Tin tức 24h: Nước về Thủy điện Thác Bà vượt khả năng xả lũ, Thủ tướng chỉ đạo khẩn

Google News

Nước về hồ thủy điện Thác Bà vượt khả năng xả lũ, Bí thư, Chủ tịch 3 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái được yêu cầu tham gia ứng phó khẩn cấp.

Nước về Thủy điện Thác Bà vượt khả năng xả lũ, Thủ tướng chỉ đạo khẩn

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn hôm nay, 10-9, vừa ký Công điện số 91/CĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ gửi Bí thư, Chủ tịch UBND 3 tỉnh: Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác Bà.

Thủy điện Thác Bà đang xả lũ hết công suất nhưng chưa giảm được mức nước dâng trong hồ, vốn đã lên rất cao.

Công điện nêu:

“Hiện nay, mực nước thượng lưu hồ thủy điện Thác Bà đang ở mức rất cao, lưu lượng đến hồ vượt quá khả năng xả lũ thiết kế của hồ.

Để đảm bảo an toàn cho hồ thủy điện Thác Bà, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đồng chí Bí thư và đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương rà soát, triển khai thực hiện ngay các biện pháp để ngăn chặn, giảm thiểu dòng chảy về hồ thủy điện Thác Bà.

Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này".

Dữ liệu quan trắc

Theo dữ liệu quan trắc của thủy điện Thác Bà, vào thời điểm 17 giờ chiều nay, mực nước thượng lưu của hồ Thác Bà đang ở mức 59,62m, cao hơn nhiều so với hơn mực nước dâng bình thường, vốn yêu cầu chỉ 58m.

Cùng thời điểm, lưu lượng nước đến hồ lên tới 4.450m3/s, trong khi dù đã hoạt động hết tất cả các tổ máy và mở toàn bộ 3 cửa xả, cũng chỉ xả được hơn 3003m3/s.

Với tình hình này, mực nước trong hồ sẽ tiếp tục dâng cao hơn nữa, dẫn tới nguy cơ rất lớn về mất an toàn hồ, đập...

Thủy điện Thác Bà đổ nước về đâu?

Hồ thủy điện Thác Bà thuộc tỉnh Yên Bái, cách Hà Nội 180km về phía Tây Bắc. Được xây dựng từ năm 1971, hồ Thác Bà có thể chứa 3,9 tỷ m3.

Nguồn nước đổ vào hồ chủ yếu là sông Chảy, và một số sông ngòi nhỏ như ngòi Hanh, ngòi Cát.

Sông Chảy nhận nước từ rừng núi phía Tây Bắc tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái. Cùng với các nguồn nước khác, sau khi đổ vào hồ Thác Bà thì theo các tổ máy và cửa xả, nước sông Chảy theo dòng đi tiếp rồi hợp lưu với sông Lô ở địa phận huyện Đoan Hùng, Phú Thọ.

Từ đây, sông Lô chảy tiếp rồi cùng sông Đà từ vùng Tây Bắc đổ xuống, hợp lưu vào sông Hồng đoạn gần Việt Trì, rồi xuôi về Hà Nội và các tỉnh hạ lưu.

Lũ sông Hồng những ngày này đang ở mức cao. Tại Hà Nội, đến chiều nay mực nước đã lên hơn 9m, vượt báo động I.

Thêm nhiều trường học tại Hà Nội chưa thể tổ chức dạy học do ảnh hưởng bão số 3

Trước cảnh báo mưa to, nhiều trường học ở Hà Nội cho học sinh tan học sớm

Do lo ngại ngập lụt, chiều nay (10/9) nhiều trường học trên địa bàn TP. Hà Nội đã thông báo phụ huynh đón học sinh từ sớm.

Trường THCS Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết đã đẩy giờ học sớm lên 30 phút để học sinh có thể về sớm hơn. Lý do là trường có nhiều học sinh đến từ nhiều nơi trong thành phố nên nhà trường quyết định đổi hình thức học tập.

"Nếu ngày mai diễn biến thời tiết còn phức tạp thì chúng tôi sẽ tiếp tục thêm 1 ngày nữa học online, bởi tình hình này học sinh đi học quá vất vả. Trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, nhà trường rất mong các thầy cô giáo, các học sinh và phụ huynh chú ý di chuyển cẩn trọng, an toàn và chăm sóc sức khỏe thật tốt", cô Nguyễn Huyền Trang - Hiệu trưởng nhà trường thông tin.

Trường Tiểu học Nguyễn Siêu gửi thông báo tới toàn bộ phụ huynh đón học sinh từ 13 giờ 30 chiều. Thông báo có nội dung: "Căn cứ thông báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia về cảnh báo ngập lụt khu vực nội thành Hà Nội, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình di chuyển từ trường về nhà trong chiều nay, nhà trường cho học sinh nghỉ học từ 13 giờ 30".

Trường Tiểu học Nguyễn Siêu đề nghị phụ huynh thu xếp đón con sớm. Đối với học sinh đi ô tô buýt của trường, giáo viên phụ trách từng xe sẽ liên hệ với phụ huynh để thống nhất về thời gian đón trả.

Giáo viên Trường Mầm non Linh Đàm (quận Hoàng Mai) dọn dẹp phòng học sau bão Yagi, hôm 8/9.

Trường THPT Khoa học giáo dục (Trường Đại học Giáo dục) cũng thông báo tới phụ huynh, học sinh, căn cứ tình hình thực tế, nhà trường điều chỉnh lịch nghỉ học ngày 10/9 từ sớm. Cụ thể, học sinh ở 2 cơ sở sẽ lên xe đưa đón về nhà ngay sau giờ ngủ trưa.

Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam trưa nay gửi thông báo đến phụ huynh về việc cho toàn bộ học sinh cấp THCS, các lớp giáo dục thể chất nghỉ học buổi chiều. Một số lớp chuyên đề ở THPT chuyển sang học trực tuyến.

Tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, các giáo viên sẽ dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến từ ngày mai. Hình thức này được trường áp dụng khi các lớp học có từ 5 học sinh trở lên nghỉ do dịch bệnh, thiên tai.

Nhiều trường khác như Ngôi sao Hà Nội, Phenikaa, hệ thống Archimedes school, Thực nghiệm Victory... chiều nay cho học sinh ra về từ 15h thay vì 16h30 như thường lệ. Phương án học ngày mai sẽ được thông báo sau.

Trường THCS -THPT Lương Thế Vinh cơ sở Tân Triều hôm nay cho hơn 2.000 học sinh nghỉ học vì từ sáng mọi ngã đường vào trường đều bị ngập nước. Những học sinh được phụ huynh đưa đến trường cũng được cho nghỉ về nhà ngay sau bữa ăn bán trú.

Trường THPT Khoa học Tự nhiên (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) quyết định cho học sinh nghỉ học sáng nay (10/9), buổi chiều cùng ngày sẽ học trực tuyến vì khuôn viên nhà trường tại số 182 Lương Thế Vinh bị ngập nước.

Phải bảo đảm tuyệt đối an toàn mới dạy học trực tiếp

Theo thông tin mới nhất từ Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến trưa nay (10/9), Hà Nội có 118 trường không thể tổ chức dạy học. 2 quận nội thành có trường phải cho học sinh nghỉ do ngập là quận Hoàng Mai 1 trường, quận Hà Đông 3 trường (gồm: Trường THCS Văn Yên, Mầm non Ánh Dương, Tiểu học Phú Lương). Các huyện có nhiều trường phải nghỉ học gồm: Thanh Trì (43), Thường Tín (24), Chương Mỹ (23). 

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo các nhà trường chú trọng triển khai phương án bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên của đơn vị. Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, hiệu trưởng các nhà trường cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, hàng ngày rà soát toàn bộ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị với tinh thần phải bảo đảm tuyệt đối an toàn mới được tổ chức dạy học trực tiếp.

Học sinh Trường Tiểu học An Hưng (quận Hà Đông) tan học chiều 10/9.

Sở GD&ĐT cũng lưu ý với các đơn vị, nhà trường bị ảnh hưởng nặng của bão; các trường ở xã đảo, địa bàn vùng trũng... cần có kế hoạch, chủ động triển khai hình thức dạy học trực tuyến để bảo đảm kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo trên, các Phòng GD&ĐT và đơn vị trực thuộc thường xuyên cắt cử cán bộ xuống các trường kiểm tra, cùng các lực lượng của trường, xã, huyện ứng phó với ngập lụt; vận chuyển trang thiết bị, cơ sở vật chất, hồ sơ giấy tờ lên tầng cao hơn; bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên ứng trực 24/24 giờ tại các trường, điểm trường để theo dõi kiểm tra, xử lý, báo cáo kịp thời lên cấp trên. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng vệ sinh môi trường khi nước rút, phun khử khuẩn, kê dọn lại cơ sở vật chất để đón học sinh trở lại trường.

Các nhà trường cũng trao đổi với phụ huynh học sinh hỗ trợ, sẵn sàng thiết bị để triển khai phương án dạy học trực tuyến nếu không thể đến trường để bảo đảm kế hoạch năm học 2024 - 2025.

Vụ sạt lở đẩy nhiều xe ôtô xuống suối: Tìm thấy 9 thi thể nạn nhân

Ngày 10-9, thông tin từ văn phòng UBND tỉnh Cao Bằng cho biết tính đến 10 giờ cùng ngày, các lực lượng chức năng đã tìm thấy 18 thi thể trên địa bàn huyện Nguyên Bình. Trong đó, 9 thi thể được xác định là nạn nhân trong vụ sạt lở đẩy nhiều xe ôtô, xe máy xuống suối tại xóm Huổi Ngoạ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình. 

Tại hiện trường cách địa điểm sạt lở khoảng 2 km, xe khách 16 chỗ bị dập nát vùi lấp trong đất đá. Ngoài xe khách có 2 ôtô 5 chỗ cũng bị vùi lấp, cuốn trôi và một số xe máy.

Khu vực xảy ra vụ sạt lở khiến nhiều người tử vong, mất tích. Ảnh: B. Nguyên

Trước đó, báo cáo của Sở GTVT tỉnh Cao Bằng cho biết khoảng 5 giờ ngày 9-9, tại Km180+650 xảy ra sạt lở đất đá nghiêm trọng xuống mặt đường đẩy 1 xe khách, 2 xe ôtô con và một số xe máy xuống suối. Vị trí gặp nạn thuộc địa phận xã Ca Thành (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng). Theo thông tin ban đầu, vụ việc khiến khoảng 20 người bị mất tích.

Nhận được tin báo lực lượng chức năng đã huy động khoảng 500 người cùng nhiều phương tiện đến cứu hộ, cứu nạn nhưng do đoạn tuyến từ Km180-Km247 có nhiều vị trí tắc đường nên việc tiếp cận hiện trường gặp nhiều khó khăn.

Hiện, các cơ quan chức năng đang khẩn trương tìm kiếm những người mất tích còn lại.

Người dân Nghệ An nấu bánh chưng gửi bà con vùng lũ

Ngay sau những bản tin thời sự về tình hình mưa lũ đang hoành hành khắp các tỉnh phía Bắc, ngày 10/9, tại Trường Mầm non tư thục Nam Thanh, thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương (Nghệ An) người dân tập trung về đây để gói, nấu bánh chưng gửi ra giúp bà con vùng lũ.

Bà con tập trung gói bánh chưng gửi ra các tỉnh phía Bắc.

Góc sân nhỏ với hàng chục người, ai cũng bận rộn công việc của mình. Đàn ông chẻ lạt, rửa lá dong; phụ nữ đảm nhiệm việc đãi gạo nếp, thái thịt, nấu đậu… Sau khi các nguyên liệu được chuẩn bị đầy đủ, mọi người cùng nhau gói bánh chưng.

Sau ít giờ, hàng trăm chiếc bánh chưng được sắp gọn gàng trong những chiếc nồi lớn để lên lửa.

Vừa canh nồi bánh chưng đang sôi, cô giáo Trần Thị Lục, Trường Mầm non tư thục Nam Thanh chia sẻ, xem các bản tin thời sự về tình hình bão lũ đang hoành hành khắp các tỉnh phía Bắc, các giáo viên, phụ huynh và người dân rất "nóng ruột". Mọi người lên kế hoạch nấu bánh chưng để san sẻ phần nào góp chút sức để chia sẻ cùng người dân.

Bà con quyên góp các vật liệu để nấu bánh.

Biết chuyện, nhiều bà con trong vùng liền hưởng ứng, bởi họ thấu hiểu cảnh chạy lũ, những thiếu thốn trong cảnh màn trời chiếu đất. "Vùng đất Thanh Chương không bao giờ quên ân tình của người dân các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai… đã từng gửi những tấm bánh, mòn quà đến chúng tôi những lúc khó khăn nhất. Nhìn cảnh lũ lên, mọi người không cầm nổi nước mắt. Mong bà con sớm ổn định, vượt qua thiên tai", một người dân tham gia nấu bánh chia sẻ.

Không riêng gì người dân thị trấn Dùng, tại nhiều địa phương khác ở Nghệ An, người dân cũng tập trung ở các nhà văn hóa khối xóm gói bánh chưng, quyên góp nhu yếu phẩm để gửi ra ngoài Bắc cho người dân vùng lũ.

Thanh niên tình nguyện Nghệ An dọn dẹp cây gãy đổ ở TP Hải Phòng.

Không chỉ có bánh chưng, những người con xứ Nghệ trực tiếp xung phong ra các tỉnh phía Bắc hỗ trợ bà con vùng lũ. Cụ thể, đội xung kích của Công ty Điện lực Nghệ An gồm 30 người, với các trang thiết bị, công cụ, dụng cụ sửa chữa lưới điện, tham gia hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau cơn bão số 3 theo chỉ đạo của Công ty Điện lực Quảng Ninh và Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Nghệ An thành lập Đội hình Thanh niên tình nguyện gồm 100 tình nguyện viên do anh Trần Linh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn làm trưởng đoàn. Đội hình xuất phát vào tối 9/9 và sáng 10/9 đã có mặt tại Hải Phòng để hỗ trợ bà con nơi đây.

TP.HCM ủng hộ 120 tỉ đồng chia sẻ khó khăn với người dân vùng bão lũ

Chiều ngày 10-9, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Tại lễ phát động, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP.HCM đã ủng hộ 120 tỉ đồng chia sẻ với những khó khăn, mất mát mà đồng bào đã phải gánh chịu trong đợt mưa lũ vừa qua.

TP.HCM ủng hộ 120 tỉ đồng chia sẻ khó khăn với người dân vùng bão lũ. Ảnh: BP

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM kêu gọi và vận động người dân TP phát huy tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “mỗi trái tim - một tấm lòng”.

Theo đó, MTTQ kêu gọi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang tham gia đóng góp tiết kiệm từ một ngày lương; kêu gọi các cơ quan báo chí, doanh nghiệp, đơn vị, tập thể; đoàn viên, hội viên; chức sắc, chức việc, tu sỹ, tín đồ các tôn giáo, kiều bào…. tùy theo khả năng, điều kiện của mình tham gia tiết kiệm, ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng do bão số 3.

Mọi thông tin đóng góp xin gửi về:

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, số tài khoản: 3743.0.1045300.94282 (Mã QHNS: 1045300, tại Kho bạc Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, số tài khoản (VNĐ): 000.870.406.001.484, số tài khoản (USD): 000.884.006.000.239, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), CN Bình Chánh, PGD Kỳ Hòa (Swift code: SBITVNVX).

Ngoài ra, có thể đến ủng hộ trực tiếp tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tại số 55 Mạc Đĩnh Chi, phường Đakao, quận 1.

Mọi thông tin ủng hộ, đóng góp của người dân, sẽ được liên tục cập nhật trên trang thông tin điện tử Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM.

THẢO ANH