Tôm là loại hải sản tươi ngon và giàu dinh dưỡng, được nhiều gia đình lựa chọn trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, tôm rất dễ hỏng nếu không được bảo quản đúng cách, đặc biệt khi bạn mua với số lượng lớn mà không sử dụng hết ngay. Để giữ tôm luôn tươi ngon, ngọt thịt và không bị mất chất dinh dưỡng trong quá trình bảo quản, bạn cần biết một số mẹo đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả.
Dưới đây là 3 cách bảo quản tôm tươi lâu mà bạn có thể áp dụng để tôm vẫn giữ được độ tươi và hương vị tự nhiên dù để trong tủ lạnh nhiều ngày.
Cách 1: Bảo quản tôm với nước và muối
Chuẩn bị: Tôm tươi - Nước sạch - Một chút muối - Hộp bảo quản
Cách làm:
Lưu ý khi chọn tôm tươi ngon:
- Tôm tươi thường có màu sắc tươi sáng, phần thân bóng và hơi trong suốt dưới ánh nắng mặt trời.
- Tôm khỏe, cầm lên sẽ có phản ứng nhảy tanh tách. Tránh chọn tôm có mùi hôi, thân nhợt nhạt, chân và râu rụng hoặc đầu thân lỏng lẻo.
Bảo quản:
- Rửa sạch tôm tươi, sau đó ngâm vào nước đá lạnh để tôm ngất đi.
- Xếp tôm ngay ngắn vào hộp, sau đó đổ nước sạch đã pha một chút muối loãng vào hộp, đảm bảo nước ngập hết bề mặt tôm.
- Đậy kín nắp hộp và đặt vào ngăn đá tủ lạnh.
Công dụng của phương pháp này:
Khi làm đông với nước muối loãng, lớp nước sẽ đóng băng và tạo thành một lớp băng đá bao bọc tôm. Lớp băng này ngăn không khí tiếp xúc với tôm, làm chậm quá trình oxy hóa và giảm sự phát triển của vi sinh vật.
Ngoài ra, băng đá còn giúp tôm giữ được độ ẩm và hương vị tự nhiên, tránh tình trạng mất nước.
Lưu ý khi rã đông:
Để rã đông nhanh chóng, xả nước trực tiếp vào lớp băng bao quanh tôm. Sau đó cần chế biến ngay để tôm giữ được độ tươi ngon.
Nếu chưa chế biến ngay, có thể rã đông trong nước đá lạnh để duy trì độ tươi. Không rã đông ở nhiệt độ phòng hoặc ngâm nước lâu vì sẽ làm tôm nhão, bở và mất ngon.
Cách 2: Dùng đường để bảo quản tôm
Chuẩn bị: Tôm tươi - Đường trắng - Hộp bảo quản thực phẩm
Cách thực hiện:
- Rửa sạch tôm bằng cách ngâm nước trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó rửa kỹ nhiều lần để loại bỏ bùn đất và các tạp chất.
- Dùng khăn giấy hoặc khăn sạch thấm khô tôm sau khi rửa.
- Chuẩn bị một chiếc hộp bảo quản, xếp tôm thành từng lớp.
- Đầu tiên, đặt một lớp tôm vào hộp, sau đó rắc một lớp đường trắng lên trên.
- Tiếp tục xếp thêm một lớp tôm và lặp lại với một lớp đường phủ lên trên.
- Thực hiện lần lượt như vậy cho đến khi hết tôm, đảm bảo lớp cuối cùng là một lớp đường phủ đều.
- Đậy kín nắp hộp và cho vào ngăn đá tủ lạnh để bảo quản. Khi cần sử dụng, lấy tôm ra rã đông tự nhiên rồi mới chế biến.
Lý do nên dùng đường để bảo quản: Đường giúp giữ độ ẩm tự nhiên của tôm, ngăn ngừa tình trạng mất nước. Nhờ đó, tôm khi rã đông vẫn giữ được độ mềm và hương vị tươi ngon.
Lưu ý:
- Khi rã đông, nên để tự nhiên thay vì ngâm trong nước.
- Có thể chia tôm thành nhiều phần nhỏ theo khẩu phần ăn để tiện lợi khi sử dụng.
Cách 3: Hấp hoặc luộc sơ trước khi bảo quản
- Rửa sạch tôm, để ráo nước.
- Chuẩn bị một nồi nước, thêm một chút muối và đun sôi.
- Cho tôm vào nồi, luộc sơ trong khoảng 2 phút rồi vớt ra, để ráo nước.
Lý do nên hấp hoặc luộc sơ trước khi bảo quản:
Việc hấp/luộc sơ giúp tôm giữ được độ tươi ngon trong thời gian dài. Đồng thời, phương pháp này hạn chế tình trạng tôm bị thâm đen khi bảo quản đông lạnh.
Lưu ý:
- Sau khi tôm đã ráo nước, cho vào hộp bảo quản hoặc túi zip kín và đặt vào ngăn đá tủ lạnh.
- Khi cần sử dụng, chỉ cần lấy tôm ra rã đông là có thể chế biến ngay.
- Các phương pháp bảo quản tôm trên không chỉ đơn giản, dễ thực hiện mà còn giúp tôm giữ được độ tươi ngon, hương vị tự nhiên và đảm bảo chất lượng lâu dài. Chọn phương pháp phù hợp với nhu cầu sử dụng của bạn để bữa ăn luôn trọn vẹn hương vị!
MINH NGỌC