“Thủ thuật” tinh vi của vợ ca sĩ Thanh Bùi - Trương Huệ Vân giúp bà Trương Mỹ Lan rút tiền tại SCB
Cô cháu gái là “trợ thủ” đắc lực
Thông tin từ kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, bị can Trương Huệ Vân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - vợ nhạc sĩ Thanh Bùi, bị đề nghị truy tố tội "Tham ô tài sản".
Thông tin từ kết luận điều tra thể hiện, bà Trương Mỹ Lan rất tin tưởng cô cháu gái, đã giao cho Vân đứng tên cổ phần, vốn góp, tham gia quản lý, điều hành nhiều công ty khác nhau, có hoạt động kinh doanh thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Vân được đặt ngồi vào vị trí Tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Công ty CP Tập đoàn Quản lý bất động sản Windsor, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Eurasia Concept và điều hành hoạt động Công ty CP Lavifood, Công ty Tanifood, Công ty CP Sài Gòn Galleria.
Trương Huệ Vân và Trương Mỹ Lan
Năm 2021, bà Trương Mỹ Lan mua lại Công ty CP Lavifood từ ông Lê Thành để đưa vào vận hành, hoạt động trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp và giao cho cháu gái quản lý, điều hành thông qua ông Nguyễn Phi Long, TGĐ Công ty CP Lavifood (được cho đứng tên sở hữu 31% cổ phần), cùng với Võ Hồng Khanh (được cho đứng tên sở hữu 34%), Hồ Xuân Dũng (được cho đứng tên sở hữu 35%).
Quá trình hoạt động, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo Trương Huệ Vân sử dụng pháp nhân Công ty CP Lavifood vay vốn Ngân hàng SCB để phục vụ mục đích kinh doanh và trả nợ vay tại các ngân hàng khác. Bà Lan còn thống nhất, chỉ đạo Vân cho thành lập “công ty ma” để lấy phương án kinh doanh mua bán nông sản với Công ty CP Lavifood nhằm lập hồ sơ vay vốn khống, tạo lập khoản vay, rút tiền từ SCB.
Quá trình điều hành Công ty Sài Gòn Galleria, Công ty Eurasia Concept, cháu gái bà Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo nhân viên cấp dưới phối hợp với SCB lập hồ sơ vay vốn. Nhưng khi cần trả nợ thì không sử dụng nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh, mà lấy tiền từ các khoản vay của các công ty, cá nhân khác được tạo lập khống tại SCB để trả nợ chính SCB.
Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2020, Trương Huệ Vân chỉ đạo nhân viên cấp dưới thành lập, sử dụng 52 công ty "ma" và 4 công ty có hoạt động thật, tạo lập 155 khoản vay khống để rút tiền khỏi SCB.
Cơ quan điều tra xác định bị can Trương Huệ Vân có vai trò giúp sức, đồng phạm với bị can Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi tham ô tài sản, liên đới chiếm đoạt hơn 1.088 tỷ đồng, gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh là hơn 25 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra, Trương Huệ Vân cũng khai được bà Lan tin tưởng, giao quản lý nhiều công ty khác nhau có hoạt động kinh doanh thật thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Các hoạt động như thành lập công ty “ma”, sử dụng phương án kinh doanh khống về mua bán nông sản, phối hợp với SCB lập hồ sơ vay vốn nhằm lấy tiền sử dụng đều do bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo.
Cơ quan điều tra đánh giá bị can Trương Huệ Vân thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án. Bị can nhận thức rõ hành vi phạm tội, đã tự nguyện, phối hợp với gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả của vụ án nên cơ quan điều tra đề nghị xem xét cho bị can khi lượng hình.
Ban Kiểm soát SCB bị vô hiệu hóa
Ông Lưu Quốc Thắng, nguyên Trưởng Ban Kiểm soát SCB khai, dù quy định thì Ban Kiểm soát SCB có chức năng rất lớn, có quyền kiểm tra toàn bộ hoạt động của ngân hàng SCB. Nhưng thực tế, hoạt động của Ban Kiểm soát đối với các hoạt động nói chung và hoạt động cấp tín dụng của SCB luôn bị cản trở, không được các đơn vị liên quan tại ngân hàng phối hợp, nên cho dù có nằm trong kế hoạch, thực tế kiểm tra thì cũng chỉ là hình thức, không kiểm tra được nội dung cụ thể để có điều kiện phát hiện, ngăn chặn, kiến nghị theo chức năng của Ban Kiểm soát.
Trong thời gian ông Thắng giữ vai trò Trưởng Ban Kiểm soát ngân hàng SCB từ ngày 17/4/2019- 7/7/2022, ngân hàng SCB đã phát sinh 438 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay 652 khoản. Vạn Thịnh Phát còn dư nợ hơn 438.458 tỷ đồng.
Nữ giáo viên tử vong trong tư thế treo cổ tại nhà công vụ
Sáng 29-11, thượng tá Trần Trung Quốc, Trưởng Phòng Tham mưu, kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Đồng Tháp, cho biết cơ quan chức năng đang tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân chị T.T.M.T. (SN 1998; giáo viên Trường THPT Hồng Ngự 3, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) tử vong trong tư thế treo cổ tại nhà công vụ.
"Qua nắm bắt nhanh thông tin, cô T. có dấu hiệu trầm cảm. Hiện chúng tôi đang xác minh nguyên nhân" – thượng tá Quốc nói thêm.
Thầy Nguyễn Sơn Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Ngự 3, thông tin về vụ việc: "Vào lúc 15 giờ 31 phút ngày 28-11, nhà trường phát hiện cô T.T.M.T. tử vong trong tư thế treo cổ tại nhà công vụ giáo viên của trường. Nhà trường đã báo với Công an huyện Hồng Ngự và Trung tâm y tế huyện Hồng Ngự đến xem xét, làm rõ nguyên nhân".
Được biết, chị T. quê ở An Giang, dạy môn lịch sử tại Trường THPT Hồng Ngự 3, do nhà xa nên được trường bố trí ở nhà công vụ giáo viên.
Cũng tại Đồng Tháp, hơn 10 ngày trước, ngày 17-11, ông L.T.Đ. (50 tuổi), Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, được phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ tại phòng làm việc. Thầy Đ. bị rối loạn lo âu, trầm cảm, đã uống thuốc điều trị từ tháng 4-2023 đến khi xảy ra sự việc.
Giây phút chạy đua với thời gian để cứu thanh niên mắc kẹt giữa 2 bức tường
Ngày 29/11, Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN Công an TP.HCM (PC07) đã có thông tin thêm về quá trình giải cứu thanh niên bị mắc kẹt giữa 2 bức tường nhà dân trên đường Xóm Chiếu, quận 4.
Trung tá Hoàng Hữu Nam - Phó đội trưởng Phòng PC07 cho biết, đây là vụ việc tương đối phức tạp, khó khăn vì hiện trường là khe tường rất chật hẹp, lực lượng chức năng phải đối mặt với nhiều thử thách.
Cảnh sát leo thang lên tầng cao để tiếp cận hiện trường.
Khi nhận được tin báo lúc 21h45 phút ngày 28/11, lực lượng PCCC và CHCN nhanh chóng đến hiện trường, phối hợp với Công an quận 4, Y tế lên phương án tiếp cận, giải cứu làm sao nhanh nhất và an toàn nhất có thể.
Quan sát địa hình xung quanh, hiện trường thanh niên đang bị mắc kẹt, lực lượng chức năng chọn phương án lên trên cao thả dây xuống để kéo nạn nhân nắm bắt, kéo lên.
Tuy nhiên, do nạn nhân bị mắc kẹt cứng giữa khe tường rất chật hẹp, việc kéo lên cũng mất rất nhiều sức và sẽ khiến nạn nhân bị ma sát vào tường rất đau. Phương án đầu tiên bất thành.
Sau đó, nhận thấy vị trí nạn nhân kẹt tiếp giáp giữa 3-4 nhà nên lực lượng chức năng tính đến phương án khoan tường, đập thủng lỗ để tiếp cận gần hơn. Từ đó có thể giải cứu nạn nhân, đưa ra ngoài từ lỗ trống này.
Cảnh sát dùng dụng cụ khoan, đập thủng bức tường.
Phương án đã thống nhất, lực lượng chức năng dùng nhiều dụng cụ chuyên dụng để đục tường. Các chiến sĩ vừa đục tường, vừa phải che chắn cho thanh niên tránh gây bị thương và bụi bặm.
“Ngoài ra, do công trình nhà đã xuống cấp, sợ nguy cơ sụp đổ. Do đó, khi đập tường, chúng tôi cũng sử dụng công cụ chống đỡ, tránh nguy cơ đổ sập”, Trung tá Nam chia sẻ.
Lực lượng chức năng chạy đua với thời gian, nỗ lực đưa người bị mắc kẹt ra ngoài.
Theo Trung tá Nam, sau khi chạy đua với thời gian, cảnh sát đã phá bức tường thành công, tiếp cận được nạn nhân. Tuy nhiên anh này không hợp tác và có biểu hiện không tỉnh táo, cố thủ bên trong.
Cảnh sát thuyết phục động viên thanh niên ra ngoài nhưng bất thành.
Sau 20 phút thuyết phục, động viên tâm lý và tiếp nước, thanh niên mới đồng ý cho lực lượng chức năng kéo ra ngoài thành công. Lúc này đồng hồ đã điểm hơn 2h sáng.
Sau khoảng 20 phút thuyết phục, nạn nhân mới đồng ý để kéo ra ngoài.
Thanh niên được sơ cứu các vết thương ngoài da.
“Sau khi đưa ra ngoài, thanh niên này bị xây xát ngoài da, được sơ cứu tại chỗ. Chúng tôi đã bàn giao nạn nhân cho Công an quận 4”, Trung tá Hoàng Hữu Nam thông tin thêm.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ thêm những vấn đề liên quan.
Luật Căn cước mới thông qua: Quy trình cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi như thế nào?
Những trường hợp dưới 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước nếu có nhu cầu. Ảnh minh họa TPO
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, thay thế cho Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014.
Một trong những điểm mới của Luật Căn cước là cấp cả thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi. Trong khi Luật CCCD năm 2014 chỉ cấp thẻ cho người từ đủ 14 tuổi trở lên.
Cụ thể, tại Điều 19 Luật Căn cước quy định, người được cấp thẻ là Công dân Việt Nam. Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước; người dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước nếu có nhu cầu.
Việc cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi được cho là phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Đồng thời, tương thích với pháp luật của nhiều nước trên thế giới, góp phần giảm thiểu được giấy tờ, thủ tục hành chính, phát huy được giá trị của việc khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu…
Việc trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước được quy định tại Điều 23 Luật Căn cước như sau:
Đối với người dưới 14 tuổi thực hiện theo đề nghị của người này hoặc cha, mẹ, người giám hộ. Cụ thể:
Với trẻ dưới 06 tuổi: Thực hiện cấp thẻ Căn cước cho trẻ dưới 06 tuổi qua cổng dịch vụ công. Nếu người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì thực hiện qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý Căn cước. Cơ quan quản lý Căn cước không phải thu nhập đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học với người dưới 6 tuổi.
Với trẻ từ 06 đến dưới 14 tuổi, cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện các công việc như trực tiếp đưa người này đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận đặc điểm nhân dạng, thông tin sinh trắc học. Kê khai, ký, thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước thay cho người đó.
Đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên, trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước được thực hiện như sau:
Bước 1: Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… để xác định chính xác người cần cấp thẻ. Nếu chưa có thông tin thì thực hiện cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bước 2: Thu thập đặc điểm nhân dạng, thông tin sinh trắc học gồm: Ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ Căn cước.
Bước 3: Người cần cấp thẻ kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước.
Bước 4: Người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước. Việc trả thẻ được thực hiện theo địa điểm trong giấy hẹn hoặc ở địa điểm khác nếu có yêu cầu và người cần cấp thẻ phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
Đối với trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cùng để làm thủ tục.
K.T