khi xâm nhập vào phổi không thể tự động đào thải mà tích tụ lâu dài, dẫn đến viêm nhiễm và tổn thương phổi. Thậm chí, nếu tiếp xúc thường xuyên với nồng độ cao trong thời gian dài, có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi.
Máy in laser có thể là mối đe dọa đối với sức khỏe. (Ảnh minh họa).
Để giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm hạt carbon từ máy in, người sử dụng nên đặt máy in ở nơi thoáng khí, không gian mở hoặc gần các cửa sổ để đảm bảo thông gió tốt. Nên hạn chế ngồi gần máy in khi in ấn, đồng thời, nên thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị. Các công ty và gia đình cũng nên chọn loại máy in thân thiện hơn với môi trường và ít phát thải bụi để giảm thiểu rủi ro.
2. Nồi chiên không dầu, lò nướng
Nồi chiên không dầu và lò nướng điện là hai thiết bị gia dụng ngày càng phổ biến. Nhờ khả năng chiên rán không cần dầu mỡ, các thiết bị này giúp người dùng có thể thưởng thức những món ăn thơm ngon mà không lo ngại về sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, việc sử dụng nồi chiên không dầu và lò nướng điện có thể tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe khác, nhất là đối với hệ hô hấp.
Khi nồi chiên không dầu và lò nướng điện hoạt động ở nhiệt độ cao, đặc biệt là trên 200°C, chúng có thể phát ra các hạt bụi siêu nhỏ gọi là PM2.5 - một trong những chất gây ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất vì chúng có thể thâm nhập sâu vào phổi, gây viêm và kích ứng hệ hô hấp.
Những hạt này có thể tồn tại lâu dài trong phổi và tích tụ dần, tạo điều kiện cho các tế bào ung thư phát triển. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiếp xúc thường xuyên với PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính về hô hấp, bệnh tim mạch và ung thư phổi.
Chính vì vậy, khi sử dụng các thiết bị này, bạn nên đặt chúng ở không gian thoáng, tốt nhất là gần cửa sổ hoặc các thiết bị thông gió. Bên cạnh đó, việc đầu tư một máy lọc không khí trong nhà bếp cũng là một giải pháp tốt để lọc các hạt PM2.5 ra khỏi không khí. Ngoài ra, tránh sử dụng nồi chiên không dầu và lò nướng điện quá lâu hoặc ở nhiệt độ quá cao để giảm lượng khí độc phát ra trong quá trình nấu nướng.
Sử dụng lò nướng ở nhiệt độ quá cao có thể làm sản sinh ra bụi PM2.5 gây ung thư phổi. (Ảnh minh họa).
3. Chất tẩy rửa hóa học
Chất tẩy rửa hóa học là sản phẩm không thể thiếu trong nhiều gia đình vì khả năng làm sạch hiệu quả. Tuy nhiên, các sản phẩm tẩy rửa hóa học thường chứa nhiều chất độc hại như: ammonia, formaldehyde hay các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (Volatile Organic Compounds - VOCs). Khi sử dụng, các chất này có thể bay hơi và lơ lửng trong không khí, dễ dàng xâm nhập vào hệ hô hấp khi chúng ta hít thở.
Tiếp xúc lâu dài với các hợp chất trong chất tẩy rửa, phổi và hệ hô hấp có thể bị tổn thương nghiêm trọng. Ammonia và formaldehyde, nếu hít phải trong thời gian dài, có thể gây kích ứng niêm mạc phổi, ho, khó thở đồng thời, làm suy giảm chức năng phổi. Đối với những người tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất này như người làm vệ sinh chuyên nghiệp hoặc người lau dọn thường xuyên mà không có biện pháp bảo vệ, nguy cơ phát triển các bệnh mãn tính về phổi và ung thư phổi là rất cao.
VOCs có thể giải phóng khí độc hại vào không khí, gây ra các vấn đề về hô hấp và kích ứng. (Ảnh minh họa).
Để giảm thiểu tác hại của các chất tẩy rửa, bạn nên chọn các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, không chứa hóa chất mạnh. Khi sử dụng chất tẩy rửa hóa học, hãy mở cửa sổ hoặc quạt thông gió, đeo khẩu trang, găng tay để bảo vệ hệ hô hấp. Hạn chế việc sử dụng các chất tẩy rửa hóa học mạnh, đặc biệt là trong không gian kín như phòng tắm hoặc nhà bếp.
AN THANH