“Nữ hoàng đường đua xanh” vượt qua nỗi đau đoạn chi vì bệnh do não mô cầu

Google News

Phải cắt cụt tứ chi khi mới 16 tháng tuổi vì mắc bệnh do não mô cầu, cô bé Ellie Challis đã vượt lên trên số phận khi trở thành kiện tướng bơi lội trẻ nhất của Anh giành huy chương bạc Paralympic Games ở tuổi 16.

Chỉ còn 5% cơ hội sống sót

Ellie Challis (Anh) chào đời ngày 23/3/2004 khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác. Tuy nhiên đến 16 tháng tuổi, cô bé đột ngột mắc bệnh do não mô cầu và chỉ có 5% cơ hội sống sót. Ông Paul Challis, cha Ellie kể rằng cô bé thực sự đã “chết” trong 2 phút khi tim ngừng đập và gia đình được yêu cầu nói lời tạm biệt. Cô bé hôn mê suốt 26 ngày và phải cắt cụt hai tay hay chân để giữ mạng sống.

Tưởng chừng Ellie Challis sẽ mất niềm tin vào cuộc sống vì khuyết tật tứ chi, nhưng nhờ xem bộ phim về chú cá heo Winter bị cắt cụt đuôi nhưng vẫn bơi thần kỳ, cô bé tìm tới bơi lội vào năm 8 tuổi và bắt đầu khai phá khả năng tiềm ẩn của bản thân. 

Ellie Challis tìm thấy đam mê với đường đua nước. Ảnh: British Swimming/Georgie Kerr

Vượt qua nỗi đau đoạn chi do não mô cầu, Ellie Challis gặt hái nhiều thành tích trên “đường đua xanh”. Năm 2020, Ellie là vận động viên bơi lội trẻ nhất Vương quốc Anh giành huy chương bạc tại Thế vận hội Paralympic 2020 khi mới 17 tuổi. Năm 2022 và 2023, Ellie tiếp tục giành nhiều huy chương vàng, bạc, đồng ở các giải vô địch thế giới Championships và World Para Swimming ở các hạng mục bơi ếch, bơi ngửa, bơi tự do. Nữ kình ngư đã tham gia Paralympic Paris 2024 và giành huy chương vàng ở hạng mục bơi ngửa 50m. Ngoài bơi lội, Ellie là vận động viên trượt ván tài năng và mơ ước trở thành thợ làm bánh.

Ellie Challis là vận động viên trẻ tuổi nhất giành huy chương vàng Paralympic. Ảnh: Independent

Tấm gương vượt qua nghịch cảnh của Ellie đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế giới. Bằng tiếng nói của mình, Ellie tích cực kêu gọi mọi người tiêm vắc xin ngăn chặn bệnh do não mô cầu, tránh lặp lại hoàn cảnh như của cô.

Ellie trở thành một biểu tượng truyền cảm hứng vượt lên số phận sau khi mắc bệnh do não mô cầu. Ảnh: Telegraph

Năm 2023, Quỹ nghiên cứu về bệnh do não mô cầu, Liên đoàn các tổ chức phòng chống bệnh do não mô cầu (CoMO) và Sanofi đã ra mắt lá cờ đẩy lùi bệnh viêm màng não. Ellie Challis đã cùng với hai động viên cũng từng chịu di chứng do não mô cầu gồm Théo Curin (Pháp) và Davide Morana (Ý) đồng hành phất lên lá cờ, biểu tượng đầu tiên trên toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức về bệnh này như cách mà dải băng hồng tạo ra nhận thức về bệnh ung thư vú. Trước đó, khi mắc bệnh, Théo Curin chỉ mới 6 tuổi còn Davide bước sang tuổi 24.

3 vận động viên khuyết tật từng mắc phải bệnh viêm màng não Théo Curtin, Davide Morana và Ellie Challis. Ảnh: Sanofi

Cách phòng bệnh do não mô cầu hiệu quả

Vi khuẩn não mô cầu dễ lây qua đường hô hấp và gây nhiều biến chứng nặng nề như: viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm khớp,... Trong đó, bệnh do não mô cầu được xem là “bệnh tử” khi người bệnh có thể tử vong nhanh chóng trong 24h.

Theo CDC Mỹ, cứ 1 trong 2 người mắc bệnh do não mô cầu sẽ tử vong nếu không điều trị kịp thời. Cứ 5 người sống sót thì có 1 người bị khuyết tật cả đời như đoạn chi, sẹo do hoại tử da, chậm phát triển trí tuệ, điếc, liệt...

Đáng chú ý, triệu chứng của bệnh do não mô cầu gồm sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn, cứng cổ... dễ nhầm lẫn với cảm lạnh, viêm đường hô hấp dẫn đến khó phát hiện sớm.

Ai cũng có nguy cơ mắc não mô cầu khuẩn nhưng trẻ dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên 14-20 tuổi, người suy giảm miễn dịch, người cao tuổi có nguy cơ nhiễm cao nhất. Trong đó, trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ mắc bệnh. Thanh thiếu niên cũng dễ nhiễm vi khuẩn vì sinh hoạt ở môi trường đông người (nhà trường, câu lạc bộ, ký túc xá…), gia tăng giao tiếp xã hội, khoảng trống miễn dịch lớn…

Một phân tích gộp 89 nghiên cứu từ 28 quốc gia cho thấy thanh thiếu niên là nhóm người lành mang trùng cao nhất (tức là những người nhiễm vi khuẩn nhưng không biểu hiện bệnh), trong đó 23,7% ở độ tuổi 19. Một nghiên cứu trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, trong số bệnh nhân tử vong do não mô cầu, có 48% là thanh thiếu niên. Ở Úc, Canada, Châu Âu, New Zealand và Mỹ, thanh thiếu niên có tỷ lệ mắc não mô cầu cao hơn 1,5-3 lần so với dân số chung. Tại Việt Nam, thanh thiếu niên và người trưởng thành chiếm 60% số ca não mô cầu được báo cáo.

Thanh thiếu niên có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn não mô cầu, trở thành người lành mang trùng hoặc phát bệnh. Ảnh: Shutterstock

Vi khuẩn não mô cầu dễ lây qua đường hô hấp, ví dụ thông qua các giọt nước bọt nhỏ bắn ra khi người nhiễm não mô cầu ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc gần hàng ngày như hôn, dùng chung dụng cụ, ly tách, tiếp xúc với nhiều người như sống trong các khu tập thể, khu cắm trại...

Không chỉ gây bệnh và di chứng nặng cho bản thân người bệnh, các bệnh do não mô cầu còn để lại gánh nặng tinh thần và tâm lý cho​ gia đình, người chăm sóc. Theo một nghiên cứu ở Anh, chi phí để chăm sóc một bệnh nhân viêm màng não suốt cuộc đời mất khoảng 1,72 triệu bảng Anh (hơn 56 tỷ đồng). Nghiên cứu tại Việt Nam, chi phí chăm sóc bệnh nhân chiếm 83% tổng chi tiêu hàng tháng của hộ gia đình. 

Minh họa thanh thiếu niên tiêm vắc xin phòng bệnh não mô cầu. Ảnh: Shutterstock

Chủng ngừa là cách hiệu quả nhất giúp bảo vệ chống lại bệnh do não mô cầu, giảm bớt gánh nặng và ảnh hưởng do bệnh. Vi khuẩn não mô cầu có 12 nhóm huyết thanh gây bệnh chính, trong đó 6 nhóm A, B, C, X, W-135, Y gây ra 90% ca não mô cầu trên thế giới . Dịch tễ học các nhóm huyết thanh có sự biến đổi, thay đổi theo thời gian và giữa các quốc gia, các vùng địa lý nên khó dự đoán.

Hiện Việt Nam có 3 loại vắc xin phòng 5 nhóm não mô cầu khuẩn nguy hiểm gồm nhóm A, C, Y, W-135 của Mỹ, nhóm B của Ý và nhóm B, C của Cuba. Trong đó, vắc xin cộng hợp tứ giá của Mỹ giúp giảm đến 90% số ca mắc ở các nhóm huyết thanh C, Y và W-135.

Bệnh do não mô cầu có thể giết chết người khỏe mạnh trong thời gian ngắn hoặc để lại nhiều di chứng tật nguyền suốt đời. Việc tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin não mô cầu để phòng bệnh rất cần thiết, đặc biệt với thanh thiếu niên đang trong độ tuổi học tập, lao động.