Ông Lưu, sống ở Trung Quốc sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn tại làng quê xa thành phố. Thuở nhỏ, ông cố gắng học hành để cải thiện cuộc sống. Nhờ sự chăm chỉ của ông mà cuộc sống bước sang trang mới sau khi học đại học rồi ở lại thành phố làm việc.
So với nhiều người trong làng, ông Lưu được xem là thành đạt khiến cha mẹ nở mày nở mặt. Sau này, ông Lưu thành doanh nhân, có tài sản lớn, giàu có, mua nhà, ô tô cho con cái đi học trường quốc tế. Nhiều người trong làng nhìn vào tấm gương của ông Lưu mà ao ước, răn dạy con cái không ngừng nỗ lực để học tập, hy vọng sau này kinh tế gia đình khá giả hơn.
Vị đại gia giàu có và thành đạt nhưng lại không được lòng người dân ở quê
Sự thành công của ông Lưu được nhiều người biết đến, bất cứ ai nhìn thấy doanh nhân này cũng phải thán phục. Mỗi khi nhắc đến ông, cán bộ trong làng tỏ ra tự hào, hãnh diện.
Vì rời quê hương đã lâu, công việc bận rộn, ông Lưu ít dành thời gian trở về. Mỗi lần về, ông chỉ thăm cha mẹ, anh em, ít khi tới nhà hàng xóm nên lâu dần tình cảm phai nhạt.
Nhìn ông lái xe đắt tiền về quê, lũ trẻ hào hứng xem còn người dân làng không mấy ai quan tâm. Thậm chí, ông không muốn con cái giao du với trẻ trong làng do sợ chúng mải chơi, không chú tâm việc học.
Nhìn thái độ và cách sống của ông Lưu, nhiều cư dân không còn giữ sự tự hào hay vui vẻ khi gặp người này. Mọi người thờ ơ khi thấy ông, chào hỏi xã giao cho qua chuyện, hoàn toàn không có tình cảm như trước đây. Vào dịp Tết, ông Lưu ghé về thắp hương cho tổ tiên, ăn vội bữa cơm với cha mẹ rồi trở lại thành phố.
Thậm chí, khi có đám cưới hay giỗ chạp, hàng xóm láng giềng có gửi thư mời nhưng ông Lưu phớt lờ. Ông cho rằng sống xa quê đã lâu, không còn tình cảm nên không muốn đi. Dân làng tỏ ra ngao ngán, vì không ngờ thái độ và cách ứng xử của người đàn ông này thay đổi nhanh chóng như vậy.
Mới đây, con trai ông Lưu tổ chức đám cưới, gia đình tính toán sẽ tổ chức quy mô lớn hàng trăm mâm ở quê, mời cả nghìn khách từ lớn đến nhỏ trong làng. Ông muốn lần tổ chức này sẽ phô trương thanh thế cho cả làng lác mắt. Thông qua con cháu, ông gửi thiệp mời cho các gia đình trong làng. Ông Lưu hy vọng đây sẽ là lễ cưới to nhất làng, mọi người được ăn món ngon, ca hát nhảy múa không nghỉ suốt đêm.
Đám cưới tổ chức linh đình nhưng không ai tới dự
Nhằm có công tác tổ chức tốt nhất, ông Lưu đặt 100 bàn tiệc, chuyển từ thành phố về. Toàn bộ bàn ghế, bát đĩa, rạp đều được chở bằng xe thẳng về quê. Thế nhưng, cả gia đình ông Lưu bẽ bàng, sát giờ khai tiệc vẫn không có ai đến. Nhìn vào rạp cưới chỉ có người thân, họ hàng ngồi khoảng 10 bàn, còn lại vắng tanh. Con trai ông Lưu và con dâu tỏ ra bối rối, cứ ngỡ dân làng nhầm ngày.
Cha của ông Lưu thấu hiểu nguyên nhân, nói với con trai: "Đừng đổ lỗi cho dân làng, con nên suy nghĩ về kết quả hôm nay. Dân làng ở đây sống rất tình nghĩa, nhưng con không đáp lại tình cảm của người ta, coi thường mọi người thì làm sao họ đến dự đám cưới. Đừng nghĩ chuẩn bị tiệc cưới sang trọng là được mà họ cần hơn là con nhớ về nguồn cội, gắn kết với mọi người".
Để tiệc cưới diễn ra như dự định, đích thân người cha già đã phải giải thích cho dân làng hiểu, đến từng nhà mời mọi người. Sau sự việc, số bàn tiệc dần kín khách, ông Lưu nhận được một bài học quý giá trong đời. Việc đối xử hàng ngày rất quan trọng, sống tốt và biết điều mới hy vọng nhận được sự yêu thương, san sẻ của mọi người khi gia đình có tiệc.
PHÚ NGUYỄN