Nuôi con “chân vịt, thịt gà, da trâu, đầu rắn” lại hiền như cục đất, ông nông dân nhẹ nhàng kiếm 1,5 tỷ đồng/năm

Google News

Là con vật hiền lành, khỏe mạnh, dễ nuôi, nguồn thức ăn dồi dào lại cho hiệu quả kinh tế cao, nuôi ba ba thương phẩm hiện đang là mô hình phát triển kinh tế được nhiều hộ nông dân áp dụng, cho doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm.

Ba ba là loài bò sát ba móng, sống ở ao, hồ nước ngọt. Chúng có đầu tròn, mõm nhọn, cổ dài trơn nhẵn, vươn dài hoặc thụt sâu dễ dàng, trên lưng có một mai rộng bản, dưới bụng là một phiến giáp phẳng không liền với mai.

Ba ba là loài bò sát có giá trị cao.

Ba ba có 4 chân, 2 chân trước dài, 2 chân sau ngắn hơn, có 3 móng và không có đuôi. Chúng bơi nhanh, lặn được lâu trong nước, khi ở cạn, ba ba trở nên chậm chạp, vụng về. Thức ăn của ba ba là các động vật nhỏ và thực vật thuỷ sinh, rất dễ kiếm trong tự nhiên. 

Hiện nay, tại các nhà hàng xuất hiện món ăn đặc sản là thịt ba ba. Đây không những là một ngón ăn thơm ngon mà còn là vị thuốc chữa được nhiều bệnh nên rất được thực khách ưa chuộng.

Nhiều hộ nông dân đang phát triển mô hình nuôi ba ba.

Do nhu cầu tiêu thụ lớn nên người ta đã phát triển việc nuôi ba ba ở quy mô gia đình để tự túc thức ăn và cung cấp cho các nhà hàng đặc sản. Ba ba thương phẩm hiện có giá bán dao động từ 300.000 đồng/kg - 700.000 đồng/kg, tùy theo kích cỡ. Nếu kết hợp bán thịt và con giống thì thu nhập của người nuôi ba ba một năm có thể đạt tới hàng trăm triệu đồng hay hàng tỷ đồng. 

Nhận thấy mô hình nuôi ba ba thương phẩm nhàn tênh lại cho hiệu quả kinh tế ổn định, nhiều hộ nông dân tại các vùng quê đã quyết tâm đầu tư, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Anh Trần Hồng Quan (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) đã quyết định chuyển đổi 4ha đất trồng cây ăn trái sang mô hình đào ao nuôi thủy sản từ năm 1999. Sau khi tìm hiểu mô hình nuôi ba ba của người quen dưới Đồng Tháp, anh quyết định học theo, đầu tư 25 triệu đồng mua hơn 2.000 con giống về nuôi thả thí điểm.

Anh Quan truyền kinh nghiệm nuôi ba ba cho bà con.

Với 4ha đất nông nghiệp, anh Quan làm hệ thống 16 ao nối tiếp nhau, chừa lại 1ha để làm đất lúa. Sau 2 năm, anh đã tự mày mò, tìm hiểu và ấp nở thành công ba ba giống để nuôi thả trong ao nhà, tự làm chủ nguồn giống, không phải đi mua bên ngoài.

Hiện tại, một con ba ba giống anh Quan bán cho người nuôi giá 3.900 đồng/con. Với 200.000 con ba ba giống mỗi năm, anh thu được 800 triệu đồng. Nguồn thu chủ lực, bền vững của anh mỗi năm là ba ba thương phẩm. Với số lượng đàn nuôi thương phẩm 2,3 vạn con, mỗi năm anh Quan thu trên dưới 3 tấn ba ba, đạt doanh số gần 1 tỷ đồng. 

Trong khi đó, gia đình ông Bùi Huy Ngọc (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) bắt đầu phát triển kinh tế với mô hình nuôi ba ba theo quy mô hộ gia đình từ năm 2004. Chỉ trong một thời gian ngắn, việc chăn nuôi của gia đình ông đã phát triển nhanh chóng. 

Ông Ngọc thành công với giống ba ba thương phẩm.

Từ chỗ nuôi chỉ hơn 10m2 ban đầu, ông Ngọc đầu tư mở rộng thêm diện tích chăn nuôi ba ba gai lên 1.000m2 và làm nơi ấp trứng cho ba ba. Với cách nuôi khoa học, đàn ba ba của ông Ngọc phát triển rất tốt, hiện gia đình đang thả 600 con ba ba giống. Mỗi con có giá trung bình khoảng 190.000 đồng/con. 

Đến nay ông Ngọc có tới vài chục nghìn con bao gồm cả ba ba giống và thịt. Với giá bán 600.000 đồng/kg như hiện nay và trừ đi tất cả các chi phí, gia đình ông Ngọc dự tính thu từ nguồn bán ba ba khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.

Cũng vươn lên làm giàu nhờ con vật "hiền như cục đất" này, anh Võ Đình Phi (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ bản thân biết đến mô hình nuôi ba ba ở các tỉnh miền Nam và tỉnh Bình Định trong các dịp tham quan. Sau khi tìm hiểu, anh Phi đã quyết định chọn mô hình nuôi ba ba thương phẩm trong bể.

Anh Phi có thu nhập ổn định nhờ nuôi ba ba.

Từ đầu năm 2019, anh Phi triển khai xây dựng trang trại 140m2, ao nuôi ba ba được xây dựng kiên cố chiều rộng mỗi ao 5m, chiều dài 17m, cao 1,2m, mực nước từ đáy lên khoảng 70cm và đáy ao được lót 1 lớp cát khoảng 10cm.

Anh mua con giống từ tỉnh Bình Định với giá 20.000 đồng/con, mỗi lứa anh nuôi khoảng 700 con giống. Để tiện cho việc chăm sóc, giai đoạn đầu từ 1-5 tháng anh nuôi chung 1 bể và sau 5 tháng thì anh tách ra nuôi riêng, mật độ trung bình 5 con/m2.

Sau thời gian nuôi 24 tháng, ba ba đạt khối lượng bình quân 1,6-1,8 kg/con và có thể xuất bán. Với giá ba ba thương phẩm anh Phi đang bán là 330.000 - 400.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, mỗi lứa ba ba nuôi anh thu lãi khoảng 400 triệu đồng, giúp anh làm giàu nhanh chóng chỉ sau vài năm.

Nghề nuôi ba ba đã góp phần không nhỏ giúp xóa đói giảm nghèo, đưa nhiều nông dân trở thành tỷ phú. Để chăm sóc ba ba tốt và mang lại nguồn kinh tế cao cho gia đình, đòi hỏi người nuôi phải nắm bắt rõ quy trình kỹ thuật cũng như chăm sóc hàng ngày một cách khoa học.

THẢO ANH